Mới thành lập 2 năm, Destinus có tham vọng lớn với máy bay siêu thanh thương mại (tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Dự án mang tính cách mạng của công ty là Destinus S, máy bay 25 chỗ có thể bay xa 10.000km và bay cao tới 33km - tức là cao hơn thông thường tới 18km - Ảnh: Destinus
Thế giới chưa từng chứng kiến một chiếc máy bay siêu thanh nào kể từ sau vụ tai nạn của Concorde vào năm 2003.
Chiếc máy bay huyền thoại đưa người từ New York (Mỹ) và London (Anh) chỉ trong vòng ba tiếng rưỡi, nhưng một vài vấn đề, bao gồm động cơ quá tốn xăng, đã khiến Concorde khó duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được một số start-up đưa ra những ý tưởng mới cho một chiếc máy bay siêu thanh, thậm chí có tốc độ còn đáng kinh ngạc hơn.
Một trong số đó là Destinus. Họ cũng đã mang sản phẩm đến giới thiệu tại Triển lãm hàng không Paris Air Show diễn ra vào tháng 6-2023.
Đường bay New York - London dài 5.586km. Hiện nay các chuyến bay thương mại thường bay trong 7 tiếng 30 phút.
Một số hình ảnh máy bay siêu thanh Destinus:
Sử dụng nhiên liệu hydro lỏng, Destinus S có thể bay qua lại giữa London (Anh) và New York (Mỹ) chỉ trong vòng 90 phút, gần như tương đương thời gian bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng hiện nay (thường 1 tiếng 20 phút) - Ảnh: Destinus
Destinus cũng đang xây dựng máy bay thân rộng tốc độ Mach 5 được gọi là Destinus L. Máy bay này có thể bay cùng độ cao như Destinus S, song quãng đường lên tới 22.000km. Dự kiến chở được 300-400 người. Công ty kỳ vọng sẽ bàn giao Destinus S bắt đầu từ 2032-2035, còn Destinus L sẽ ra mắt từ 2040 - Ảnh: Destinus
Theo Destinus, động cơ turbojet được kết hợp với tính năng “đốt sau” (afterburner) giúp tăng tốc độ máy bay lên từ cận âm lên siêu âm, còn động cơ ramjet sẽ đưa lên tốc độ siêu thanh. Giám đốc phát triển kinh doanh của Destinus Martina Löfqvist mô tả “đó là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay” - Ảnh: Destinus
Löfqvist cũng cho biết năng lượng hydro là “cốt lõi của công ty”, hiệu quả gấp 3 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống và không xả thải ra CO2 - Ảnh: Destinus
Hơn nữa, hydro làm mát tốt, nghĩa là có thể giúp máy bay chịu được nhiệt lượng khổng lồ 1.000°C sinh ra khi đạt tốc độ siêu thanh - Ảnh: Destinus
Điều này đặc biệt quan trọng với kiểu thiết kế phần cánh có các cạnh sắc được vuốt dọc theo thân máy bay của Destinus. Đây là kiểu thiết kế đang được ưa chuộng để tăng cường tính khí động học, nhưng đòi hỏi khả năng làm mát tốt hơn kiểu truyền thống - Ảnh: Destinus
Mô hình máy bay siêu thanh Destinus tại triển lãm. Löfqvist cho biết: “Chúng tôi đã nói chuyện với rất nhiều hãng hàng không và sân bay, họ đều ủng hộ quan điểm rằng hydro sẽ là tương lai của ngành hàng không”. Chẳng hạn, Airbus cũng đang nghiên cứu để đưa hydro trở thành nhiên liệu cung cấp cho máy bay của hãng trong tương lai - Ảnh: Destinus
Dù tự tin máy bay siêu thanh sẽ đi vào cuộc sống, song Destinus cũng hiểu chi phí sẽ không thể thấp. Do đó, Destinus cũng đầu tư vào các mảng khác như động cơ tua bin khí, như một cách để "tài trợ" cho máy bay siêu thanh - Ảnh: Destinus
Một vấn đề khác là thử nghiệm để cấp chứng chỉ an toàn. Ngay cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chật vật thử nghiệm máy bay siêu thanh do vấn đề quốc tế, không dễ để thử nghiệm khả năng của một chiếc máy bay di chuyển từ nước này sang nước khác. Nhưng các hãng hàng không đang vận động hành lang để cơ quan quản lý nhanh chóng đưa ra “một khuôn khổ rõ ràng" cho thiết kế, thử nghiệm và phát triển máy bay siêu thanh - Ảnh: Destinus
Theo tuoitre.vn