Việc xử phạt trực tiếp đòi hỏi nhiều nhân lực và dễ nảy sinh tiêu cực - Ảnh: Khánh Linh
Tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo ATGT 6 tháng đầu năm 2018 mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT và Bộ Công an nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, các hình thức tiên tiến trong xử lý, giải quyết vi phạm giao thông như xử phạt qua tư pháp, dán phiếu phạt lên kính xe. Làm thế nào để áp dụng được hình thức xử phạt này? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, nhà quản lý.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng:
Cần kết nối dữ liệu giữa các ngành
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, công tác đảm bảo ATGT gắn với nâng cao ý thức tự giác thực hiện quy định pháp luật, đẩy mạnh việc gửi biên bản xử phạt đến người vi phạm bằng cách kẹp lên kính xe ô tô hoặc treo vào gương mô tô xe máy là việc phải làm, thay vì chúng ta cứ xử lý trực tiếp trên đường. Việc xử phạt trực tiếp mặt đối mặt đòi hỏi nhân lực rất lớn. Cùng đó, việc tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng thực thi công vụ và người vi phạm dễ nảy sinh tiêu cực.
Xử phạt bằng hình thức dán vé phạt lên kính xe có nghĩa là người vi phạm sẽ nhận được thông báo về hành vi vi phạm và người vi phạm sẽ tự đi nộp phạt trong thời hạn được quy định cụ thể. Nếu họ tuân thủ việc xử phạt một cách bình thường, đó là xử phạt vi phạm hành chính, còn trong trường hợp không thực hiện sẽ bị chuyển qua hệ thống tư pháp. Khi đó Tòa án sẽ phán quyết hình phạt đối với họ, bao gồm cả chế tài đối với vi phạm hành chính và cả hành vi cố tình không thực thi việc xử phạt hành chính. Đây là hình thức xử phạt tương đối phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa được áp dụng.
"Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài các hình thức xử lý, giải quyết vi phạm giao thông. Ví dụ, những xe đậu đỗ không đúng quy định, chủ xe bỏ đi, hình thức xử phạt của họ là dán giấy thông báo yêu cầu đến nơi chấp hành xử phạt. Thứ hai là họ cẩu xe đi luôn, chủ xe đến lấy xe vừa phải nộp phạt vừa phải đóng tiền cẩu xe. Hay nghiên cứu hình thức xử phạt qua tư pháp, khi người vi phạm được thông báo đến Tòa giải quyết, lần thứ nhất không đến, lần thứ hai sẽ phạt nặng hơn, lần thứ ba thì xử lý coi như vi phạm hình sự”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình
Hiện, chúng ta chưa có quy định đầy đủ về thực hiện xử phạt qua hệ thống tư pháp. Thứ nữa, chúng ta chưa có sự liên thông về dữ liệu và trách nhiệm giữa các cơ quan tham gia vào quá trình cưỡng chế xử phạt (CSGT và CSTT-HC), việc liên thông cũng khó hơn khi thông tin xử phạt vẫn bằng văn bản giấy, bằng chứng và chứng từ thủ tục bằng văn bản giấy, không phải bằng điện tử.
Một điều nữa là vấn đề xe không chính chủ, đối với ô tô, đây không phải là vấn đề quá khó, nhưng với xe máy đang còn nhiều tồn tại. Hơn nữa, hiện Việt Nam chưa có quy định mang tính cưỡng chế đối với chủ phương tiện trong việc buộc họ phải tham gia vào quy trình xử phạt. Chủ phương tiện và người vi phạm trong nhiều trường hợp có liên quan mật thiết (trường hợp cho mượn hoặc cho thuê xe) thì pháp luật chưa có quy định trách nhiệm của từng đối tượng khiến việc xử phạt thông qua hệ thống tư pháp hay việc xử phạt vi phạm qua hình thức phạt nguội còn hạn chế.
Vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu các quy định của pháp luật về hình thức xử phạt này để hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC và cưỡng chế xử phạt VPHC. Nếu như Luật Xử phạt VPHC cho phép thực hiện thì chúng ta cần sửa Nghị định hướng dẫn những đối tượng cần phải tham gia vào quy trình xử phạt vi phạm giao thông qua tư pháp.
Một vấn đề khác là cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm để kết nối với tất cả các cơ quan liên quan. Hiện dữ liệu kết nối về xử phạt, đăng ký phương tiện giữa CSGT và Cảnh sát xử lý VPHC chưa đồng bộ. Lực lượng Cảnh sát trật tự tại quận, huyện chính là người yêu cầu cưỡng chế chủ phương tiện vi phạm thực hiện xử phạt VPHC nhưng hiện nay kết nối thông tin chưa thật tốt vì vẫn phải thực hiện bằng giấy, dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, các loại dữ liệu này phải được kết nối ngay trong hệ thống thông tin của lực lượng công an. Trong trường hợp muốn xử phạt qua hệ thống tư pháp cần kết nối với hệ thống các cơ quan của ngành Tư pháp.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Cục CSGT Bộ Công an):
Không thể áp dụng nếu chưa sửa luật
Thời điểm hiện nay ở Việt Nam chưa thể áp dụng việc dán phiếu vi phạm giao thông như nước ngoài được. Nếu áp dụng việc phát hiện, xử lý phương tiện vi phạm giao thông giống như nước ngoài thì chúng ta phải có lộ trình thay đổi, bổ sung vào hệ thống luật tư pháp, dân sự rất nhiều quy định.
Để phạt nguội cần xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý vi phạm thật tốt, đặc biệt là hệ thống camera giám sát - Ảnh: Khánh Linh
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội):
Quy định mỗi chủ phương tiện phải có tài khoản riêng
Hiện nay, theo quy định của luật, xử phạt VPHC không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt VPHC tại chỗ. Chưa kể, nếu dán phiếu phạt lên kính xe như ở nước ngoài, không chắc người vi phạm có đến chấp hành xử phạt hay không, bởi nếu họ không đến thì cảnh sát cũng chưa có chế tài cụ thể mà chỉ có cách là gặp đâu thì xử lý đó.
Thực ra những quy định xử phạt vi phạm giao thông ở nước ngoài rất rõ ràng và linh hoạt, nếu dán phiếu phạt lên xe mà không đến chấp hành xử lý, người vi phạm sẽ bị tăng mức phạt, thậm chí có thể bị đi tù. Tuy nhiên, nếu áp dụng ở ta thì lại vướng vì nó liên quan đến hàng loạt vấn đề. Chẳng hạn phương tiện chính chủ hay không chính chủ ở ta vẫn còn rất bất cập, nhiều khi cảnh sát gửi giấy thông báo vi phạm tới địa chỉ người vi phạm nhưng cả năm không có hồi âm.
Nếu muốn áp dụng xử phạt VPHC như nước ngoài cần phải có qui định bổ sung vào luật, khi chủ phương tiện ô tô, xe máy đăng kí phương tiện mới hoặc mua bán sang tên đổi chủ phải có tài khoản đảm bảo một số tiền nhất định. Việc này nhằm đảm bảo việc chấp hành tốt luật giao thông, khi không chấp hành sẽ bị trừ vào tài khoản đó. Sau khi đến chấp hành xử phạt, số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản ban đầu.
Thượng tá Đặng Thế Trung
Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai:
Cần lộ trình và hành lang pháp lý mới
“Việc dán vé phạt lên kính xe nếu được áp dụng thành công sẽ góp phần tăng hiệu quả trong công tác đảm bảo ATGT. Tuy nhiên cần có lộ trình và chỉnh sửa lại hành lang pháp lý cho chặt chẽ. Tại Đồng Nai, nhiều tuyến đường được gắn camera đã phát huy hiệu quả trong điều tiết giao thông, đảm bảo TTATGT, ANTT. Song song đó, những camera này còn có chức năng ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm để phạt nguội nhưng thực tế việc gửi thông báo để người vi phạm đến nộp phạt chưa thực sự hiệu quả.
TS. Chu Công Minh
TS. Chu Công Minh, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh:
Phạt nặng việc bán xe không sang tên đổi chủ
Hiện việc xử lý xe ô tô vi phạm bằng hình thức xử phạt nguội đã được thực hiện ở nhiều địa phương. Các xe vi phạm được ghi lại bằng camera và cảnh sát gửi thông báo đến nhà. Nếu chủ sở hữu chậm xử phạt hoặc tiếp tục vi phạm sẽ có hình thức xử phạt lũy tiến.
Để có thể thực hiện việc xử lý vi phạm qua dán phiếu phạt lên kính, trước mắt cần có chế tài mạnh để xử lý việc bán xe nhưng không chịu sang tên đổi chủ sở hữu. Cùng đó, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý vi phạm thật tốt, đặc biệt là hệ thống camera giám sát có khả năng phát hiện xe vi phạm và nhận diện biển số xe. Các camera có thể tích hợp nhiều chức năng như phát hiện ùn tắc giao thông, đếm lưu lượng phương tiện, nhận diện xe chạy quá vận tốc cho phép và vi phạm luật giao thông để tiến hành xử phạt... Trong tương lai, chúng ta rất cần xây dựng các trung tâm quản lý giao thông tích hợp ở các đô thị lớn (Traffic Control Centre) để xử lý sự cố, quản lý vận tải giao thông công cộng, phát hiện và xử phạt.
Theo Báo Gaio thông