ùn tắc giao thông ở Việt Nam
“Văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông được hiểu là những thái độ, hành vi, cách ứng xử văn minh, lịch sự mà người tham gia giao thông thực hiện một cách tự nguyện, tự giác trên đường đi. Đó có thể là nhường đường cho người khác, biết xin lỗi khi va quệt, cảm ơn khi được nhường đường, biết dừng lại trước đèn đỏ nơi giao lộ…
Ở các nước phát triển như Mỹ, “văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông không khó để nhận thấy và cảm nhận. Một trường hợp cụ thể như “văn hóa nhường xe bus”. Ở Mỹ và những nước phát triển sử dụng nhiều xe buýt để đưa đón học sinh tới trường, phương tiện này thường được dành nhiều ưu ái nhất, như những xe ưu tiên đặc biệt khác. Khi xe buýt dừng đón, trả học sinh, các xe khác quan sát thấy tín hiệu này lập tức dừng lại, không vượt sang phía đường bên trái, gữi một khoảng cách xa xe buýt để có khoảng không gian an toàn nhất cho trẻ em. Không chỉ xe cùng chiều mà xe ngược chiều cũng dừng lại.
Những hành động này không phải hành động tự phát thành thói quen, mà thực tế bị chi phối bởi luật pháp. Các bang ở Mỹ đều có quy định xe không được vượt xe buýt khi dừng đón, trả học sinh. Các xe phải đứng cách xe bus một khoảng an toàn theo quy định. Thông thường, ở những nơi đường hai chiều mỗi bên một làn thì xe ở cả hai phía đều phải dừng lại. Những đường to hơn kiểu 2-3 làn mỗi bên thì tùy quy định từng nơi mà xe ở làn ngược chiều có phải dừng hay không. Đương nhiên xe ở làn cùng chiều xe buýt phải dừng cách một khoảng an toàn. Đúng là được pháp luật quy định, nhưng thực hiện hay không, không chỉ phụ thuộc vào chế tài xử phạt, mà đó còn là “văn hóa” mà chúng ta cần phải học
Nhường đường cho người đi bộ
Còn ở Châu Á, đến với Singapo, “văn hóa nhường nhịn” có thể nói là một nét văn hóa gắn với người dân Singapo. Chia sẻ của các du học sinh tại Singapo cho thấy họ rất ấn tượng với “văn hóa nhường nhịn” nơi đây. Hầu như người dân Singapo đi tầu điện ngầm hoặc xe bus đi làm. Các dịch vụ hành khách công cộng này rất thoáng, mát, văn minh và đặc biệt là rất nhiều chuyến, nhất là vào giờ cao điểm, qua những chuyến đi cũng bắt gặp những hình ảnh nhường ghế xe bus, ghế tàu rất gần gũi. Còn trong văn hóa lái xe ở trên đường thì cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập. Nếu đèn xanh, xe ô tô sẽ “vô tư” tăng ga và yên tâm chắc chắn không có một ai đi bộ ngang đường làm cản trở cả. Nhưng nếu đèn xanh, nhưng dòng xe đông, đi nhích nhích hoặc dừng, thì bao giờ lái xe cũng dừng trước chỗ dành cho người đi bộ sang đường mà không đứng trên đó, họ làm thế là vì đề phòng trường hợp, đèn xanh cho người đi bộ mà xe vẫn dừng trên đó. Trường hợp nếu xe rẽ phải, trái mà gặp có người đang đi bộ thì sẽ chờ tới không còn ai, nhiều khi mất thêm một lượt đèn cũng vẫn chờ.
Hãy nhường đường cho xe cứu thương
Trở lại Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng số lượng các phương tiện ô tô và xe máy so với kết cấu hạ tầng gia thông khiến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường vẫn diễn ra hàng ngày, nhất là giờ cao điểm, khiến người tham gia giao thông bức xúc. Hạn chế tình trạng này đòi hỏi mỗi người phải hình thành nét văn hóa tuy không mới nhưng chưa thực hiện được đó là “văn hóa nhường nhịn”, cụ thể hơn đó là “văn hóa nhường đường”. Nhường đường góp phần giúp việc lưu thông trở nên dễ dàng và an toàn hơn, tránh được nguy cơ ách tắc và tai nạn, qua đó tiết kiệm về mặt thời gian, kinh tế và hạn chế được các nguy cơ đối với môi trường. Chúng ta phải tự mình nâng cao ý thức cũng như nhận thức về “văn hóa nhường đường”.
Trong Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rất rõ về những trường hợp phải nhường đường:
– Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường (Điều 11).
– Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn (Điều 11).
– Nhường đường trong trường hợp vượt xe: Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt (Điều 14).
– Nhường đường trong trường hợp chuyển hướng xe: Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác (Điều 15).
– Nhường đường trong trường hợp tránh xe đi ngược chiều (Điều 17):
+ Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
+ Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
– Nhường đường tại nơi đường giao nhau (Điều 24):
Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
+ Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
+ Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
+ Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Điều 22, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định Quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:
Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
– Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
– Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
– Đoàn xe tang.
Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Ngoài ra, có những trường hợp tuy pháp luật không quy định, nhưng nếu là một người có văn hóa khi tham gia giao thông, chúng ta cũng không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe); nhường một phần đường của mình khi gặp đám cưới hỏi; phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn… đi ngược chiều.
Ở Việt Nam hiện nay, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông thì ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông chính là một trong những nét đẹp mà chúng ta cần học hỏi và phát huy.
Tổng hợp từ Tri thức trẻ, Webike.vn