Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ. Ảnh Nguyễn Hùng

Tuyên truyền pháp luật ATGT

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT luôn xác định thanh thiếu niên thuộc diện đối tượng trọng tâm. Trong xây dựng pháp luật các quy định ví dụ như quy định bắt buộc trẻ em phải đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe máy. Gần đây chủ đề chính của không ít cuộc hội thảo do Bộ GTVT khởi xướng, phối hợp với một số tổ chức quốc tế (Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp đồng. Tổ chức Y tế Thế giới) đã tập trung vào nội dung “An toàn giao thông đường bộ cho trẻ em” hoặc “Trẻ em và văn hoá giao thông”. Còn về phía gia đình? Phần lớn những người làm cha mẹ, làm anh làm chị đã tạo thành thói quen dặn dò, nhắc nhở con em cẩn thận khi ra đường, thể hiện tình cảm và ý thức trách nhiệm các của các bậc phụ huynh..

Nếu gọi tất cả những hoạt động vừa nêu trên là phương pháp giáo dục dùng ngôn ngữ nói hoặc viết, thông qua bài giảng của thầy cô giáo, các bài phát biểu, bài báo của người lớn hoặc lời nói của các bậc phụ huynh, thì hành vi cụ thể của người lớn khi tham gia giao thông là những “ bài học không lời”. Trẻ em ở tuổi đang lớn luôn có khát vọng tìm hiểu, phát hiện, quan sát và cảm nhận những động thái của đời sống, cho nên “bài học không lời” có giá trị trực quan nhất, gây tác động và ấn tượng sâu sắc nhất đối với các em. Do đó khi đề cập trách nhiệm của xã hội, trách nhiệm người lớn đối với trẻ em trong lĩnh vực bảo đảm TT.ATGT, không thể không lưu ý đến vấn đề “tấm gương” của người lớn khi tham gia giao thông. Phải cần lưu ý rằng, đối với không ít hoạt động khác của đời sống, có thể có “vùng cấm” hoặc hạn chế được trẻ em tiếp cận tìm hiểu, riêng lĩnh vực giao thông “cánh cửa” luôn mở rộng. Bởi giao thông là hoạt động phổ biến nhất của con người, tất cả hành vi của người lái xe ô-tô, điều khiển xe máy, người đi bộ, người thi hành công vụ đều nằm trong tầm mắt, tác động đến giác quan và nhận thức của trẻ em.

Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen trong bức tranh hiện thực mà trẻ em đang chứng kiến hàng ngày về việc chấp hành luật giao thông và văn hoá giao thông hiện nay, rất cần có sự định hướng kịp thời. Theo chúng tôi, trong nội dung giáo dục bài bản hoặc thành văn ở nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng và gia đình, nên có sự trao đổi, phân tích thường xuyên hơn cái đúng, cái sai, phê phán những hành vi thiếu văn hoá, đặc biệt chú trọng biểu dương những những gương tốt, giúp các em tự rút ra những bài học cho mình. Mặt khác, có ý thức sâu sắc hơn nữa trong việc phát huy tác dụng “bài học không lời” và người truyền đạt trực tiếp, không phải ai khác, trước hết là các bậc phụ huynh.

Phụ huynh cần gương mẫu trước

Các bậc phụ huynh cũng là người tham gia giao thông bình thường, nên cũng dễ mắc phải những lỗi vi phạm như biết bao người khác. Tuy nhiên, khi chở các em trên xe máy, xe đạp, trên ô tô hoặc cùng các em đi bộ, đi đò, ngồi trên phương tiện vận tải khách công cộng, phụ huynh còn mang thêm một trọng trách lớn là bảo đảm an toàn cho các em - tài sản quý giá nhất của đời người. Trách nhiệm đó đòi hỏi các bậc phụ huynh phải tập trung hơn, có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật ATGT. Hơn thế nữa, bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con em sớm tự lập, cần chuyển hoá mong muốn này thành hành động, giáo dục và làm gương cho con em, để khi các em đi ra đường một mình hoặc sau này tự lập biết cách bảo đảm an toàn, chấp hành luật giao thông. Điều nói trên cần phải trở thành ý thức thường trực của các bậc phụ huynh. Không vì phải bươn chải kiếm sống, bộn bề trong công việc mà xao nhãng, nhất là trong bối cảnh giao thông đang phức tạp như ở nước ta hiện nay.

Người lớn vi phạm ATGT sẽ rất khó khăn khi giáo dục con em mình. Ảnh minh hoạ

Để làm gương cho con em cần phải làm gì? Đương nhiên là phải nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định bảo đảm TTATGT và phấn đấu nâng lên một bậc nữa là chấp hành luật giao thông ở tầm văn hoá, sửa chữa những thói quen tuỳ tiện. Trong đó, theo chúng tôi, người tham gia giao thông nói chung và các bậc phụ huynh cần sớm khắc phục kiểu chấp hành “đối phó”, như: Đến ngã tư thấy vắng bóng CSGT là tự động vượt đèn đỏ, hoặc không đội MBH khi đi xe máy vào các buổi tối hay ở những nơi không có lực lượng TTKS… Kiểu chấp hành “đối phó” nói trên không chỉ là vi phạm mà còn mang tính chất thiếu trung thực có phần “gian dối”; nguyên lý giáo dục coi đây là phần tối kỵ, phải ngăn chặn, không để “lây nhiểm” sang trẻ em.

Tương tự, việc đội MBH cho các cháu dưới 6 tuổi cũng cần có nhận thức đúng hơn : Không vì không vì phạt mà không đội, tự giác đội MBH trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng cho con em mình. Sớm chấm dứt  hình ảnh phản cảm là cũng ngồi trên xe máy nhưng bố hoặc mẹ đội MBH còn con để đầu trần, trong khi chúng ta luôn nói “những gì tốt đẹp nhất phải dành cho các em”…

Có thể không đúng với tất cả, nhưng theo nguyên lý thông thường, phụ huynh càng có trách nhiệm đối với con em mình thì cũng được nhận lại những điều tốt đẹp tương tự. Trong vai trò của người tham gia giao thông, không ít bậc phụ huynh đã thừa nhận, con em đã góp phần giáo dục mình chấp hành tốt hơn các quy định ATGT: Khi đèo các em trên xe, khi lái xe đưa các em đi học, nhìn gương mặt hồn nhiên, đáng yêu của con em, càng tự nhắc nhở mình cẩn thận, tránh những lỗi vi phạm có thể gây ra TNGT hoặc bị CSGT xử phạt, xấu hổ với con em và với người đi đường. Theo chúng tôi, những hành vi xuất phát từ những tình cảm sâu xa như thế của các bậc phụ huynh là một khởi điểm quan trọng của văn hoá giao thông. Đến lượt, nét đẹp văn hoá này truyền cảm cho con em, góp phần xây dựng văn hoá giao thông trên phạm vi rộng, là nhân tố quyết định sự bền vững của công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Theo VTOTO. Hà Giang sưu tầm