Bê tông thấm, tiêu nước
Ở các thành phố lớn, nhất là khu vực Nam Bộ giờ cứ mưa là ngập rồi gây ra ùn tắc. Ngoài vấn đề triều cường và biến đổi khí hậu, còn một khoảng trống rất lớn, không ai chú ý trong chiến lược quy hoạch các thành phố của Việt Nam. Đó là việc quy định để thẩm định các vật liệu thấm nước khi cấp phép thi công, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân dụng...
Cả thành phố là chậu bê tông khổng lồ không thấm nước
Tôi khẳng định, hiện không có một văn bản pháp luật nào quy định để thẩm định vật liệu thấm nước trước khi cấp phép. Các thành phố hiện nay ngoài việc chưa đồng bộ trong quy hoạch, quy trình cấp phép xây dựng các cơ sở hạ tầng, dân dụng... cũng không có một quy định pháp luật nào bắt buộc phải thẩm định các loại vật liệu lót nền, thảm mặt bằng... phải là vật liệu thấm nước. Hậu quả là Nhà nước cùng với các chủ đầu tư ngày càng kiên cố hóa bê tông các mặt bằng của thành phố, khiến thành phố trở thành một chậu bê tông không thấm nước cực lớn. Thành phố mở rộng đến đâu ngập đến đó. Các cống thoát nước, sông hồ không giải tỏa được áp lực nước dồn lại của chậu bê tông khổng lồ kia.
Khi giải quyết được vấn đề này, rõ ràng không còn một trở ngại nào cho việc thấm tiêu của tất cả các công trình xây dựng trên thành phố, không còn chuyện thành phố mở rộng đến đâu lại ngập và ùn tắc đến đó. |
Bê tông hóa các thành phố tại Việt Nam đã vượt ngưỡng giới hạn. Đến lúc phải chỉ rõ đây là thiếu sót căn bản trong chiến lược quy hoạch các thành phố và nó luôn thường trực ngập cục bộ sau mưa vì không thể thẩm thấu được tự nhiên, tăng áp lực lên các cống thoát nước. Thành phố cũng đang lún dần vì tầng nước ngầm không được bồi thấm tự nhiên. Còn cư dân thành phố sống trong nóng bức của thảm bê tông, vì không có hơi nước bốc lên từ các mặt bằng để giải nhiệt trong mùa nắng.
Để khắc phục hậu quả của sự thiếu sót trong quy hoạch này cần một việc làm rất tốn kém. Thế nhưng, nếu không làm, dù có đổ vào đây bao nhiêu tiền để nâng cấp các cống thoát nước, nạo vét sông, hồ... thành phố vẫn ngập và ùn tắc ngày càng nặng nề hơn, đó là điều chắc chắn.
Thành phố Cà Mau sau mỗi cơn mưa to
Bắt buộc thẩm định vật liệu thấm nước
Để giải quyết vấn đề trên, theo tôi cần tiến hành đồng bộ. Trước hết, phải bổ sung ngay văn bản pháp luật quy định bắt buộc thẩm định vật liệu thấm nước trước khi cấp phép các công trình thi công cơ sở hạ tầng mới, kể cả các công trình dân dụng. Vật liệu thấm nước để thi công các mặt bằng hiện nay đầy rẫy trên thị trường, đó là loại bê tông thấm tiêu (PERVIOUS CONCRETE), các cá nhân, đơn vị có thể mua sắm dễ dàng. Và nếu có quy định bắt buộc của pháp luật, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu thấm nước đại trà với giá rẻ, đó chính là quy luật cung - cầu của thị trường.
Ở các thành phố lớn, nhất là TP.HCM và Hà Nội giờ cứ mưa là ngập rồi gây ra ùn tắc.
Đất nước ta còn nghèo, không thể đập hết đi xây lại, nên phải tính đến phương án khác hiệu quả và tiết kiệm hơn. Đó là khoan các lỗ có đường kính khoảng 20cm để thấm nước. Lỗ cách lỗ, hàng cách hàng khoảng 0,5m trên các mặt bằng bê tông. Độ sâu của lỗ là hết lớp bê tông, lỗ được đổ đầy vật liệu thấm nước PERVIOUS CONCRETE. Việc khoan các lỗ này cần làm thí điểm ở một mặt bằng hoặc khu vực nào đó để lấy kết quả thẩm định hiệu quả thấm nước. Sau khi có kết quả, mới tiến hành lên kế hoạch khoan mở rộng trên toàn thành phố. Nếu không thể khoan lỗ, có thể cắt bỏ hết những bó vỉa ở vỉa hè đến hết lớp bê tông để thay vào đó vật liệu PERVIOUS CONCRETE.
Nếu thành phố có diện tích mặt bằng rộng, khoan lỗ để nước thẩm thấu tự nhiên, các cống thoát nước, kênh rạch sẽ được giảm áp lực dẫn đến hết ngập cục bộ sau mưa. Đồng thời, thành phố cũng sẽ mát mẻ hơn nhờ hơi nước thoát lên từ các lỗ khoan điều hòa nhiệt cho thành phố vào mùa nắng.
Để tổ chức thực hiện, chúng ta cần có một bộ bản bình đồ và một bộ bản đồ thành phần cơ giới mặt đất từng khu vực thành phố để tính toán và biết được dòng chảy bề mặt của nước mưa. Đồng thời, khi biết rõ thành phần cơ giới của mặt đất ở từng khu vực, chúng ta sẽ chọn được loại vật liệu thấm tiêu thích hợp. Nếu chưa có bản đồ thành phần cơ giới của đất, phải tổ chức khoan thám sát để xây dựng bản đồ.
Theo Nhuận Nguyễn Văn ( Bình Dương)