Đầu thế kỷ 20, hoạt động đi lại ở các nước vẫn còn khó khăn và chưa thực sự phát triển do đường xá thô sơ cùng sự xuất hiện của quá nhiều loại hình phương tiện như xe đạp, xe ngựa, xe ôtô, người đi bộ… Vì vậy, nhu cầu về một hình thức kiểm soát giao thông mới là điều thực sự cần thiết lúc bấy giờ.

Năm 1900, trên trang tạp chí Rider and Driver, William Phelps Eno - một nhà tư bản vùng New England giàu có đã đưa ra ý tưởng về một biển báo dừng lại (stop)

William Phelps Eno – nhà tư bản với tư tưởng giao thông tiến bộ.

Tuy nhiên, ý tưởng này không mấy ai ủng hộ và gần như bị lãng quên trong suốt một thập kỷ sau đó. Mãi đến tận năm 1915 khi chính quyền thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ quyết định cho dựng biển báo dừng lại đầu tiên ở giao lộ Cass và Clifford, người dân mới có cái nhìn đúng đắn hơn về tác dụng của loại biển báo này.đặt ở các giao lộ, nhằm cải thiện tình hình giao thông.

Một ngã tư ở Detroit với biển báo dừng lại ở góc trên bên trái.

Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều đồng tình quyết định trên. Tờ Detroit Free có đăng tải ý kiến của một thành viên trong hội đồng nhân dân thành phố: “Đây đích thực là một sự lãng phí tiền bạc. Chẳng có tài xế nào chịu dừng xe trước một biển báo vô tri vô giác nếu không có sự có mặt của cảnh sát ở đó”.

Hình dáng đặc biệt

Trong lần đầu ra mắt công chúng, chiếc biển báo đặc biệt này được thiết kế với hình vuông màu trắng cạnh 60 cm cùng dòng chữ “STOP” được sơn đen. Tháng 1/1923, sau khi được thông qua trong một cuộc họp ở Chicago, Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang Mỹ thuộc Bộ giao thông đã ấn định bộ quy tắc thống nhất hình dáng biển báo.

Theo đó, những biển hình tròn dùng cảnh báo tại đường giao cắt đường sắt. Hình thoi có ý nghĩa giảm tốc độ. Hình vuông thu hút chú ý. Hình chữ nhật cung cấp chỉ dẫn và hiệu lệnh. Hình bát giác là lệnh dừng lại.

Hình dáng đặc biệt của biển báo dừng lại trong ấn phẩm Bộ quy tắc biển báo tín hiệu giao thông (MUTCD)  xuất bản năm 1935.

Với 8 cạnh đặc biệt của hình bát giác, biển báo dừng có thể nhận biết ngay cả khi nhìn từ đằng sau theo hướng ngược lại. Các nhà làm luật hy vọng sự thay đổi này sẽ khiến tình hình giao thông được cải thiện hơn.

Màu sắc gây tranh cãi

Đúng một năm sau, tại Hội nghị Quốc gia về An toàn đường bộ và đường cao tốc, một báo cáo trong việc áp dụng màu sắc đối với biển báo đã được trình bày. Theo đó, biển báo màu đỏ được khuyến khích dùng để ra hiệu lệnh dừng, bởi nó tác động mạnh lên ý thức người dân.  

Trong suốt những năm 1930, biển báo giao thông dù đã được thiết kế lại với nhiều màu sắc hơn (chủ yếu là màu vàng) song vẫn chưa ứng dụng được ưu thế thực sự của màu đỏ. Lý giải cho điều này, Gene Hawkins - giáo sư, kỹ sư xây dựng của Đại học Texas A&M, cho rằng chất lượng sơn là một trong những lý do chủ yếu. Bởi trải qua thời gian, biển báo không giữ được màu đỏ nguyên gốc mà bị phai mờ do tiếp xúc với mưa, nắng và các yếu tố thời tiết khắc nghiệt.

Màu vàng và đen được sử dụng để lấp chỗ trống tạm thời.

Công cuộc “tìm lại màu đỏ” cho biển báo chỉ thực sự khởi sắc khi bang California nghiên cứu và áp dụng thành công men sứ trong việc gia tăng độ bền màu. Kể từ đây, dáng hình chính thức của biển báo dừng lại được ấn định và miêu tả rõ ràng trong MUTCD như sau: “Biển hình bát giác, màu đỏ với dòng chữ STOP màu trắng, có kích thước bằng 1/3 chiều cao của biển”.

Các nhà khoa học giải thích, biển báo sử dụng màu đỏ không bị nhầm lẫn với cảnh vật xung quanh, khiến cánh tài xế có thể nhận biết từ cách đó hàng dặm.

Hình ảnh quen thuộc trên những dặm đường.

Ngoài ra, theo nghiên cứu từ năm 2011 của Hội khoa học tâm lý, loài khỉ da nâu sống ở Puerto Rico nói riêng và các loài động vật nói chung có xu hướng e dè trước các vật thể màu đỏ bởi chúng là tín hiệu cho thấy sự nguy hiểm, mối đe dọa tiềm tàng. Chẳng thế mà đèn tín hiệu giao thông cũng lấy màu đỏ làm hiệu lệnh ngăn các phương tiện di chuyển khi đi trên đường.

Hình ảnh chiếc biển báo bát giác màu đỏ mang ý nghĩa dừng lại đã trở nên quen thuộc và thống nhất với người đi đường ở bất cứ đâu trên thế giới dù là Mỹ, Trung Quốc, Iran, Ireland, Hàn Quốc hay Việt Nam. Trong suốt một thế kỷ dài, chúng đã giúp cứu mạng hàng triệu người và thay đổi bộ mặt giao thông toàn thế giới.

news.zing.vn