New South Wales đưa ATGT vào chương trình giáo dục bắt buộc từ năm 1986
Đó chính là lý do vì sao nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông (ATGT) sớm cho trẻ em.
Bắt buộc giảng dạy trong trường học
Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), TNGT gây ra 260.000 cái chết của trẻ em và thanh niên trong độ tuổi từ 0-19 tuổi. Trẻ em chiếm 21% trong tổng số người bị thương dẫn đến tử vong vì TNGT đường bộ trên toàn thế giới. Khoảng 2/3 số trẻ em gặp phải các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng vì TNGT trên toàn cầu xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Trẻ em khu vực châu Phi và Trung Đông chiếm tỉ lệ cao nhất về tử vong vì tai nạn đường bộ. Thậm chí, tại khu vực phát triển như châu Âu, vẫn có tới 1 trong 5 trẻ bị thương đến mức tử vong vì TNGT.
Những con số “biết nói” trên cho thấy, việc đảm bảo ATGT, giáo dục và nâng cao nhận thức cho trẻ em về vấn đề này là vô cùng quan trọng. Tại một số bang/quốc gia như New South Wales (Australia), Singapore, Uganda còn bắt buộc phải có chương trình giáo dục về an toàn đường bộ trong trường học.
Tại New South Wales (Australia), từ năm 1986, Chương trình Giáo dục An toàn đường bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục, Hiệp hội các trường độc lập, Chương trình Giáo dục An toàn đường bộ sớm cho trẻ em… cung cấp các nguồn tư liệu, khóa giáo dục và phát triển chuyên môn cho trường học, giáo viên. Đây là một phần trong chương trình giáo dục chính thức dành cho học sinh và đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên. Chương trình Giáo dục An toàn đường bộ nằm trong môn Phát triển con người, Giáo dục thể chất và sức khỏe (PDHPE) đối với tất cả học sinh từ bậc mầm non tới 10 tuổi. Việc dạy và học tập trung vào các vấn đề về an toàn với người đi bộ, người ngồi trên xe cũng như người điều khiển xe trong tương lai.
Phương pháp dạy thiết thực
Tại Singapore, hoạt động giáo dục an toàn đường bộ được thực hiện với trẻ từ 7-12 tuổi và tổ chức ở môi trường bên ngoài như tại các công viên về ATGT hoặc một khu vực có diện tích rộng tối thiểu chừng 4ha. Tại những địa điểm như vậy, các nhà giáo dục sẽ xây dựng bối cảnh và các thiết bị, đèn báo tín hiệu giao thông như trên đường phố để học sinh làm quen và trải nghiệm. Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức các bài giảng dạy về ATGT.
Mỗi ngày, có khoảng 500 học sinh được học tập về lĩnh vực này. Trong mỗi buổi học, trẻ em sẽ được học tập lý thuyết rồi chơi trò chơi như tham gia đóng vai người đi bộ, cảnh sát giao thông, người đi xe đạp… để xử lý các tình huống giao thông. Sau trò chơi, cảnh sát giao thông sẽ khen thưởng những học sinh đã xử lý tình huống tốt, đúng quy định, chỉ ra các lỗi sai và đúc rút bài học kinh nghiệm.
Tuy nhiên, một số nước như Uganda, dù đã đưa học tập về ATGT vào chương trình học bắt buộc tại bậc tiểu học nhưng việc giảng dạy và học tập chỉ mang tính hình thức, không thực tế và sâu sát khiến học sinh học xong vẫn mơ hồ.
Một nghiên cứu do Hội Chữ thập đỏ Uganda thực hiện đã phát hiện ra thực trạng đáng buồn tại Uganda. Phần lớn giáo viên đều cho rằng hướng dẫn đào tạo ATGT cho học sinh quá chung chung và lý thuyết, khó áp dụng trong giảng dạy. Dẫn đến, nhiều giáo viên chuẩn bị giáo án sơ sài, xa rời thực tế và không cuốn hút. Không ít phụ huynh, thậm chí các em học sinh Uganda được dạy để tin rằng TNGT đường bộ là không thể tránh khỏi, do “Quỷ Satan” gây ra. Nhiều học sinh coi cầu nguyện tại nhà thờ có vai trò quan trọng trong ngăn chặn TNGT hơn là việc học tập và tham gia các khóa học thực hành.
Theo baogiaothong.vn