Ở nông thôn, trẻ tự đi học hay đi chơi, xe cộ trên đường còn ít nên bố mẹ cho rằng không quá nguy hiểm. Còn ở thành thị, đường phố cũng nào cũng nườm nượp, đông đúc. Người lớn thường không bao giờ cho trẻ tự ý ra ngoài, đi học thì có người đưa đón.

Dù ít nguy hiểm hay hạn chế đi đường thì tai nạn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là bố mẹ phải dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông, bởi cũng sẽ đến lúc, con cái ra ngoài mà không có bố mẹ đi cùng.

Trẻ cần phải được học cách sang đường an toàn (Ảnh: Internet)

Giải thích cho trẻ

Bắt đầu từ 5 tuổi, khi trẻ có thể tự đi bộ ngoài đường, bố mẹ sẽ phải dạy cho trẻ những nguy hiểm có thể đến từ những xe cộ đang tham gia giao thông. Hãy cho trẻ biết rằng, nếu không cẩn thận bị xe đụng, trẻ có thể bị đau, chảy máu, nặng hơn là gãy xương không thể đi chơi được. Có thể trẻ chưa thể hiểu đến mức độ tai nạn tử vong nhưng tốt nhất, bố mẹ hãy cho trẻ thấy được sự đáng sợ và ảnh hưởng đến trẻ nếu không thực hiện các hướng dẫn an toàn.

Tuy vậy, cũng đừng khiến trẻ hoảng sợ và không dám ra đường. Chỉ nên để trẻ cảm nhận ở mức độ cần thiết phải học về tham gia giao thông đúng cách.

Dạy bằng mô hình, hình ảnh

Bố mẹ có thể tìm các mô hình, hình ảnh về tham gia giao thông để dạy cho trẻ ở nhà. Với trẻ, đó sẽ là một trò chơi chứa nhiều thông tin nên sẽ không khó để thấy sự thu hút. Hãy chỉ cho trẻ những điều cơ bản như trên đường sẽ có xe máy, ô tô và người đi bộ. Phần đường đi bộ, vỉa hè dành cho trẻ và đừng đi sang những làn đường khác. Trẻ cần phải biết vạch dành cho người muốn sang đường. Hiểu được tín hiệu đèn giao thông là điều bắt buộc trẻ phải biết.

Tùy độ tuổi mà bố mẹ có thể cung cấp lượng thông tin cho trẻ. Đừng để trẻ phải nhớ quá nhiều mà chán nản, không có hứng thú học tiếp.

Thay vì mua cho trẻ bộ đồ chơi xếp hình, siêu nhân, một bộ mô hình giao thông sẽ giúp ích nhiều hơn cho trẻ.

Hướng dẫn thực hành

Đây là điều quan trọng nhất để trẻ có thể tham gia giao thông an toàn. Sau khi được hướng dẫn qua mô hình, trẻ cần phải được áp dụng những điều đó trong thực tế. Dẫn trẻ ra ngoài và hỏi trẻ những gì đã được hướng dẫn ở nhà như đâu là vỉa hè, phần đường cho người đi bộ, chỗ nào thì trẻ có thể sang đường, sang đường khi đèn giao thông màu gì…

Trẻ nên được dạy cách quan sát xe cộ xung quanh để xác định mức độ nguy hiểm. Khi đi bộ trên đường, trẻ phải đi sát vào lề đường bên phải để tránh va quệt xe. Hãy sang đường khi vắng xe, giơ một tay lên cao để báo hiệu xin đường. Tốt nhất, nếu có thể hãy sang đường theo nhóm đi cùng người lớn.

Đi từ ngõ ra đường lớn cũng rất nguy hiểm nếu trẻ không được dạy cách quan sát, lắng nghe. Bố mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ cách nhận biết tiếng còi xe và không được chạy ùa ra.

Bố mẹ hãy cùng sang đường với trẻ nhiều lần, sau đó để trẻ tự sang một mình.

Để trẻ thành người hướng dẫn

Bố mẹ nên để trẻ lớn hướng dẫn cho trẻ nhỏ nhà mình. Đó là một cách để trẻ cảm thấy có trách nhiệm và ý thức hơn. Nếu không, bố mẹ có thể giả vờ không biết và hỏi trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú với vai trò hướng dẫn viên. Đó là cách ôn bài tốt nhất. Hãy khen thưởng khi trẻ làm tốt để trẻ có động lực ghi nhớ và làm theo các bài học về an toàn giao thông.

Tổ chức các cuộc thi

Ở các trường học nên tổ chức các cuộc thi thực hành và tìm hiểu an toàn giao thông cho học sinh. Nên coi đây là là một môn học thường xuyên cho trẻ chứ không chỉ nên dừng ở hoạt động ngoại khóa, có khi cả năm mới tổ chức một lần.

Làm gương cho trẻ

Sẽ chẳng thể dạy trẻ điều gì khi chính bố mẹ chúng không thực hiện đúng. Dạy trẻ phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy nhưng người chở chúng đi học lại không đội mũ. Muốn trẻ đợi đèn xanh mới sang đường nhưng bố mẹ lại băng qua bất cứ lúc nào và khi nào. Muốn trẻ thực hiện tốt các quy định an toàn giao thông, trước hết bố mẹ phải làm gương, thực hiện đúng cho trẻ thấy.

Theo songkhoe.vn. Khánh Ngọc st