Trong đó có không ít vụ tai nạn để lại những hậu quả vô cùng thương tâm khi người bị nạn lại là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, do sự thiếu hiểu biết đã không lường trước được sự việc.

Học sinh THPT chưa biết cách tham gia giao thông an toàn

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, trong tháng 8.2016, cứ 100.000 trẻ em thì có 20 trẻ tử vong do tai nạn giao thông, tỷ lệ cao gấp 3 lần so với các nước trong khu vực. Trong đó, có hơn 80% các vụ tai nạn xảy ra khi các em đang trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Cũng theo một báo cáo khác, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm học sinh THPT là 32,5 trẻ tử vong trên 100.000 trẻ, cao gấp 4 lần tỉ lệ so với người bình thường tại TPHCM và cao gấp 8-9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển.

Tình trạng tham gia giao thông thiếu an toàn của học sinh hiện nay là đáng báo động

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, thì phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Vì thế, việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông được cho là vô cùng cần thiết và hữu ích, giúp các em nâng cao kiến thức về luật giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để từ đó đưa ra những xử lý kịp thời.

Hiệu quả từ những bài học mang tính thực tiễn cao

Để khắc phục tình trạng trên, từ những năm trước, bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với nhà trường và một số tổ chức uy tín khác triển khai các khóa học, các cuộc thi mang tính giáo dục an toàn giao thông bổ ích cho các em học sinh, đặc biệt là khối THPT, mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Cuộc thi tìm hiểu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinhTHPT diễn ra từ tháng 12/2016 đến cuối năm học 2017 tại 63 tỉnh thành trong cả nước, nhận về những con số kỷ lục: 41.438 bài dự thi của giáo viên và 861.575 bài dự thi của học sinh. Sau vòng sơ loại, Ban tổ chức đã chọn ra 30 giáo viên và 32 học sinh có bài thi xuất sắc để bước vào thi Vòng Chung kết với nội dung lần lượt là soạn giảng giáo án và trả lời trực tiếp kiến thức An toàn giao thông tổ chức vào ngày 28 tháng 3 tại Thành phố Đà Lạt. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức chọn và trao tặng 07 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba cùng 1.000 giải Khuyến khích cho học sinh. Giải thưởng dành cho giáo viên bao gồm 03 giải Nhất, 07 giải Nhì, 20 giải Ba và 200 giải Khuyến khích.

Trước cuộc thi, các cán bộ giáo viên nhà trường sau khi được tập huấn và nghe giảng mẫu theo giáo trình đào tạo sẽ triển khai giảng dạy cho học sinh của mình thông qua các giờ học Giáo dục công dân hoặc ngoại khóa trên lớp. Nội dung giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” được Vụ Giáo dục trung học, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT, Honda Việt Nam xây dựng dựa trên tài liệu hiện có về ATGT của Bộ GD&ĐT và giáo trình giảng dạy ATGT cho học sinh THPT của Honda Motor với kết cấu 5 bài: Tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ, Hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, Dự đoán và phòng tránh nguy hiểm, Cách đi xe đạp an toàn và Kiến thức chuẩn bị điều khiển xe máy an toàn.

Phần thi kiến thức ATGT của học sinh

Giao lưu phương pháp giảng dạy ATGT giành cho 30 giáo viên xuất sắc nhất, lễ trao giải cuộc thi  “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2016 – 2017 đã được tổ chức tại Lâm Đồng.

Bên cạnh hoạt động đào tạo và tổ chức Hội thi cho giáo viên học sinh cấp THPT, Honda Việt Nam cũng đang phối hợp triển khai các chương trình đào tạo cho đa dạng các đối tượng là học sinh tiểu học, Đoàn viên thanh niên, cảnh sát giao thông và người dân cả nước.

Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về độ tuổi thấp nhất được điều khiển các loại xe đạp điện, xe máy điện. Thêm vào đó, chưa có quy định về việc người điều khiển xe đạp điện và xe máy điện phải có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe. Dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện từ 16 tuổi trở lên. Thêm vào đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, phần lớn cha mẹ học sinh ủng hộ việc học sinh đi xe máy điện cần có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe. Đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần siết chặt quản lý phương tiện xe đạp điện và xe máy điện.

Qua những số liệu nghiên cứu đã được thực hiện, các nhà chuyên môn nhận thấy rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Đối với học sinh THPT - đối tượng được phép tham gia giao thông độc lập, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống thực tế, càng cần phải nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường hơn nữa.

Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục ATGT cho từng cấp học; chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện cho học sinh.

Theo đó, năm 2018 sẽ thí điểm đưa vào giàng dạy tại một số trường xem xét, đánh giá hiệu quả thực hiện;

Các giải pháp nhằm nâng cao ATGT cho học sinh THPT có vai trò rất quan trọng. Các kết quả nghiên cứu, phân tích tỷ lệ TNGT theo nhóm phương tiện, nguyên nhân TNGT, sở thích đi lại, kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh THPT, thực trạng sở hữu phương tiện của gia đình cùng các kiến nghị, đề xuất giảm thấp nhất số vụ TNGT ở lứa tuổi THPT của nhóm nghiên cứu sẽ là căn cứ quý báu để Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp đề ra những biện pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời ngăn chặn TNGT ở học sinh THPT tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện và bền vững.

Theo Dân trí