1. Thời gian qua, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè, tình trạng trẻ em đuối nước tại nhiều địa phương trong cả nước lại có chiều hướng gia tăng. Điển hình gần đây là vụ chiều ngày 21/3, có 9 học sinh rủ nhau ra sông Đà, chơi trên bãi cát Thịnh Minh (phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), sau khi xuống tắm 8 em đã bị đuối nước. Trước đó, cũng vào chiều ngày 08/02, nhóm học sinh lớp 9/1 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu (xã Bình Đình Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau tắm biển, chụp ảnh lưu niệm ở bãi biển thuộc xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Trong lúc vui chơi, các em bị sóng biển cuốn trôi ra xa khiến 6 học sinh chết đuối. 

Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm nói trên không chỉ cướp đi sinh mạng của các nạn nhân nhỏ tuổi mà còn gây nên tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các địa phương diễn ra vụ việc.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người đuối nước ở Việt Nam rất cao, đứng thứ ba chỉ sau tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Từ nhiều năm trở lại đây, tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình hàng năm cả nước có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 đến 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy tình trạng tai nạn đuối nước của trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước đang ở mức đáng báo động.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em còn thấp. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị thì tai nạn đuối nước đối với trẻ em cũng thường xuyên xảy ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn... một phần cũng vì chưa có sự giám sát của gia đình, nhà trường, xã hội - nhất là trong dịp hè và mùa mưa bão.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em

Một nguyên nhân quan trọng nữa xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, hồ... trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát... rất nguy hiểm.

Nhìn từ khía cạnh hạ tầng giao thông, số lượng các phương tiện qua lại trên biển, sông, hồ, nhất là những ghe, đò... chở các em qua sông để đến trường thường chở quá số lượng người quy định, lại cũ kỹ, thiếu các trang thiết bị an toàn, phao cứu sinh, dụng cụ nổi. Trong khi đó công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ; việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước chưa được chú trọng đúng mức; việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thủy. Một số nơi, cả người lớn và trẻ em còn có thói quen tắm ở ao hồ, sông, suối nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Ngoài ra, phải kể đến thực trạng đuối nước cả nhóm, đó là khi các em tự cứu lẫn nhau. Do các em chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, thậm chí là không biết bơi cũng lao ra cứu bạn dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị đuối nước tăng lên.

Dạy bơi cho trẻ em là giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả

2. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội luôn chú trọng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra với trẻ em, trong đó có phòng tránh đuối nước. Để phòng ngừa đuối nước trẻ em, theo chúng tôi, lực lượng Cảnh sát đường thủy cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa đuối nước. Thông qua hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và giúp thay đổi hành vi của cá nhân, cộng đồng xã hội về phòng chống tai nạn đuối nước nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng.  

Việc tuyên truyền được tiến hành bằng những hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào các nội dung: tình hình, đặc điểm đường thủy nội địa nơi người dân cư trú, sinh sống; thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và phương pháp xử lý khi gặp đuối nước; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ dễ xảy ra đuối nước; các biện pháp cụ thể để phòng ngừa đuối nước trẻ em, như: đi đò phải mặc áo phao, khi tắm sông phải có sự giám sát của người lớn, bơi trong hồ bơi phải có huấn luyện viên, bảo vệ trông coi bể bơi, mùa mưa lũ phải trông coi, giám sát trẻ em cẩn thận… Đặc biệt, cần chú trọng phát động, thực hiện tốt cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”, duy trì và nhân rộng mô hình “Cảng, bến, đoạn, cửa sông an toàn”, “Làng chài bình yên”,…

Thứ hai, hướng dẫn các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, tuyến đường thủy chủ động phòng ngừa đuối nước cho con em mình. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tận gốc các mối nguy hiểm cho con, em mình khi tham gia các hoạt động trên đường thủy. Do đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy cần đi sâu tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình có những biện pháp phòng ngừa, như: thường xuyên quan tâm, trông coi trẻ em, đặc biệt là vào mùa hè, trong mùa mưa bão, mùa nước nổi. Khi trẻ em đến bể bơi, đi tắm biển, đến gần ao hồ, sông, suối… phải có người lớn giám sát. Cần phổ biến cho trẻ em những kinh nghiệm, biện pháp, kỹ năng nhằm tránh đuối nước. Dạy cho trẻ em có ý thức phòng ngừa đuối nước trong mọi trường hợp. Cho trẻ học bơi tại các trung tâm thể thao hoặc tự dạy con học bơi khi thể lực, trí lực phù hợp với môn học bơi, cần trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi như phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy…

Thứ ba, tích cực tham mưu chính quyền các cấp và phối hợp, kiến nghị các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa đuối nước. Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông các cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức xã hội tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng ngừa và cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra đuối nước. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở trong việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”,… Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng, tuyên truyền và tư vấn cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, chính quyền cơ sở về mô hình này, trong đó cần tập trung: Tại cộng đồng, hướng dẫn và hỗ trợ các vùng khó khăn làm biển báo những nơi nguy hiểm về đuối nước, lấp hố nước, rào ao, rào chắn, các nơi nguy hiểm, sân chơi an toàn, hỗ trợ các dụng cụ sơ cấp cứu tại cộng đồng. Tại gia đình, chú trọng các tiêu chí về phòng chống đuối nước trẻ em, ngoài ra còn hỗ trợ các gia đình có trẻ em bằng các thiết bị an toàn như tủ thuốc, làm hàng rào quanh ao, làm nắp giếng. Tại trường học, hướng dẫn về tiêu chí phòng chống đuối nước trẻ em lồng ghép trong các tuần học, môn họchỗ trợ thiết bị vui chơi an toàn cho các trường mẫu giáo, tiểu học vùng khó khăn; cải tạo sân chơi cho trẻ em…

Từ thực tiễn công tác, phối hợp thực hiện hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội tham mưu và triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa đuối nước trẻ em. Đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức dạy bơi, hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng kỹ năng sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cho trẻ em ở một số xã có sông, suối, ao hồ, vùng biển, bão lũ thiên tai thường xuyên xảy ra, nơi các em đi học phải qua sông, qua đò. Tổ chức quản lý, lắp đặt các biển báo nguy hiểm, biển cấm trên đường thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy theo đúng quy định. Chủ động hoặc phối hợp rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm; tổ chức kiểm tra các cơ sở dạy bơi, các khu vui chơi trên đường thủy, bãi tắm biển, các bến sông, các phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch… để xử lý kịp thời những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho trẻ em bị đuối nước.

Theo Cục CSGT