Hội nghị đánh giá, trong thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác bảo đảm TTATGT, nổi bật là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường thực hiện bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025; Quyết định số 2060/QĐ-TTG ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…
Hoàn thiện, cơ chế chính sách trong công tác bảo đảm TT ATGT
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó:
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Hàng năm đã ban hành Kế hoạch Năm An toàn giao thông để chỉ đạo các bộ, ngành, đoàn thể là thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện, trong đó, lấy Tháng 9 hàng năm chỉ đạo triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”; Ban hành Công điện số 256/CĐ-UBATGTQG ngày 07/6/2023 về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT.
Bộ Công an: Đã tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương chỉ đạo quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 – 2025; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông nhất là trong các dịp lễ, tết; đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên cả 03 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Chạy quá tốc độ quy định; vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; học sinh sử dụng xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm luật giao thông đường bộ…; bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khác và các lực lượng ngành giao thông, lực lượng tự quản về an toàn giao thông tại các địa bàn dân cư, lực lượng tình nguyện bảo đảm TTATGT để phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ các thành phố lớn, khu vực các trường học, nhất là trong ngày khai giảng năm học mới; tham gia bảo đảm an toàn cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự khai giảng trong năm học mới. Phối hợp kiểm tra, rà soát những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, tập trung tại khu vực cổng trường học; các điểm xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để kiến nghị, khắc phục xử lý kịp thời; kiểm tra điều kiện an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông... tập trung kiểm tra trong thời gian trước, trong ngày khai giảng và trước thời điểm mưa, bão, lũ đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trên phương tiện thủy. Đặc biệt, đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý xe ô tô chở khách không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định để đưa, đón học sinh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các địa phương đã tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các công điện, kế hoạch, công văn chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; làm tốt công tác điều tra cơ bản tại các cổng trường học, việc chấp hành của học sinh, sinh viên, đặc biệt là việc giao xe của phụ huynh cho học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Phân công lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát tại khu vực các trường học để xử lý nghiêm học sinh sử dụng xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ; kiểm soát, xử lý nghiêm phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật và không đủ các trang thiết bị an toàn cần thiết..
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành Kế hoạch số 209/KH-BGDĐT ngày 09/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030. Phối hợp tổ chức Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT năm học 2023-2024 tại Đồng Nai. Hoạt động tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, thu hút được trên 20.000 học sinh, sinh viên tham dự. Xây dựng sổ tay an toàn giao thông khu vực trường học đã được thí điểm tại 6 trường học ở Hà Nội, Nghệ An và Sóc Trăng. Dựa trên kết quả đánh giá hạng sao trường học, 6 trường học đã đạt được 4 và 5 sao sau khi tiến hành cải tạo so với 1 và 2 sao trước khi cải tạo (1 sao: rất nguy hiểm và 5 sao: rất an toàn). Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong các dịp lễ, tết, nhất là trong các dịp nghỉ hè; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo tới học sinh, sinh viên tham gia hưởng ứng Cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023” do Bộ Công an tổ chức.
Bộ Giao thông vận tải: ban hành Kế hoạch số 1090/KH-BGTVT ngày 09/2/2023 về “Hành động năm an toàn giao thông 2023” với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể các cơ quan đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về an toàn giao thông.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, các Sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; trong đó có công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường; chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp khác nhằm góp phần ngăn chặn, phát huy tối đa, hiệu quả đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; gắn trách nhiệm đến từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thông qua các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm cho học sinh tham gia giao thông. Nhiều địa phương đã ban hành văn bản cấm cán bộ, đảng viên có ý kiến can thiệp vào việc xử phạt của lực lượng chức năng và có hình thức xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm TTATGT; lấy việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và là tiêu chí để thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở, cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức phát động và xây dựng phong trào quần chúng nhân dân, nhất là xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông trong trường học”, “Trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông”, “Cổng trường văn minh, văn hoá, an toàn”, Đội thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh.
Tập trung công tác công tác tuyên truyền trong học đường
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn lái xe mô tô an toàn cho học sinh, sinh viên tại các tỉnh, thành phố, trong đó, 9 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức 458 hoạt động trên 61 tỉnh, thành phố, thu hút được 220.472 học sinh, sinh viên tham gia; tổ chức trao tặng 263.020 mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một và lớp hai năm học 2022 - 2023 tại 3 thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; tổ chức cho học sinh toàn quốc tham gia Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học và Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2022 - 2023.
Bộ Công an: Phối hợp với nhà trường, gia đình tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông cho 8.616.217 học sinh, sinh viên và giáo viên; 3.956.761 phụ huynh ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên khi chưa đủ điều kiện điều khiển; tổ chức 5.575 đội thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm nhằm hướng dẫn giao thông tại cổng trường, tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, nhắc nhở các em học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông. CSGT các địa phương đã tổ chức và phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật với 17.238 buổi tuyên truyền về TTATGT với 9.250.786 học sinh và 520.814 giáo viên tham dự; trao 74.885 mũ bảo hiểm cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Công ty Honda Việt Nam tổ chức 458 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn lái xe mô tô an toàn cho 220.472 học sinh tại các tỉnh, thành phố tham gia; tổ chức trao tặng 263.020 mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một và lớp hai năm học 2022 - 2023 tại 3 thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; tổ chức Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” dành cho 2.972.993 trẻ mầm non năm học 2022-2023; Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cho 3.600.000 học sinh tiểu học năm học 2022-2023 tham gia cuộc thi; Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho 2.782.487 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2022-2023 tham gia cuộc thi. Triển khai 03 chương trình: (1) Chương trình “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”. Trong đó, tổ chức 18 buổi tập huấn trong cho 1.805 học sinh và sau tập huấn, các em đã báo cáo hơn 10.000 vị trí mà các em cảm thấy an toàn, không an toàn xung quanh trường học trên Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên; tổ chức 18 thảo luận nhóm với học sinh và 36 cuộc phỏng vấn sâu với giáo viên ở 18 trường dự án để thu thập ý kiến phản hồi người dùng về ứng dụng YEA. Nhóm đánh giá dự án đang thực hiện phân tích kết quả; phối hợp với Công ty Truyền thông phát triển một video âm nhạc Rap Việt để nâng cao nhận thức ATGT đường bộ cho học sinh. (2) Chương trình tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em: Quý 1/2023 tổ chức lễ phát động ngày hội an toàn giao thông và trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh của 3 trường THPT tại thành phố Hà Nội (THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất, THPT Tiền Phong - Mê Linh, THPT Bất Bạt - Ba Vì). Tổng số mũ đã trao tặng 4.675 mũ; thiết kế và in ấn tài liệu truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, kiến thức về mũ bảo hiểm của học sinh và phụ huynh. Tổng số tài liệu 4.875 quyển được phân phát tới 03 trường dự án. (3) Chương trình “Đến trường an toàn” tổ chức hội thảo tập huấn giáo viên nâng cao (qua hình thức trực tuyến) cho giáo viên hai trường dự án (TH Nguyễn Viết Xuân và TH Tịnh Phong) tại Yên Bái với số lượng tham gia là 51 giáo viên; thiết kế và in ấn bộ tài liệu bổ trợ của dự án và gửi về các trường để hỗ trợ trong công tác giảng dạy an toàn giao thông tại nhà trường với 2 nội dung chính là: Đi bộ an toàn & Đội mũ bảo hiểm. Tổng số 3.349 cuốn cẩm nang an toàn giao thông và 6.698 tờ rơi tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm và đi bộ an toàn.
Mộng Tuyết