Buýt sông không phải là khái niệm giao thông công cộng mới. Tại thành phố London (Anh) nơi có dòng sông Thames chảy qua, hệ thống tàu thuyền công cộng đã có lịch sử từ thế kỷ 12. Buýt sông hiện nay tại London gồm nhiều loại hình vận chuyển khác nhau như tàu di chuyển dọc sông, phà ngang và du thuyền phục vụ du lịch.
Trong khi đó tại Amsterdam (Hà Lan) - thành phố có hơn 150 con kênh lớn nhỏ - nhiều thế kỷ liền phương tiện di chuyển chủ yếu là tàu thuyền. Ngày nay, hệ thống taxi sông được sử dụng chủ yếu để phục vụ khách du lịch tham quan ngắm cảnh thành phố.
Hong Kong là thành phố có hệ thống vận tải phức tạp bao gồm cả phương tiện công cộng lẫn phương tiện cá nhân. Trong đó, hệ thống tàu thuyền công cộng được đánh giá là hiệu quả và bao quát toàn thành phố, phủ khắp những con kênh dày đặc.
Không những vậy, những chuyến phà tại Hong Kong còn kết nối thành phố này với các cảng thuộc Trung Hoa Lục Địa. Theo khảo sát của chính quyền Hong Kong, hơn 90% chuyến đi hàng ngày của người dân là bằng phương tiện công cộng, con số này cao nhất thế giới.
Tại Venice - "thành phố của những kênh đào", trung tâm du lịch nổi tiếng của nước Ý - người dân và khách du lịch di chuyển chủ yếu bằng đường sông. Hệ thống buýt sông hay còn được gọi là vaporetto, hoạt động rộng rãi. Hệ thống này gồm 19 tuyến di chuyển trong nội ô thành phố cũng như đến các địa điểm lân cận.
Lịch trình và tuyến đường của các vaporetto thay đổi theo mùa; vì vậy, du khách đến Venice được khuyến cáo tham khảo kỹ thời gian biểu trước khi mua vé để phòng trường hợp đi nhầm tuyến.
Thành phố Budapest (Hungary) lại áp dụng hệ thống xe buýt lưỡng cư vừa chạy trên đất liền, vừa chạy trên mặt nước. Đây là hệ thống xe buýt dành cho du khách tham quan thành phố. Trong ảnh, một chiếc xe buýt lưỡng cư đang tiến từ đất liền xuống sông.
Theo news.zing