Thông tin được tiết lộ tuần này cho thấy Apple sẽ kết hợp với Volkswagen để tích hợp hệ thống xe tự lái vào mẫu xe van T6 Transporter. Ban đầu những chiếc xe này sẽ chỉ được dùng để chở nhân viên Apple, và sớm nhất cũng phải tới năm 2019 nó mới được đưa vào sử dụng.
Đây chính là nguyên mẫu chiếc xe tự lái của Apple. Hãng sử dụng khung của chiếc Volkswagen T6 Transporter, nhưng thay đổi nhiều về mặt nội thất và bổ sung hệ thống cảm biến, máy tính để tự lái
Thật khó tưởng tượng ra đây chính là chiếc xe tự lái mà Apple muốn có khi họ bắt đầu triển khai dự án này vào năm 2014. Theo New York Times, Volkswagen cũng chẳng phải đối tác đầu tiên mà Apple nhắm đến, mà đó là các tên tuổi lớn hơn như BMW hay Mercedes.
Tuy nhiên công ty lớn nhất thế giới buộc phải chấp nhận sự thật rằng không phải lúc nào họ cũng có thể chen ngang vào một ngành sản xuất mới và thay đổi nó. Sau 4 năm, chính chiến lược phát triển xe tự lái của Apple phải thay đổi tới vài lần, từ chỗ có tới trên 1.000 nhân viên đến giờ chỉ còn lại vài trăm người.
Giấc mơ "iPhone của ngành xe hơi"
Mục tiêu ban đầu của Apple với dự án xe tự lái - còn có tên gọi là Project Titan - không hề khiêm tốn chút nào. Họ muốn tạo ra một chiếc iPhone của ngành xe hơi, sản phẩm xuất sắc và tân tiến đến nỗi làm thay đổi hẳn ngành sản xuất này. Và đó phải là một chiếc xe tự lái, với thiết kế thực sự khác biệt.
Hàng loạt kỹ sư phần mềm, chuyên gia về ngành xe, thậm chí cả những nhà khoa học đã được gọi mời vào dự án này. Phần thiết kế được giao cho đội ngũ thiết kế nổi tiếng đứng đầu là Jonathan Ive, người đã tạo ra thiết kế cho phần lớn sản phẩm đình đám nhất của Apple.
Trong hình dung của những người đứng đầu dự án năm đó, chiếc xe điện của họ sẽ có một khoang nội thất cực kỳ sang trọng, ghế hành khách quay mặt vào nhau chứ không quay ra đường, cửa kính trang bị thực tế ảo và lọc màu, còn cửa sổ trời được làm từ chất liệu đặc biệt với khả năng ngăn ánh nắng tối đa.
Hình dung ban đầu của các lãnh đạo Apple là một chiếc xe cực kỳ hiện đại, với thiết kế như đến từ tương lai
Vài cựu nhân viên của Apple xác nhận họ đã đề ra những kỳ vọng rất lớn ở chiếc xe này. Một vài thiết kế trông giống như đến từ tương lai, tương tự như thiết kế ý tưởng chiếc Mercedes-Benz F105. Đến tận năm 2016, Apple vẫn đưa ra những kế hoạch với con số đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, bao gồm cả đầu tư máy móc chế tạo lẫn nhà máy nghiên cứu pin.
Nhưng thực tế phũ phàng cũng sớm hiện ra với những người tham gia dự án. Họ nhận ra rằng kể cả việc thiết kế những bộ phận cơ bản của xe cũng không hề dễ dàng. Ban đầu Apple cho rằng họ có thể làm hoàn thiện một chiếc xe từ đầu đến cuối, nhưng những khó khăn khiến kế hoạch nhanh chóng thay đổi. Sau một thời gian, Apple quyết định tìm một nhà sản xuất để hiện thực hóa thiết kế của mình.
Mặc dù đã tìm đến nhiều hãng sản xuất tên tuổi, kết quả là Apple ngày càng phụ thuộc vào đối tác. Ban đầu họ chỉ cần một công ty sản xuất theo ý của mình, sau đó muốn đối tác cung cấp những phần cơ bản như khung và hệ thống treo. Cuối cùng, Apple quyết định chỉ cung cấp cảm biến và phần mềm, còn xe thì phụ thuộc hoàn toàn vào phía đối tác.
Vào thời điểm cuối năm 2015, Apple mua hai chiếc SUV của Lexus, sau đó thuê một công ty ở Virginia để lắp đặt hệ thống cảm biến. Công ty sau đó mua thêm hàng chục xe khác để thử nghiệm ở quy mô hạn chế và thu thập dữ liệu. Đầu năm 2017, bang California cho phép Apple được thử nghiệm những chiếc Lexus này ở đường công cộng.
Apple từng mua vài chục chiếc SUV của Lexus để chạy thử, nhưng cuối cùng lại không hợp tác với hãng này. Ảnh: Mac Rumors.
Dù vậy, Apple đã không gắn bó lâu dài với Lexus. Họ từng tìm đến Magna Steyr, đối tác sản xuất dòng xe G-Class cho Mercedes. Vài chục nhân viên của Magna Steyr đã chuyển sang làm việc cho bộ phận xe tự lái của Apple, tuy nhiên sự hợp tác này nhanh chóng chấm dứt.
BMW là lựa chọn được cân nhắc từ sớm. Rất nhiều lãnh đạo của Apple, trong đó có cả CEO Tim Cook, dùng xe BMW. Tim Cook đã tiếp xúc với BMW từ năm 2014, và sau vài năm thương thảo cả hai bên đã không đạt được thỏa thuận, do cả hai công ty này đều muốn kiểm soát trải nghiệm của người dùng.
Tương tự, Apple cũng tiếp xúc và thương lượng với Mercedes-Benz tới hơn một năm, nhưng cuối cùng không thể thống nhất về việc ai kiểm soát trải nghiệm và dữ liệu.
Danh sách các đối tác Apple từng cân nhắc và tiếp xúc còn rất dài: Nissan của Nhật, BYD Auto của Trung Quốc và cả thương hiệu xe thể thao McLaren. Có khi hãng xe không muốn giao toàn quyền kiểm soát cho Apple, có khi Apple từ chối vì tìm kiếm một đối tác tốt hơn, nhưng tất cả đều đi đến kết quả là không thể hợp tác.
Phải đến cuối năm 2017, Apple mới chốt được đối tác đầu tiên là Volkswagen. Ở thời điểm đó Volkswagen vẫn đang phải giải quyết bê bối về gian lận khí thải, và chưa có tiến triển gì ở mảng xe tự lái. Do vậy hãng xe Đức đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội làm việc với Apple. Tên mã của dự án mới này là Jetstream.
Sản phẩm của sự hợp tác này là những chiếc Volkswagen T6 chạy điện, được trang bị hệ thống tự lái của Apple và lắp ráp tại nhà máy Italdesin, một công ty con của Volkswagen. Khung xe được giữ nguyên, nhưng nhiều thành phần khác sẽ được Apple thay thế như ghế, bảng táp lô… Apple cũng lắp đặt cả một hệ thống máy tính, cảm biến và pin dung lượng lớn trên chiếc xe này.
Xe tự lái của Apple sẽ được dùng để chở nhân viên tại hai trụ sở của công ty này tại Thung lũng Silicon. Giống như nhiều công ty khác đang thử nghiệm xe tự lái, trên xe vẫn phải có một tài xế ngồi sau vô lăng để xử lý tình huống khi cần, cùng với những kỹ sư để kiểm soát hiệu năng của xe.
Đến lúc này, có thể nói Project Titan đã tụt lại phía sau hàng loạt dự án xe tự lái khác như Waymo, một dự án được tách ra từ Google hay xe tự lái của Uber. Lãnh đạo bộ phận xe tự lái từng hứa với Tim Cook là chiếc xe sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2018, nhưng một cựu nhân viên lại khẳng định rằng chiếc xe này “chắc chắn sẽ trễ hẹn”.
Theo Zing.vn