Mua bán lấn chiếm lòng đường (ảnh chụp trên đường Lý Thường Kiệt). Ảnh Hà Giang

Tại các thị tứ đâu đâu ta cũng bắt gặp cảnh biến vỉa hè, biến phần đường dành cho người đi bộ thành nơi buôn bán, đậu xe. Rồi dưới lòng đường đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp cảnh bán rong đẩy xe nhộn nhịp. Tất nhiên cảnh đó diễn ra trước cổng cơ quan, trường học, bệnh viện vào giờ cao điểm. Muốn chấm dứt cảnh này hơn ai hết xuất phát từ người mua, từ chính thái độ của cộng đồng với thói quen xấu này. Thói quen ngồi ăn uống tràn ra lề đường, thói quen dừng đậu xe bất kể nơi nào mua hàng đã tiếp tay cho những người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Như vậy giải pháp căn cơ thay đổi thói quen không tốt này cần đưa ra quy định xử phạt hành chính thật nghiêm đối với hành vi dừng xe mua hàng hoá dưới lòng đường, trên lối đi dành cho người đi bộ.

ảnh minh hoạ - nguồn internet

Muốn nâng cao văn hoá giao thông phải quan tâm đúng mức đến giáo dục về kiến thức an toàn giao thông và ý thức chấp hành luật giao thông. Để nâng cao ý thức của học sinh, nhà trường nên tổ chức các buổi kể chuyện, chiếu phim về những bạn nhỏ bị tai nạn giao thông do đi ẩu, vi phạm luật, dẫn đến gia đình đau khổ, thậm chí mất mạng khi còn một quãng đường đời dài trước mắt. Nên dùng tình cảm để giáo dục các em thay vì dùng các biện pháp mạnh như phạt về vật chất và tinh thần thì các em dễ thông cảm và nghe theo hơn, qua đó tạo nên trong các em những mầm mống ý thức giao thông, để khi lớn lên các em sẽ trở thành những người có ý thức.

Ở các buổi họp phụ huynh, nhà trường cần tăng cường khuyến khích, động viên phụ huynh cố gắng làm gương tốt cho con em mình tuân thủ luật giao thông, điều mà trong các buổi họp phụ huynh ít thấy nói tới. Ở mỗi giờ học về ATGT hay buổi sinh hoạt của trường, giáo viên cần nói rõ với học sinh rằng: em cần về tuyên truyền cho bố mẹ mình cố gắng đi đúng luật. Việc lấy con trẻ làm mục tiêu chắc chắn sẽ lay động tới ý thức giao thông của các bậc phụ huynh.

Tuyên truyền ATGT bằng cách sân khấu hóa. Ảnh Hà Giang

Không chỉ tăng cường giáo dục trong nhà trường mà việc tuyên truyền an toàn giao thông phải được thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt, sâu sát, mới lạ, độc đáo ra toàn thể xã hội  Tổ chức nhiều cuộc thi nâng cao văn hoá giao thông theo nhiều hình thức khác nhau từ sân khấu hoá, tình huống, ca khúc, trực tuyến, hội thi. Qua đó phải thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội.

Ban An toàn giao thông tỉnh nên tạo lập các tài khoản, các trang tin trênmạng xã hội tuyên truyền về ATGT, kể các câu chuyện về giao thông, qua đó giáo dục ý thức cho người dân, nhất là thanh thiếu niên.

ảnh minh hoạ - nguồn internet

Tại cơ sở nên thành lập các tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông. Tổ tự quản có trách nhiệm nhắc nhở, phê phán những hành vi không đẹp, vi phạm Luật Giao thông và tuyên dương những việc làm hay trong chung tay đảm bảo an toàn giao thông. Tổ tự quả cần có nòng cốt là các thành phần cư dân trên chính các khu phố có hàng quán, trong đó có tổ dân phố, Chi ủy, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Các tổ tự quản hoạt động với tinh thần tự nguyện và được sự quản lý, tạo điều kiện của UBND xã, phường, thị trấn.

ảnh minh hoạ - nguồn internet

Văn hoá giao thông hiện nay đang bị tác động xấu bởi nạn uống rượu bia. Muốn giảm tận gốc tai nạn giao thông do bia rượu thì phải bỏ, hay giảm số rượu bia được uống trong các cuộc vui. Muốn vậy từng gia đình phải ý thức nhắc nhỡ thành viên của mình ý thức hạn chế uống bia rượu trong các cuộc vui. Đối với bản thân mỗi người phải tạo thói quen khi đã uống thì không lái xe. Mọi người phải đồng lòng phê phán, tạo áp lực trước nạn say xỉn lái xe.

ảnh minh hoạ - nguồn internet

Văn hoá giao thông là phải biết hỗ thẹn khi bị xử phạt vi phạm Luật Giao thông: Đã có lúc danh tính người vi phạm luật giao thông bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xem ra chưa “ ép phê” vì chỉ có tên mà không có hình. Giờ phải làm mạnh tay hơn, vi phạm luật giao thông sẽ bị đưa hình ảnh lên báo, đài. Phải phê phán đủ mạnh để người vi phạm Luật giao thông thấy đó không còn là điều bình thường nữa mà đó là hành vi đáng bị lên án.

Tính mạng con người là trên hết. Ai cũng biết và nhận thức ra điều này, nhưng quên mất để giữ gìn tính mạng phải làm thế nào? Đã đến lúc cần hướng dẫn cặn kẽ những kỹ năng an toàn cho người tham gia giao thông và phải sát hạch trước khi cấp giấp phép lái xe. Những kỹ năng an toàn sẽ giúp cho người tham gia giao thông nhận ra tính mạng mình đang bị đe doạ nếu vượt ngưỡng an toàn cho phép. Kỹ năng an toàn sẽ ngăn chặn nạn đùa giỡn với từ thần mỗi khi tham gia giao thông.

Thiên Ân.