Thực ra thì năm nào cũng vậy, cũng sẽ có những đợt “ra quân” như thế. Khoan chưa bàn đến hiệu quả, nhưng có thể nói, việc một năm, hay “thỉnh thoảng” lực lượng cảnh sát giao thông mới tiến hành kiểm tra xử lý gắt gao với tên gọi là các “đợt ra quân” hay “chiến dịch”, có cảm giác giống như chúng ta uống kháng sinh, lâu dần thành nhờn thuốc, mà không có biện pháp điều trị tận gốc của vấn đề.
Do vậy, có thể nói, hiệu quả nhiều khi không được như mong đợi. Những vi phạm cứ lặp đi lặp lại…
Không chỉ với vấn đề học sinh tham gia giao thông, mà còn ở mọi “chiến dịch” khác, từ kiểm tra đội mũ bảo hiểm, chở quá tải quá khổ, xe khách dừng đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ, uống rượu bia tham gia giao thông, dọn dẹp vỉa hè, biển bảng quảng cáo, xe cũ nát, xe không đạt tiêu chuẩn tham gia giao thông…
Có thể kể ra hằng hà sa số các chiến dịch như thế trong năm. Và như đã nói, kết quả luôn không được như mong đợi. Ngay kể cả vấn đề bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, mà chúng tôi đã đề cập đến trong khá nhiều bài viết trước đây.
Dù hiện nay hầu như ai điều khiển xe máy trên đường cũng đều “phải” đội mũ bảo hiểm, nhưng thực tế, rất nhiều chiếc mũ trên đầu họ chỉ có tác dụng “bảo vệ” khỏi sự kiểm tra của lực lượng chức năng, mà không hề an toàn cho tính mạng, sức khỏe khi chẳng may gặp tai nạn. Mà người ta thường gọi là “mũ bảo hiểm thời trang” (?).
Quay trở lại việc “xử lý” học sinh điều khiển phương tiện không phù hợp khi tham gia giao thông. Vào tháng “cao điểm”, lực lượng chức năng, nhà trường phối hợp ra thông báo đến phụ huynh và học sinh về việc sẽ siết chặt, xử lý nghiêm vi phạm. Học sinh nào… sợ thì sẽ chuyển sang đi xe ôm, taxi, xe bus hoặc cha mẹ chở đi học, còn những em vẫn muốn đi xe máy thì tìm cách tránh né các chốt kiểm tra, hoặc gửi xe xa cổng trường rồi đi bộ vào.
Cứ như vậy, năm này qua năm khác, hết đợt “cao điểm” thì đâu lại vào đấy. Vi phạm vẫn hoàn vi phạm.
Nhưng, liệu có phải lỗi của trẻ nhỏ?
Khi người lớn "làm gương" xấu cho trẻ nhỏ
Bây giờ, quay lại chuyện “lỗi” của người lớn. Cha mẹ, người lớn luôn là tấm gương phản chiếu với con trẻ. Khi bắt đầu có nhận thức, là chúng sẽ lấy cha mẹ, người lớn tuổi xung quanh, thường xuyên tiếp xúc với chúng để làm theo.
Từ chuyện vứt rác, khạc nhổ bừa bãi ra đường, nói tục chửi bậy, lái xe vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, dùng điện thoại khi đang điểu khiển phương tiện trên đường… Rất nhiều những ví dụ như thế, và diễn ra hằng ngày, đập vào mắt trẻ nhỏ. Và chúng cứ vậy học theo, không nghĩ đó là điều sai trái. Hoặc biết đó là việc làm sai, nhưng bố mẹ, ông bà, người lớn tuổi làm được, tại sao chúng lại không thể làm?
Có một điều khá kỳ lạ khi đi trên đường phố, đó là những người, càng lớn tuổi, càng thường xuyên và “ngang nhiên” vi phạm luật giao thông. Và có vẻ họ rất ít bị xử lý bởi lực lượng chức năng, nên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Vậy, đặt câu hỏi, khi trẻ nhỏ đi cùng người lớn ra đường, chúng nhìn thấy việc vi phạm ấy và sẽ có suy nghĩ, hành động bắt chước, làm theo… Tại sao lại xử lý chúng? Mà không có biện pháp triệt để với những sai phạm của người lớn?
Người lớn cần nghiêm túc mới có thể khiến trẻ nhỏ không phạm lỗi
Nếu chúng ta vẫn chỉ giải quyết vấn đề bằng những “tuần lễ ra quân”, “tháng cao điểm”, thì sẽ không bao giờ thay đổi được một thực tế, là mọi “căn bệnh” trên đường nói riêng, và các vấn đề xã hội của chúng ta, đều đã bị “nhờn thuốc”…
Việc để con em đi xe máy đến trường, đặc biệt là những loại xe máy phân khối lớn, rõ ràng trách nhiệm đầu tiên thuộc về phụ huynh. Khi các em “được phép” đi ra đường trên những phương tiện không phù hợp và bị xử lý, không thể trách lực lượng chức năng hay nhà trường. Và, trước khi xử lý con trẻ, cần nghiêm khắc với người lớn.
Theo VOV Giao thông