Ảnh hệ thống giao thông thông minh ITS
Thịnh hành trên thế giới
Theo đó, ITS là một hệ thống lớn, trong đó con người - phương tiện giao thông - mạng lưới giao thông được liên kết chặt chẽ với nhau và được điều hành nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả vận chuyển... Trong ITS, máy tính sẽ đảm nhận vai trò vận hành và nhân sự chủ yếu phục vụ việc kiểm soát. Tại một số nước phát triển, quá trình tự động hoá đã được triển khai hàng chục năm nay.
Tại các nước Châu Âu, hệ thống tàu điện là minh chứng cho việc ứng dụng khá đồng bộ giải pháp giao thông thông minh, khi kết nối với nhiều dữ liệu các nước nhằm mang đến cho người dùng một hành trình xuyên suốt. Trong đó, hệ thống thu thuế đường điện tử được xem là “cuộc cách mạng” trong hệ thống giao thông với các dịch vụ của ITS cho người sử dụng.
Còn tại Nhật Bản, mọi thông tin về tình trạng giao thông được cung cấp qua một hệ thống truyền tin đến các phương tiện. Sử dụng sóng FM trung chuyển, hệ thống này đã thu được nhiều thành công bước đầu khi có đến hơn 600.000 thiết bị được sử dụng. Cùng đó, hệ thống hỗ trợ lái xe tự động trên đường cao tốc cũng được triển khai nhằm cung cấp thông tin cho lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện với tốc độ cao. Đến nay, hệ thống điều hướng ô tô ở Nhật Bản được xem là khá chính xác, có thể thông báo nhanh chóng cho người lái xe khi có tình huống khẩn cấp cần chuyển hướng. Tuy nhiên, rào cản cho việc triển khai đồng bộ hệ thống này là chi phí để triển khai còn khá cao.
Khu vực Đông Nam Á cũng khá “nhộn nhịp”. Cụ thể, Malaysia đẩy mạnh phát triển ITS và đã có dự án tổng thể về ITS khi được lắp đặt ở một số tuyến đường thu thuế. Tại Singapore, Chính phủ buộc người lái xe phải sử dụng máy thanh toán lệ phí cầu đường. Tại Thái Lan, hầu hết hệ thống skytrain đều do máy tính vận hành với hàng chục triệu lượt đi mỗi ngày.
Bài toán cần lời giải hoàn thiện
Một trong những vấn đề mà giao thông thông minh gặp phải chính là giải bài toán giảm thiểu tắc nghẽn cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Mặc dù các thông tin đều được truyền tải nhanh chóng đến người điều khiển phương tiện, tuy nhiên, vì nhiều lý do, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây thiệt hại nhiều chi phí về nhiện liệu, nhân lực...
Đi tìm giải pháp cho vấn đề tắc đường, các nhà khoa học của Liên minh châu Âu đang thử nghiệm một công nghệ mới. Đó là hệ thống bao gồm một chiếc xe có thể giao tiếp với toàn bộ hệ thống giao thông như đường xá, đèn giao thông, bãi đỗ xe, trạm thu phí, và cung cấp thông tin về tuyến đường đi thuận tiện nhất cho người lái xe.
Mô hình chiếc xe kết nối bao gồm một ăngten và một hộp nhận tin trong việc giúp người điều khiển nhanh chóng cập nhật thông tin để có hướng đi phù hợp. Nhận thấy lợi thế của mô hình này, Qualcomm sau khi nghiên cứu đã tiếp bước nhiều hơn trên một nền tảng mạnh mẽ.
Bên cạnh công nghệ sạc điện, nhiều hãng xe cũng đang thay đổi các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp ôtô với các sáng chế về công nghệ không dây trong việc truy cập hệ thống giao thông để có hướng đi phù hợp. Người dùng thậm chí còn muốn HUD được mở rộng hơn, đồng hành với cả việc truy cập internet qua hotspot.
Theo Qualcomm, rất nhiều tính năng trong danh sách này có thể đạt được bằng kết nối không dây liền mạch, kết nối thông minh – tương tự như công nghệ được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính bảng và ngày càng được sử dụng nhiều trong đồng hồ thông minh.
Được biết, theo thống kê, có ít nhất 10 triệu xe từ 16 hãng sản xuất ô tô khác nhau trên toàn thế giới đã sử dụng một số công nghệ của Qualcomm. Bằng cách đóng góp những kinh nghiệm trong nhiều năm của đội ngũ chuyên gia về công nghệ không dây, Qualcomm đang thực sự định nghĩa lại những trải nghiệp chiếc xe hoàn toàn kết nối.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, nhấn mạnh ở loại hình chủ chốt, nhiều phương tiện cùng kết nối để mang đến mô hình kết nối phù hợp nhất cho người tiêu dùng nhằm khai tác tối đa những gì mà giao thông thông minh mang lại.
Tại Thái Lan, mô hình kết hợp giữa thuyền và skytrain là một ví dụ. Trong khi đó, tại Singapore, hình thức này được xem là chủ đạo và mang nhiều tiện ích.
Mô hình nào cho Việt Nam?
Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều dự án ứng dụng ITS trên hệ thống đường cao tốc, ví dụ như hệ thống ITS trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Trung Lương, dự án sắp triển khai ứng dụng ITS trên quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) và hệ thống đường cao tốc vành đai Hà Nội.
Cùng đó, các thành phố lớn đã thực hiện một số dự án ứng dụng ITS như đề án thí điểm xây dựng mô hình quản lý Đại lộ Thăng Long thông qua trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội. Trung tâm này sẽ ứng dụng CNTT trong quản lý như đếm, phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống bảng thông báo điện tử, kiểm soát xe quá tải, quá khổ,...
Tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cũng đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát, điều hành giao thông. Các dự án này sử dụng hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực giao thông công cộng, việc ứng dụng ITS cũng bắt đầu được nghiên cứu và triển khai thực hiện thông qua hệ thống biển báo điện tử cung cấp thông tin về khoảng cách xe đến trạm dừng cho hành khách.
Cùng với việc mở rộng nhiều phương tiện thông minh như cao tốc, metro..., Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện mô hình giao thông thông minh. Đây cũng là cơ hội và tiềm năng, đồng thời cũng là thách thức để các doanh nghiệp cùng nhau chung tay cho một hạ tầng giao thông thuận lợi cho một đất nước đang phát triển từng ngày.
Theo Nhịp sống số - bài và ảnh Thiên Ân st