Xe máy leo vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh iternet
Theo quy định, vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng tại TP.HCM, nhiều con đường có vỉa hè cũng như không vì phía trong bị người buôn bán lấn chiếm, phía ngoài bị xe máy đậu thành hàng, thậm chí người đi xe máy còn lấn lên cả vỉa hè để đi cho nhanh.
Nhiều người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường dù biết là vi phạm Luật giao thông, nguy hiểm tính mạng.
Đi bộ không an toàn
Một tay bồng con, một tay giữ túi vé số, chị Tô Thị Mai (23 tuổi, quê Thanh Hóa), bán vé số phía trước cổng Bệnh viện Từ Dũ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, không thể luồn lách để đi trên lề đường kín mít xe máy nên chị đành phải đi xuống lòng đường, mặc cho xe máy phía sau ào ào lao tới.
Người đi bộ ngỡ ngàng với xe máy bất chấp sự an toàn của người đi bộ trên vỉa hè. Ảnh internet.
Chị Mai cho biết vỉa hè của nhiều đường chị đi qua hằng ngày bị lấn chiếm hầu như không còn chỗ nên chị phải đi bộ xuống lòng đường. Vì vậy nhiều lần chị Mai bị xe máy, ôtô quẹt trúng do đi bộ ở lòng đường tránh đoạn vỉa hè bị lấn chiếm.
“Đi trên vỉa hè lỡ đụng vô hàng hóa, đồ đạc của các hàng quán phía trong thì rất phiền. Có chủ họ dữ dằn nói cạnh khóe hoặc mắng sa sả khiến mình rất khó chịu mà không dám đôi co” - chị Mai nói.
Anh Phong, nhân viên làm việc văn phòng ở đường D2 (Q.Bình Thạnh), có thói quen đi bộ ra quán cà phê gần nơi làm việc, cho biết anh cũng phải thường luồn lách qua “ma trận” bàn ghế, xe máy, xe đẩy bán thức ăn... trên vỉa hè.
Tuy chưa lần nào làm vỡ hàng và phải bồi thường cho các hàng quán bên đường, nhưng anh Phong đã từng vướng đổ bàn ghế hoặc áo quần của anh bị vướng bẩn do đụng vào những xe đẩy bán thức ăn bên đường là chuyện thường xuyên.
“Khi vỉa hè không còn chỗ trống thì mình phải đi xuống lòng đường nhưng rất nguy hiểm vì đường đông đúc, nhiều xe cộ qua lại. Đi bộ dưới lòng đường mà có va chạm với người đi xe máy, ôtô là mình phải chịu vì mình sai luật mà! Kiểu gì thì người đi bộ cũng thiệt thòi” - anh Phong kể.
Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh viên) đã từng chứng kiến người đi bộ trên những vỉa hè ở đường Tháp Mười lỡ đụng vào hàng của những cửa hàng bày bán đã bị mắng xối xả. Người đi bộ không còn cách nào phải xin lỗi cho yên chuyện.
“Vậy nên giờ mình hay đi bộ xuống lòng đường sát mép vỉa hè. Nhưng cũng nguy hiểm lắm bởi đường chật, xe máy lại hay “phi” lên vỉa hè bất cứ chỗ nào nên cứ phải ngó trước nhìn sau. Nói chung, đi bộ trên đường phố ở TP.HCM không thấy an toàn tí nào” - Thảo nhận định.
Thói quen từ xe máy?
Ông Lê Hoàng Hà, chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho rằng việc sử dụng xe máy và thói quen mua bán của người đi xe máy chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như hiện nay.
Xe máy di chuyển rất cơ động, có thể dừng đỗ bất cứ chỗ nào người điều khiển muốn. Người đi xe máy muốn mua bán thuận tiện nhất, muốn từ ngoài đường nhìn thấy hàng mình cần mua, ngừng xe lại sát lề đường là mua được bất cứ thứ gì, bất cứ ở đâu.
Có cầu thì có cung, người bán cũng phải dọn hàng ra sát lòng đường để chiều khách. Như vậy người đi bộ đâu còn chỗ mà đi.
Theo ông Hà, xe máy đang là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân TP.HCM hiện nay nhưng ý thức của người đi xe máy chưa hoàn thiện thì việc lấn chiếm lòng lề đường còn xảy ra.
Trên cơ sở nhận định đó, từ đầu năm 2016 UBND Q.Gò Vấp đã triển khai việc lập lại trật tự lòng lề đường với việc tuyên truyền và xử phạt nhắm vào ý thức của người mua hàng dọc đường bên cạnh quản lý đăng ký kinh doanh, tuy việc xử phạt người mua khó hơn xử lý người bán bởi người mua chỉ dừng lại vài phút rồi đi.
UBND quận kết hợp nhiều biện pháp như xử lý về giao thông, tạm giữ xe... để tạo cho người đi xe máy ý thức rằng nếu dừng xe ở lòng đường, lề đường trái phép để mua hàng thì có thể bị xử phạt, giữ xe bất cứ lúc nào.
Sự phiền phức, bất tiện này sẽ giúp họ chuyển hóa dần thói quen mua bán ở lề đường, tập trung vào những nơi được quy hoạch, đậu xe đúng chỗ để mua bán bài bản hơn.
“Quan điểm của tôi là Nhà nước không nên tạo các điều kiện cho xe máy phát triển và người dân sử dụng xe máy vô điều kiện nữa.
Bên cạnh phát triển xe công cộng, giữ vỉa hè thông thoáng để người dân có điều kiện đi xe buýt, đi bộ một cách thoải mái an toàn thì còn phải tăng phí giữ xe máy ở các điểm giữ xe, không cho đậu xe trên vỉa hè, lòng đường ở bất kỳ đâu” - ông Hà nhấn mạnh.
Xe máy cố tình vượt rào trên vỉa hè. Ảnh internet
Chính quyền phải khảo sát nhu cầu của người dân, nghiên cứu để có một bức tranh toàn cảnh chung rồi mới cân đối để đặt ra những quy định chế tài mà xử lý.
Ví dụ như tuyến đường nào, khu vực nào cho sử dụng vỉa hè, tuyến đường nào cấm. Những tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè thì giải quyết việc để xe của người dân ra sao, dân phải tự chừa diện tích trong nhà làm chỗ để xe hay có một bãi xe tập trung ở đầu ô phố...?
Sau khi có quy chế của từng khu vực, Nhà nước sẽ tuyên truyền trong một thời gian nhất định, hết thời gian tuyên truyền thì bắt đầu ra quân xử phạt. Ban đầu người dân sẽ sốc, nhưng sẽ quen dần vì ai cũng bị phạt như nhau, không phân biệt thì sẽ thành nề nếp trong xã hội.
“Có như vậy thì cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi đường mới căn cơ và hiệu quả. Các quận, huyện phải kiên trì thực hiện các biện pháp như vậy thì mới mong vỉa hè thông thoáng, khuyến khích người dân đi bộ, đi xe buýt thay cho xe cá nhân” - TS Hòa khẳng định.
Theo tuoitre.vn