Thông tin minh bạch về chiếc xe cũ định mua là điều rất quan trọng mà khách hàng cần nắm rõ
Sau khi Báo Giao thông có loạt bài viết về tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh ô tô cũ tại Việt Nam, TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi tới tòa soạn bài viết nêu quan điểm cá nhân về việc quản lý thị trường ô tô cũ. Dưới đây là nội dung bài viết:
Nhu cầu giao dịch mua bán trên thị trường xe cũ hiện nay là rất lớn. Hiện có khoảng 4 triệu xe ô tô đăng ký, và hàng năm có tầm khoảng trên 300.000 xe mới bán ra. Với xe máy, có tới khoảng 70 triệu xe đăng ký và khoảng hơn 3 triệu xe mới bán ra.
Như vậy xe cũ chiếm tới hơn 90% tổng số lượng phương tiện cơ giới. Nếu được quản lý tốt thì thị trường xe cũ sẽ góp phần cung cấp lựa chọn về phương tiện có chất lượng tốt, có giá thành phù hợp với thu nhập và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhiều người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên đã là xe cũ thì nói chung sẽ có nhiều vấn đề hơn xe mới, trong đó tiềm ẩn nhiều rủi ro chất lượng kém, mất an toàn. Thời gian vừa qua báo chí trong nước đã phản ánh khá nhiều trường hợp khách hàng mua phải xe đã đâm đụng va quệt, xe bị ngập nước, xe đã chạy nhiều nhưng những thông tin này bị người bán che dấu, không cung cấp đầy đủ và chính xác cho người mua... gây bức xúc trong người dân, dư luận. Nếu không tăng cường quản lý thì những vấn đề như vậy sẽ tiếp tục tiếp diễn, vì không phải người dân nào đi mua xe (dù là xe máy hay ô tô ) có nhiều kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Đây là vấn đề xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà đã diễn ra trên thế giới. Chính bởi vậy các quốc gia phát triển thường rất chú trọng trong việc ban hành quy định và thực thi nghiêm với thị trường xe cũ để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bảo đảm an toàn phương tiện. Các quốc gia phát triển quản lý an toàn kỹ thuật giữa 2 kỳ đăng kiểm rất chặt, đặc biệt các quy định pháp luật cụ thể để quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, bao gồm quy trình, thủ tục, trách nhiệm, trình độ năng lực của nhân viên kỹ thuật, thợ cơ khí, và các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa.
Nếu chủ xe đưa 1 chiếc xe ô tô ra yêu cầu xưởng sửa chữa bảo dưỡng làm theo ý mình mà việc đó không đảm bảo an toàn (nới phanh, độ đèn còi không đúng quy định...) hoặc không trung thực (tua công tơ met...) thì xưởng bảo dưỡng sửa chữa, thợ cơ khí họ cũng không bao giờ làm, kể cả chủ xe có trả tiền. Bởi nếu làm sai như vậy thì trách nhiệm rất nặng, tiền phạt cao thậm chí là đóng cửa xưởng bảo dưỡng sửa chữa, những người liên quan có thể bị truy tố, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn.
Doanh nghiệp sửa chữa bảo dưỡng cũng phải lưu trữ đầy đủ các thông tin sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện một cách rất chặt chẽ theo quy định, đồng thời định kỳ gửi thông tin tổng hợp cho cơ quan quản lý. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra hậu kiểm, thì họ phải chứng minh được có đầy đủ hồ sơ thông tin về các hoạt động bảo dưỡng sửa chữa của mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng có bộ phận chuyên trách tiếp nhận khiếu nại phản ánh của người dân về những vấn đề liên quan tới phương tiện (thông tin xe không chính xác, xe độ đèn còi....) và xử lý kịp thời.
Bởi vậy tại Việt Nam, việc thiết kế một hệ thống để cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về lịch sử phương tiện cho người dân, tăng cường quản lý chất lượng xe cũ để bảo đảm an toàn và quyền lợi của khách hàng là việc cần thiết và đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, có một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, cần ban hành các quy định nhằm tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm. Hiện nay công tác đăng kiểm đã được thực hiện rất chặt chẽ bởi vậy phương tiện khi đạt đăng kiểm là đảm bảo chất lượng. Tuy vậy công tác quản lý chất lượng kỹ thuật phương tiện giữa các kỳ đăng kiểm hiện nay đang còn lỗ hổng. Hiện pháp luật đang giao cho chủ phương tiện chịu trách nhiệm trong khi các quy định về trách nhiệm và giám sát trách nhiệm của các bên có liên quan nếu cố tình can thiệp về mặt kỹ thuật, thay đổi thông tin thông số liên quan tới phương tiện thì hiện chưa rõ ràng.
Thứ hai, cần hình thành hệ dữ liệu phương tiện và chia sẻ dùng chung một cách phù hợp. Khi phương tiện vào đăng kiểm thì đương nhiên là sẽ lưu trữ những thông tin cần thiết (hiện nay đang làm), nhưng kể cả khi vào bảo dưỡng sửa chữa thì cũng cần có quy định lưu trữ những thông tin này, đặc biệt thông tin về công tơ mét, tai nạn và va chạm. Khi được lưu trữ rồi có thể tổng hợp, chia sẻ những trường thông tin nhất định (trên nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân) đối với các cơ quan tổ chức có liên quan.
Các tổ chức như bảo hiểm, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thông tin về phương tiện có thể mua dữ liệu đó, người dân khi có nhu cầu có thể trả lệ phí vừa phải để có được thông tin kiểm tra phương tiện trước khi quyết định mua, như vậy họ rất yên tâm đặc biệt đối với ô tô vì đây là tài sản có giá trị khá lớn với nhiều người. Khi có hệ dữ liệu đối chiếu từ nhiều nguồn thì người bán cũng rất khó có thể gian dối, che dấu các vấn đề về phương tiện của mình.
Thứ ba, cần khuyến khích những nền tảng để ghi nhận thông tin phản hồi của khách hàng cũng như đánh giá chất lượng của các nhà cung cấp người bán, xưởng bảo dưỡng sửa chữa...
Thứ tư, bổ sung quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành trong rà soát tiếp nhận những thông tin phản hồi khiếu nại của người mua xe và giải quyết kịp thời, triệu hồi những xe có dấu hiệu vi phạm và xử phạt nếu cần.
Trong quá trình xây dựng Luật GTĐB sửa đổi và các văn bản pháp luật khác, những vấn đề trên đã được đưa ra, bàn thảo và đã được đưa vào dự thảo nhằm hình thành các hệ dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng, phương tiện, bảo hiểm, thuế, người lái, vi phạm, tai nạn giao thông,…. Đây là nền tảng rất quan trọng để tiến tới xây dựng các hệ dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ dùng chung trong thời gian tới.
Hiện nay có rất nhiều cơ quan quản lý có liên quan điều tiết trách nhiệm dân sự của 2 bên mua và bán xe. Bởi vậy ngoài những quy định pháp luật có tính chuyên ngành về giao thông vận tải và phương tiện vận tải, cần nghiên cứu hoàn thiện các luật khác có liên quan như: Luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thương mại ... theo hướng tăng cường tính minh bạch và chính xác của thông tin phải được cung cấp tới khách hàng, trách nhiệm của người bán, đảm bảo quyền lợi của người mua, khiếu nại...
Trong vấn đề này vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng rất lớn, họ cần phải có đề nghị rõ ràng với các cơ quan quản lý và cơ quan lập pháp về việc này. Tránh tình trạng như hiện nay đang dồn hết trách nhiệm lên người đi mua xe. Nếu có kiến thức, thông tin, quan hệ,… thì may mắn mua được chiếc xe cũ tốt, nếu không có thể rước cục nợ vào người đó là điều hoàn toàn không đúng.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên là giảng viên Đại học GTVT. Ông có gần 20 năm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn trong lĩnh vực GTVT, trong đó có 10 năm làm việc tại Vương Quốc Anh trong các chương trình nghiên cứu sinh, các dự án về GTVT của Bộ GTVT Anh Quốc, các hội đồng địa phương và tập đoàn Mouchel. Năm 2007 nhận bằng tiến sỹ tại Học viện nghiên cứu về GTVT (ITS), Đại học Leeds, Vương Quốc Anh. |
Theo Báo Giao thông