Hội thảo ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông
Nói đến quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, đó là nói đến sự tác động của nhà nước trên ba lĩnh vực: hạ tầng giao thông; phương tiện giao thông; và người tham gia giao thông.
Làm thế nào để kết hợp một cách hữu cơ giữa 3 yếu tố trên nhằm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận tải, chủ động lựa chọn phương tiện, loại hình giao thông phù hợp, giảm ô nhiễm môi trường và từng bước hình thành văn hóa giao thông tiên tiến - đang là thách thức đặt ra đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Bởi vì, những quốc gia đang phát triển thường có mức tăng trưởng nóng, dân số phát triển nhanh, tăng nhân khẩu cơ học tại các trung tâm công nghiệp và đô thị - dẫn đến quá tải giao thông, môi trường và khả năng cung ứng của hệ thống dịch vụ công.
Hiện nay, nhiều quốc gia tìm thấy “chìa khóa” là ứng dụng Công nghiệp 4.0 để giải quyết thách thức nói trên. Khái niệm này khởi nguồn từ một dự án trong chiến lược công nghệ cao của chính phủ Đức, dùng để chỉ xu hướng tự động hóa và sử dụng công nghệ số để trao đổi dữ liệu trong sản xuất. Theo đó, việc ứng dụng nó còn được gọi là “điện toán hóa sản xuất”.
Người ta cũng so sánh Công nghiệp 4.0 với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Tuy nhiên, nội dung của khái niệm Công nghiệp 4.0 hẹp hơn, nó tập trung mô tả khía cạnh điện toán hóa của sản xuất. Trong khi đó “cách mạng công nghiệp” là thuật ngữ rộng hơn, dùng để chỉ một bước chuyển toàn diện không chỉ với sản xuất mà với các khía cạnh còn lại của đời sống nhân loại. Nhưng sự phân biệt như vậy không có nghĩa là phủ nhận khả năng Công nghiệp 4.0 trở thành “ngòi nổ” cho một cuộc cách mạng công nghiệp trong tương lai. Điểm đáng lưu ý là công nghiệp 4.0 có những đặc điểm rất thích dụng với quy trình quản lý giao thông. Nó sử dụng các công cụ điện toán và tự động nhằm hướng đến việc tối ưu hóa:
Một là, tương tác giữa người vận hành và phương tiện (qua kết nối internet).
Hai là, cung cấp thông tin để xây dựng bức tranh toàn cảnh và nhờ vậy giúp người sử dụng phương tiện “đọc được tình huống”.
Ba là, hỗ trợ người sử dụng phương tiện ra quyết định (chẳng hạn đối với giao thông thì đó là việc lựa chọn tuyến giao thông, phương tiện giao thông, ưu tiên tối ưu hóa quãng đường hoặc tối ưu hóa thời gian…).
Hiện ở Việt Nam, chúng ta bắt đầu sử dụng khái niệm “giao thông thông minh” để chỉ việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào lĩnh vực giao thông. Xét về mặt nội dung và ở chừng mực nhất định, có thể coi đó là sự khởi đầu cho ý tưởng ứng dụng công nghiệp 4.0 vào quản lý giao thông, mặc dù chưa thật rõ ràng. Bởi vậy, cần có sự đầu tư xem xét để cụ thể hóa việc ứng dụng Công nghiệp 4.0 vào quản lý giao thông của chúng ta trong bối cảnh hiện nay sao cho phù hợp.
Công an TP. Hồ Chí Minh đang triển khai hệ thống giám sát hiện đại bảo đảm ANTT
Đi theo hướng cụ thể hóa, đồng thời căn cứ vào quy trình quản lý giao thông trên thế giới hiện nay, bài viết đề xuất những lĩnh vực có khả năng ứng dụng thành công công nghiệp 4.0, như dưới đây:
1. Các ứng dụng và xu hướng của công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giao thông
Thứ nhất, lĩnh vực sản xuất phương tiện giao thông đường bộ
- Xe không người lái đang được nhiều thanh phố trên thế giới ứng dụng để thay cho tuyến vận tải hành khách trên tuyến đường riêng; các thiết bị tự lái để vận chuyển hàng hóa làm thay thế các nhân viên giao hàng.
- Xe tự lái với khả năng lập trình và vận hành ổn định, an toàn, công nghệ điều khiển tự động thay thế cơ bản các thao tác của lái xe và đi cùng đường với phương tiện khác. CEO hãng xe điện Tesla của Mỹ, ông Elon Musk nói về trách nhiệm của lái xe sử dụng xe tự lái đã phát biểu trên Kênh Bloomberg ngày 10/10/2014 như sau: “Đó sẽ là trường hợp vào lúc nào đó trong tương lai…, tôi nghĩ, chúng ta có thể lái xe tự động hoàn toàn khi mà bạn có thể thực sự bước vào xe, đi ngủ và tỉnh dậy ở điểm đến. Nhưng để làm được điều này, bạn phải có các hệ thống hỗ trợ đầy đủ và thậm chí là thừa thãi - để khi bất cứ hệ thống nào xảy ra lỗi cũng không dẫn đến tai nạn…”
Thứ hai, lĩnh vực công nghệ an toàn
Ngoài nâng cao cấu tạo các chi tiết vật lý, nhiên liệu xanh, hiện nay công nghệ an toàn được bổ sung thiết bị nhận dạng chướng ngại vật phía trước xe để cảnh báo và tự giảm tốc độ, phanh để giảm thiểu tai nạn; cảnh báo ngủ gật; cảnh báo nồng độ cồn vượt quá giới hạn; tự động đánh lái chống lạc tay lái; hay thiết bị chống trộm thông qua hệ thống định vị vệ tinh.
Thứ ba, lĩnh vực quản lý phương tiện, trợ giúp lái xe và hạ tầng
Ngoài biển số truyền thống, công nghệ chíp thông minh để nhận diện (dữ liệu điện tử về xe) được lắp đặt có thể kết nối giữa xe với các dịch vụ khác như bãi đỗ xe thông minh, trả tiền phí cầu, đường không dừng; hệ thống giám sát hành trình “hộp đen” để ghi lại hành trình của phương tiện, tự động ghi lại các hành vi như dừng, đỗ, sai làn đường, tốc độ, vượt đèn tín hiệu trái phép, quá thời gian đi liên tục phải dừng, nghỉ; các thiết bị này được kết nối đồng bộ với trung tâm chỉ huy giao thông để tự phát hiện, chiết xuất dữ liệu phục vụ xử lý vi phạm. Một số nước hệ thống định vị vệ tinh lắp theo xe vừa chống trộm, còn được kết nối khi xe đang đi dừng lại đột ngột trên đường cao tốc (tốc độ bằng không do tai nạn hoặc trục trặc kỹ thuật hay dừng đỗ trái phép) thì hệ thống định vị tự gửi thông tin đến trung tâm chỉ huy và xe cứu hộ, cảnh sát ở nơi gần nhất tiếp cận để giúp đỡ hoặc xử lý vi phạm. Hệ thống giám sát này làm cho việc các định nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, điểm va chạm, lỗi của người khiển phương tiện trở lên dễ xác định hơn.
Thứ tư, trên lĩnh vực tổ chức giao thông
- Hệ thống trung tâm chỉ huy tích hợp mối quan hệ đồng bộ giữa phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông và người điều khiển giao thông thành một thể thống nhất để giúp lái xe lựa chọn cho mình lộ trình đi lại thuận tiện nhất thông qua bản đồ số mô phỏng chính xác thực địa tổ chức giao thông,. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng ở đây là phân tích có hệ thống trên thực tế các yếu tố giao thông như mật độ phương tiện, điểm đỗ, cấm đường… đưa ra chỉ dẫn bằng giọng nói để lái xe đi từ điểm A đến điểm B thuận lợi nhất.
- Hệ thống đèn tín hiệu giao thông điều chỉnh chu kỳ đèn theo lưu lượng dòng phương tiện. Tất cả các nút có đèn tín hiệu giao thông, điểm giao cắt, hạn chế tốc độ đều có hệ thống camera, máy đo tốc độ giám sát, phát hiện vi phạm.
Ngoài ra, trung tâm chỉ huy giao thông còn có nhiệm vụ giúp bảo đảm an ninh, trật tự, trợ giúp cấp cứu (người già, cao huyết áp, tim mạch…) thông qua nút bấm kết nối với trung tâm chỉ huy cảnh sát để xe cảnh sát, cứu thương, cứu hoả tiếp cận hiện trường nhanh nhất.
Thứ năm, lĩnh vực tuần tra, giám sát giao thông của Cảnh sát
Ngoài trung tâm chỉ huy giao thông có đầy đủ thông tin mang tính hệ thống và kết nối đồng bộ các thiết bị đầu, cuối, ô tô Cảnh sát được trang bị, tích hợp hệ thống tra cứu dữ liệu kết nối với trung tâm chỉ huy để tra cứu nhanh phương tiện, giấy phép lái xe; xử phạt của Cảnh sát giao thông cơ bản theo chứng cứ thu được từ hệ thống phương tiện hoạt động tự động phát hiện và báo lỗi vi phạm về trung tâm chỉ huy hoặc xe cảnh sát; đối với các lỗi vi phạm, trừ điểm bằng lái được tích hợp ngay vào hệ thống và người vi phạm có thể đóng tiền nhanh nhất thông qua hệ thống ngân hàng điện tử hoặc máy thanh toán qua tài khoản mà cảnh sát mang theo; khi có yêu cầu tiếp cận hiện trường, xe cảnh sát nào gần hiện trường nhất sẽ phải tiếp cận sớm nhất. Một số nước đã chế tạo robot cảnh sát để làm nhiệm vụ giám sát an ninh, trật tự, giao thông thay cho con người.
Cần quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ chuyên viên công tin
2. Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong giao thông ở Việt Nam
Với khái niệm về công nghiệp 4.0 trên thế giới cũng như khái niệm “giao thông thông minh” mà chúng ta đề cập đến như trên, thì công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ đòi hỏi chủ thể quản lý phải tiên phong trong ứng dụng công nghệ, vừa phải tạo môi trường (pháp lý và công nghệ) để các cá nhân, tổ chức cùng ứng dụng mang tính hệ thống.
Xét theo các nội dung đã trình bày ở phần 1, thì chúng ta cần xem xét những vấn đề sau:
Thứ nhất, chưa có ô tô không người lái và tự lái được ứng dụng tại Việt Nam. Chúng ta chưa có chiến lược dài hạn để tạo động lực, khuyến khích cho các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực này.
Thứ hai, về công nghệ an toàn: chúng ta chưa nghiên cứu đón đầu về công nghệ hiện đại; tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ an toàn còn ở mức đơn giản, trong khi đó nhiều nước đã có lộ trình để từng bước loại bỏ công nghệ an toàn lạc hậu và khuyến khích áp dụng công nghệ mới.
Thứ ba, hiện nay hệ thống dữ liệu điện tử đăng ký, quản lý biển số của lực lượng Cảnh sát giao thông, hệ thống đăng kiểm, quản lý giấy phép lái xe của ngành giao thông đã triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện chưa có dữ liệu liên thông về phương tiện từ sản xuất, nhập khẩu, đăng ký, kiểm định, bảo dưỡng định kỳ, lỗi vi phạm, tai nạn; hay dữ liệu liên thông về giấy phép lái xe từ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép, thay đổi địa chỉ (chỗ ở), lỗi vi phạm của người được cấp giấy phép. Do đó, hiệu quả khai thác phục vụ quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của người dân rất hạn chế. Chúng ta đã quy định xe kinh doanh vận tải hành khách phải có thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên giao cho doanh nghiệp tự mua, không có kiểm định, nên dữ liệu này không coi là chứng cứ để xử lý vi phạm. Hiện một số ứng dụng như thiết bị thu phí không dừng, phần mềm tìm bãi đỗ xe đã được ứng dụng nhưng còn hạn chế, thiếu tính hệ thống, đồng bộ khi kết nối. Phải khẳng định rằng, hệ thống dữ liệu được số hoá về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe còn bị chia cắt theo chiều ngang sẽ cản trở ứng dụng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giao thông.
Thứ tư, ứng dụng trong tổ chức giao thông hiện nay còn mang tính tự phát (bản đồ kỹ thuật số, cảnh báo tắc đường trên xe ô tô do cá nhân tự mua được thiết kế, xây dựng bởi các công ty nước ngoài, thiếu trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước); trung tâm điều khiển giao thông chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, có tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính hiện đại; hệ thống đèn giao thông điều khiển chu kỳ đèn phần lớn là thủ công.
Thứ năm, hiện lực lượng Cảnh sát giao thông đã vận hành hệ thống giám sát trên một số tuyến đường, bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng còn thiếu tính hệ thống; chủ yếu việc phát hiện vi phạm cơ bản vẫn dùng thiết bị di động, thủ công, sức người là chính (trong khi đó phát hiện vi phạm bằng thiết bị di động ở các nước phát chỉ là hoạt động nghiệp vụ chuyên đề); hệ thống theo dõi xử lý vi phạm thống nhất mới bắt đầu hình thành.
Công nghệ hỗ trợ công tác đảm bảo ATGT mọi lúc, mọi nơi
Từ phân tích trên cho thấy: Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam theo hướng phát triển của công nghiệp 4.0 đã hình thành. Tuy nhiên, phải nghiêm túc đánh giá nó còn hạn chế: (1) chưa có định hướng phát triển rõ ràng về ứng dụng công nghệ số về giao thông trong công nghiệp 4.0, nhiều khi còn bị động, không đánh giá được những tác động khi ứng dụng trên các phương diện của đời sống xã hội. Ví dụ: Chúng ta cho phép taxi Uber và Grab vào Việt Nam, mới chỉ có ứng dụng gọi xe qua Internet (sử dụng smart phones) thay cho gọi qua tổng đài đã làm thay đổi, rung chuyển nhiều hãng taxi truyền thống, dẫn đến cạch tranh gay gắt, gây mất trật tự xã hội; (2) thiếu “nhạc trưởng” chỉ đạo sự kết nối giữa các bộ, ngành, dẫn đến đầu tư không trọng tâm, trọng điểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về giao thông còn thiếu hệ thống; (3) do đây chủ yếu là ứng dụng công nghệ từ các nước tiên tiến, nhưng thiếu nghiên cứu bài bản dẫn đến chưa xong đã lạc hậu, hỏng hóc, có phương tiện nhưng thiếu người vận hành, nên hiệu quả chưa cao; (4) cơ chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước hạn chế, sự hưởng ứng của người tham gia giao thông còn mang tính đơn lẻ, tự phát hoặc cản trở cái mới, cái tiên tiến; (5) chính sách pháp luật về ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước về giao thông thiếu đồng bộ, thống nhất, nhất là dịch vụ công.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhu cầu quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam rất lớn. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Một là, cần có tổ tư vấn về chính sách cũng như ứng dụng cụ thể công nghệ về thông tin trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam. Tổ này nên giao cho Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia thành lập trên cơ sở lựa chọn các nhà khoa học, quản lý giỏi trong và ngoài nước tham gia. Nhiệm vụ là tư vấn cho Uỷ ban báo cáo Chính phủ quyết định về chính sách phát triển cũng như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương muốn đầu tư, triển khai phải đồng bộ, có tính hệ thống, kết nối chặt chẽ.
Hai là, phải xây dựng được trung tâm chỉ huy giao thông thông minh, hiện đại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến. Trung tâm này do lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì quản lý, vận hành trên cơ sở kết nối dữ liệu dùng chung của các ngành liên quan, đặc biệt là ngành giao thông; cung cấp các dịch vụ công cho người dân, nhất là hệ thống bản đồ kỹ thuật số thông minh chống ùn tắc giao thống; hệ thống camera giám sát. Trước mắt, xây dựng trung tâm chỉ huy giao thông của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng tiêu chuẩn và trung tâm của cục CSGT sẽ là nơi kết nối dữ liệu của 2 thành phố này và cả nước.
Ba là, để giảm tai nạn giao thông, nhất là từ các phương tiện kinh doanh vận tải, bắt buộc phải lắp đặt hệ thống giám sát và dữ liệu tự động chuyển về trung tâm chỉ huy của CSGT, đây là nguồn dự liệu chính để xử phạt các vi phạm liên quan đến tốc độ, dừng đỗ trái phép, điều khiển xe quá thời gian quy định… Hiện nay, hệ thống này đã có nhưng ngành giao thông quản lý còn lỏng lẻo, do doanh nghiệp tự mua, lắp đặt, chưa là căn cứ pháp lý xử lý vi phạm và các lỗi chủ yếu thuộc thẩm quyền của CSGT. Nếu làm tốt việc này, chắc chắn tai nạn, vi phạm liên quan đến xe khách, xe container sẽ giảm.
Bốn là, rà soát toàn bộ quy trình quản lý, thủ tục hành chính từ quản lý phương tiện, giấy phép lái xe, hạ tầng, phát hiện, xử lý vi phạm giao thông, bảo hiểm theo hướng hiện đại mà các nước tiên tiến đã áp dụng, tạo tiền đề cho áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Ví dụ như: xử phạt vi phạm phải trừ điểm giấy phép lái xe; mức xử phạt phải tăng nếu tái vi phạm; lỗi vi phạm phát hiện qua phương tiện kỹ thuật không phải lập biên bản; thuận lợi cho đóng tiền nộp phạt qua hệ thống tự động ở mọi lúc, mọi nơi.
Năm là, có cơ chế khuyến khích người lái xe, nhất là xe cá nhân ứng dụng công nghệ mới trong giao thông như: bản đồ giao thông thông minh; thẻ thu phí không dừng (một thẻ dừng cho tất cả các trạm, thẻ này cũng có thể nộp tiền xử phạt vi phạm)…
Sáu là, mỗi đơn vị quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông cần xây dựng chiến lược phát triển của mình gắn với việc ứng dụng khoa học, công nghệ thay cho thủ công, sức người, ứng dụng đó phải có tính hệ thống và sẵn sang kết nối thành dữ liệu lớn, tập trung; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tư tưởng luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, hiện đại và phải coi đây là quy luật phát triển của xã hội. Tuy nhiên, với công nghệ mới, nhất là lực lượng CSGT phải nghiên cứu trên bình diện bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thông tin, các yếu tố có thể phát sinh phức tạp để chủ động xử lý như: sử dụng xe không người lái để vi phạm pháp luật, khủng bố, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác…, vấn đề dư dôi lao động thủ công từ công nghiệp 4.0 để kịp thời tham mưu cho Bộ Công an, Nhà nước và Đảng chủ động giải quyết.
Theo Cục CSGT