Gấp quá quên đội nón bảo hiểm, đó là câu trả lời thường gặp nhất khi hỏi những phụ huynh quên đội nón cho con mình khi đến trường. Hiện nhiều bậc phụ huynh đã xem mũ bảo hiểm như là một phần trang phục cần thiết của con bạn khi ra ngoài. Vì vậy nếu thiếu nón bảo hiểm có nghĩa là chưa xong việc mặc đồng phục cho con. Việc xem nón bản hiểm như đồng phục của trẻ, còn giúp những bậc cha mẹ nhờ người đưa rước con hộ khỏi phải bận tâm người đưa, rước có mang nón theo hay không.
Ngày càng có nhiều phụ huynh xem chiếc nón bảo hiểm là đồng phục của trẻ - Ảnh: Nguyễn Hùng
“Trong quá trình truyên truyền đội nón bảo hiểm cho học sinh tiểu học, nhiều nhà trường nhận thấy rằng, nhiều bậc phụ huynh do công việc quá bận rộn không thể tự đưa rước con nên thuê người khác. Những người này lại quên mang theo nón bảo hiểm, dù cha mẹ của trẻ có dặn dò. Thiết nghĩ dù không phải là con em mình đi chăng nữa, vì an toàn cho khách hàng của mình những người đưa rước khách thuê cần tập thói quen đưa rước trẻ cùng chiếc nón”.Bà Đỗ Kiều Nương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học phường 9, TP Cà Mau bày tỏ.
“Tự tin vào tay lái của mình, cho rằng đường vắng vẻ không hề hấn gì, hay nêu lý do chỉ đi một đoạn đường ngắn cần gì đội nón bảo hiểm cho trẻ. Đó là thói quen thường gặp ở các Trường tiểu học vùng nông thôn. Nên nhớ rằng chỉ cần đi trên đường vài phút hay trong khu phố quen thuộc thì vẫn có thể xảy ra tai nạn bất ngờ”. Ông Phạm Hoàng Châu – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Xuyên, thành phố Cà Mau bộc bạch.
Quên đội nón cho trẻ là thói quen không đáng có - ảnh ST
Nhiều bậc phụ huynh đội nón bảo hiểm cho con theo hình thức đối phó. Chưa kể cài quay không đúng quy cách, còn có thói quen mua nón không đảm bảo chất lượng, thậm chí không phải là nón bảo hiểm. Giá của một chiếc nón bảo hiểm hợp chuẩn là quá nhỏ so với chấn thương sọ não suốt đời. Các bậc cha mẹ viện hàng ngàn lý do khi không đội mũ bảo hiểm cho bé, hoặc đội nón cho có lệ nhưng họ không thể biện minh khi chính lỗi này khiến con mình gặp nguy hiểm.
Hãy đội nón bảo hiểm cho con bạn khi tham gia giao thông, đó là thói quen, hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ với con em mình.
Thiên Ân