Người điều khiển xe máy vi phạm ký biên bản

Buộc lao động công ích để răn đe?

Theo ông Chức, là thành phố đáng sống, nhưng hàng năm Đà Nẵng xảy ra hàng trăm vụ TNGT. Riêng những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xảy ra 103 vụ TNGT, làm chết 62 người, bị thương 73 người. Tuy TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vi phạm giao thông lại tăng từ gần 54.000 trường hợp năm 2016 lên gần 62.000 trường hợp năm 2017. Hạ tầng giao thông của thành phố được đánh giá là tốt, công tác TTKS, xử lý vi phạm khá quyết liệt, toàn thành phố đã lắp đặt được 22.605 camera giám sát phục vụ ANTT và ATGT nhưng vi phạm giao thông lại gia tăng.

“Một bộ phận người dân còn hạn chế ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB và văn hóa tham gia giao thông; một số tài xế xe tải, container còn coi thường pháp luật; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe, giáo dục”, ông Chức nêu ý kiến.

Hình thức phù hợp để thay đổi nhận thức

Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất trên, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, từ xa xưa đã có hình thức xử phạt vi cảnh bằng lao động công ích. Hiện nay, trên thế giới nhiều nước cũng đã xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức này. Chúng ta cần nghiên cứu xử phạt đối với hành vi vi phạm nào và lựa chọn hoạt động công ích nào cho phù hợp. Đây là hình thức tương đối phù hợp để thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông. Việc này cần được thể chế hóa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo ông Chức, thành phố cần có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác quản lý trật tự ATGT như: Tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Trước mắt, tập trung vào 60.000 phương tiện vi phạm trong năm qua, phân loại bao nhiêu trường hợp tái phạm 3 lần trở lên thì phải được học tập, ký cam kết không vi phạm hoặc tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe.

Đồng thời, các ngành chức năng rà soát lại công tác quản lý nhà nước về ATGT xem điểm nào còn bất cập, tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố. Tăng cường quản lý xe ben, xe tải, mô tô để từng bước hạn chế phương tiện cá nhân. “Cần tăng cường giáo dục ý thức lái xe với tinh thần trách nhiệm, tính mạng con người là trên hết. Xử lý chủ doanh nghiệp nếu lái xe vi phạm nghiêm trọng ATGT, đẩy mạnh quản lý xe ben, xe tải. Lâu nay chúng ta cứ hô hào đại trà và tuyên truyền chung chung nên chưa có hiệu quả, cần phải tập trung tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể”, ông Chức nói.

Dù mới được HĐND Đà Nẵng dừng mức “ghi nhận ý kiến”, nhưng đề xuất của vị Đại biểu HĐND này thu hút sự chú ý dư luận, có nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Minh (trú Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, đề xuất này để nâng cao tính răn đe, xử phạt và giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế vi phạm trật tự ATGT. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại tính khả thi liên quan việc thống kê, phân loại vi phạm và việc tổ chức lao động công ích không hề đơn giản, dễ nảy sinh một bộ phận theo dõi, triển khai việc này.

CSGT Đà Nẵng kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận chuyển của lái xe khách trên địa bàn

Cần quy định cụ thể trong luật

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, đối với người Việt Nam thường có quan niệm lao động công ích là những người có tội phải đi cải tạo. Khi áp dụng một chế tài nào đó liên quan đến người dân, ngoài các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự đồng thuận của HĐND TP, địa phương đó và có sự thảo luận của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các đoàn thể. “Có thể áp dụng thực tế với hai hình thức là cho người vi phạm giao thông có sự lựa chọn giữa nộp phạt vi phạm hành chính và lao động công ích. Điều này phải được thể chế hóa bằng luật và sự đồng thuận của người dân”, ông Trường nói.

Cũng ủng hộ đề xuất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nhiều nước đã áp dụng hình thức cưỡng chế lao động công ích khi công dân của họ gây ra các hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đối với Việt Nam cũng nên áp dụng hình thức này đối với người vi phạm giao thông, giúp họ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, cần xem xét áp dụng đối với từng hành vi cụ thể, vi phạm ở mức nào thì buộc lao động công ích, nếu áp dụng tràn lan sẽ không khả thi. “Với những hành vi vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT nghiêm trọng nếu xử phạt hành chính thì người vi phạm sẽ “nhờn”, do đó nên áp dụng hình thức này”, ông Thanh nêu ý kiến và cho rằng, hình thức xử phạt cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là việc thực thi của lực lượng thi hành công vụ phải nghiêm minh.

Theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, với phần mềm quản lý vi phạm hành chính được Cục CSGT áp dụng trên phạm vi toàn quốc, hiện nay mới tập trung dữ liệu về các biên bản vi phạm (thời gian, địa điểm, hành vi…), chưa tích hợp việc thống kê số lần vi phạm trật tự ATGT. Nếu được áp dụng biện pháp cưỡng chế phạt công ích này phải tích hợp phần mềm theo dõi, thống kê vi phạm đồng bộ giữa các địa phương và quan trọng phải “đúng luật”.

Theo ông Bùi Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông, chấp hành pháp luật giao thông là cần thiết, nhưng phải phù hợp, đúng quy định. “Luật có các hình thức xử phạt liên đới vi phạm trật tự ATGT như tước GPLX, tạm giữ phương tiện… với các hành vi và mức độ nhất định. Quan trọng là tính mục đích của giải pháp này, cái cốt là ý thức tự giác của người tham gia giao thông, nếu không sẽ mang tính đối phó hơn là chấp hành”, ông Cường nói.

Phần mềm quản lý vi phạm giao thông cần tích hợp số lần vi phạm giữa các địa phương

atgt.vn