Một buổi tuyên truyền, tư vấn cho học sinh về phòng chống bạo lực học đường.
Nhu cầu được quan tâm, chia sẻ
Tại diễn đàn dành cho trẻ em năm 2017 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức từ thành phố tới cơ sở, hàng nghìn trẻ em bày tỏ mong muốn được cha mẹ, người thân quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Thay vì những lời quát mắng, roi vọt dạy dỗ, người lớn hãy lắng nghe trẻ em nói và phân tích, giảng giải cho trẻ em thế nào là đúng, thế nào là sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Khi trẻ em chia sẻ các kế hoạch tương lai, nếu phù hợp, người lớn nên động viên, khuyến khích, nếu không phù hợp cần giải thích tận tình, không nên tỏ thái độ thiếu tôn trọng trẻ nhỏ. Cháu Nguyễn Diệu L. (11 tuổi), trú tại huyện Ba Vì cho biết,năm học 2016-2017 vừa qua, cháu giành được nhiều điểm 10, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Cuối năm học, cháu khoe điểm số với ông bà và nói sau này cháu muốn trở thành luật sư, ông bà nghe xong dửng dưng: “Ối dào, bây giờ đứa nào đi học cũng được điểm 10. Nói lắm, đanh đá như mày có mà ra chợ cãi nhau, làm luật sư ai thuê…”. “Lời nói của ông bà cháu biết là không có ý gì, nhưng cháu thực sự thấy tổn thương”, Nguyễn Diệu L. chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý về trẻ em, những câu nói phổ biến của người lớn như: “Bố, mẹ đang bận làm việc, con ra chỗ khác chơi”, “Con đòi hỏi nhiều quá, bố mẹ không có tiền, không có thời gian”, “Con nhìn bạn xem, bạn giỏi thế, con chả được tích sự gì cả”… như gáo nước lạnh dội vào con trẻ. Thái độ và những lời nói tương tự như thế lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ em thiếu tự tin, sống khép kín và có thể là nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Chị Phan Lan Hương, tư vấn viên đường dây Tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 cho biết, từ năm 2004 đến nay, dịch vụ này đã tiếp nhận hơn 2,5 triệu lượt cuộc gọi của người lớn và trẻ em. Đa số các cuộc gọi đến tổng đài là từ những đứa trẻ có uẩn khúc trong cuộc sống mà các em không thể tâm sự với những người xung quanh. Theo chị Hương, trẻ em rất nhạy cảm với cách ứng xử của người lớn, nhưng chúng ta vẫn thường nghĩ trẻ em không biết gì. Đáng buồn hơn, đa số phụ huynh ngày càng xa rời con trẻ, vậy nên trẻ em càng không có người để chia sẻ.
Lắng nghe để bảo vệ trẻ an toàn hơn
Tạo môi trường an toàn từ gia đình
Trở lại những vụ án mạng, bạo lực, xâm hại trẻ em chấn động dư luận thời gian qua có thể nhận thấy, sự thiếu quan tâm, thờ ơ của người thân và cộng đồng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng. Để trẻ em được lớn lên trong môi trường an toàn, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Người lớn hãy tôn trọng trẻ em, đừng vô tư véo má, sờ mó cơ thể trẻ nhỏ. Ở nước ta, hành động này phổ biến đến mức chúng ta thấy bình thường mà không coi là dấu hiệu phạm tội”. Từ sự nhìn nhận đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, nhận thức của xã hội về trẻ em cần thay đổi. Trẻ nhỏ cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ; cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân từ khi còn nhỏ, dạy nhiều lần cho đến khi trẻ thành thạo các kỹ năng.
Dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đưa ra quy tắc “bàn tay giao tiếp”, đó là: Trẻ em có thể ôm hôn người ruột thịt; nắm tay với bạn bè, thầy cô, họ hàng; bắt tay khi gặp người quen; vẫy tay nếu đó là người lạ; xua tay không tiếp xúc với người xa lạ. Trong quan hệ gia đình, bố mẹ cần đặt ra các nguyên tắc đối với con cái. Chẳng hạn, trẻ muốn ra khỏi nhà bắt buộc phải xin phép cha mẹ; tuyệt đối không nhận quà của người lạ; nhớ số điện thoại của người thân…
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với trẻ em mang lại hiệu quả thiết thực. Qua các kênh thông tin, Cục Trẻ em đã phối hợp kiểm tra, xác minh, thực hiện nhiều giải pháp tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân cũng như gia đình họ. Riêng đường dây Tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 đã tư vấn cho hơn 300 nghìn lượt người, trong đó có hơn 3,5 nghìn trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị mua bán, khuyết tật, tai nạn thương tích… đã được can thiệp, giúp đỡ. Tuy vậy, hình thức tư vấn, giúp đỡ mới chỉ góp phần giải quyết “phần ngọn” vấn đề. “Muốn tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, trước hết người lớn hãy lắng nghe trẻ em để hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ, tạo niềm tin, môi trường an toàn cho trẻ từ trong gia đình”, ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam khuyến nghị.
Theo Báo Hà Nội Mới