Ông Hiển bên cạnh chiếc máy bay mang tên “Giấc mơ”
Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công 2 chiếc máy bay mang tên “Bùi Hiển” và “Giấc mơ”, ông Bùi Hiển (63 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) đã được giới khoa học cả trong lẫn ngoài nước biết đến với cái tên gần gũi là “hai lúa” chế máy bay. Trong đó, chiếc “Bùi Hiển” được ông chế tạo trong vòng 3 năm (từ năm 2010 tới năm 2013), còn chiếc “Giấc mơ” là 2 năm (từ năm 2014 tới năm 2016).
Ông Bùi Hiển trong cuộc trao đổi với PV.
Sau khi hoàn thành mỗi sản phẩm, ông Bùi Hiển đều đã bay thử chúng. Nếu như chiếc “Bùi Hiển” chỉ được thử nghiệm trong nhà kho với độ cao tầm 1m so với mặt đất, thì chiếc “Giấc mơ” từng được cha đẻ lái ở độ cao 2m với các bài bay treo hay quay đầu ngoạn mục. Tuy nhiên, các phát minh của ông Hiển chỉ tạm dừng lại ở đó khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép bay thử.
Mới đây, trong cuộc trao đổi với PV tại xưởng chế tạo của mình, “hai lúa” Bùi Hiển đã chia sẻ nhiều thông tin mới liên quan tới những “đứa con” nói trên. Ông Hiển cho biết, ông đang cải tiến lại chiếc máy bay đầu tay của mình là chiếc “Bùi Hiển” để đưa ra sân bay bay thử một cách quang minh chính đại.
Ông Hiển đang miêu tả thiết kế cuối cùng mà ông mong muốn máy bay “Bùi Hiển” đạt được.
Theo ông Hiển, chiếc “Giấc mơ” ra đời sau dù đã bay cao và xa hơn so với sản phẩm đầu tay là chiếc “Bùi Hiển”, nhưng nó lại khó lái hơn. Do đó ông mới quyết định mang chiếc máy bay “Bùi Hiển” từ trong nhà kho ra cải tiến lại. Với kinh nghiệm và thời gian cầm lái chiếc máy bay này lâu hơn, ông Hiển tự tin có thể đưa nó bay cao hơn cả “Giấc mơ” mà không cần phải dành nhiều thời gian luyện tập thêm.
Về những cải tiến mới trên chiếc “Bùi Hiển”, “hai lúa” chế máy bay của Việt Nam cho biết, sản phẩm vừa được ông bổ túc hệ thống cơ cấu lái khiến tổng trọng lượng đã tăng lên khoảng 280kg so với 250kg trước kia. Bên cạnh đó, cánh máy bay đã được làm mới theo nguyên lý thiết kế đồng trục (2 cánh quạt cùng nằm trên trục chính nhưng quay ngược chiều nhau). Chất liệu làm cánh quạt cũng đã thay đổi từ inox sang nhôm.
“Chiếc “Giấc mơ” bay được rồi, nên giờ tôi quay lại làm chiếc “Bùi Hiển” cho hoàn chỉnh và bay được. Mục tiêu của tôi là làm cho nó phải bay được cỡ từ “Giấc mơ” trở lên. Sau khi chuyển thiết kế cánh quạt sang đồng trục thì sẽ rất dễ bay. Với lại trước đây tôi đã bay thử “Bùi Hiển” nhiều lần rồi nên không cần tập thêm nữa, làm xong là bay được ngay”, ông Hiển nói.
Để hiện thực hóa giấc mơ bay trên máy bay “made by Bùi Hiển”, ông Hiển đã gia nhập Câu lạc bộ Hàng không phía Nam (thuộc Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam) và có thẻ hội viên. Sắp tới, ông sẽ hoàn thành thêm các thủ tục cần thiết để đưa máy ra đường băng của sân bay Phú Lợi (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) bay thử.
“Tất nhiên để bay được thì mình phải ký cam kết về an toàn bay. Chiếc máy bay sau khi hoàn chỉnh có thể bay cao hàng trăm mét nhưng theo quy định thì mình chỉ có thể bay cao tối đa 50m thôi. Tôi dự kiến sẽ níu dây để bay kiểm tra máy bay ở sân nhà, sau đó đưa ra sân bay bay thử ngay trong năm 2017 này”, ông Hiển nói.
Theo chia sẻ của "cha đẻ" chiếc máy bay mang tên “Giấc mơ”, sản phẩm này có trọng lượng 390kg, chưa tính thùng nhiên liệu nặng 15kg và trọng lượng của phi công. Với động cơ hiện tại, thực tế máy bay có khả năng nâng tới 600kg, nhưng tổng trọng lượng nói trên hiện chỉ mới hơn 450kg.
“Mặc dù máy bay có thể bay ở vận tốc 200km/h nhưng trong thời gian thử nghiệm, tôi chỉ bay thử ở độ cao 2m với vận tốc khoảng 40 - 50km/h. Điều tôi ấn tượng ở chiếc máy bay này là nó bay rất ổn định”, ông Hiển chia sẻ.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ông Hiển đưa chiếc máy bay “Giấc mơ” vào thử nghiệm. Ở những lần trước đây, máy bay có thể bay ở độ cao khoảng 25cm so với mặt đất.
Theo Dân Việt