Để quản lý hoạt động của bến xe và xe khách tốt hơn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đề án xây dựng phần mềm quản lý. Theo đó, toàn bộ dữ liệu hoạt động các bến xe khách trên toàn quốc, như lịch xe xuất bến, danh sách doanh nghiệp (DN), hợp tác xã xe khách hoạt động trên từng tuyến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé, chất lượng dịch vụ đều được cập nhật liên tục và quản lý công khai.
Mô hình phần mềm quản lý bến xe
Cần thiết và cấp bách
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên cả nước có tổng cộng 457 bến xe, trong đó hơn 200 bến xe từ loại 4 trở lên. Vấn đề quản lý, giám sát các phương tiện giao thông công cộng một cách thống nhất, đồng bộ trên cả nước đang là yêu cầu cần thiết và cấp bách.
Với mật độ giao thông ngày càng dày đặc ở Việt Nam thì việc đi lại bằng các phương tiện công cộng ngày càng được khuyến khích. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ của các phương tiện công cộng với mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện này ngày càng nhiều. Để làm được việc đó, trước hết phải nâng cao chất lượng quản lý các hệ thống bến xe, các hãng xe, tạo được cổng thông tin kết nối giữa hành khách và các cơ quan quản lý…
Đến năm 2020, toàn bộ các bến xe trên cả nước phải áp dụng phần mềm quản lý.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các bến xe và bãi đỗ ở Việt Nam đa phần lạc hậu, hệ thống quản lý còn rườm rà và phụ thuộc nhiều vào con người. Ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết việc tra cứu thông tin và lịch trình, quản lý thời gian xuất phát cũng như thời gian đến giữa các bến của các tuyến xe chủ yếu bằng các lệnh vận chuyển. “Với cách này, tuy kiểm soát được hành trình xe nhưng các thông tin chi tiết như: Xe xuất phát giờ nào, đúng lịch trình hay không… thì buộc phải mở lệnh vận chuyển, trong khi việc quản lý thống kê dữ liệu khá rời rạc, không theo thời gian thực” - ông Thủy dẫn chứng.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng - đơn vị được Bộ GTVT giao xây dựng và chuyển giao phần mềm quản lý, hiện cơ quan quản lý nhà nước không có thông tin đầy đủ về hoạt động của bến xe mà phải đợi các bến báo cáo, mất rất nhiều thời gian. Chưa nói đến việc do thống kê bằng thủ công còn nhiều sai sót dẫn tới cơ quan quản lý không có con số thống kê chính xác nên rất khó đưa ra giải pháp quản lý phục vụ tốt nhu cầu người dân. “Khi áp dụng phần mềm quản lý, các bến xe sẽ không phải gửi báo cáo mà toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật trực tiếp, liên tục về hệ thống của các cơ quan quản lý. Không những vậy, từ dữ liệu truyền về, cơ quan quản lý và DN cũng biết rõ xe nào vi phạm lỗi gì để có thể xử lý nghiêm” - ông Hiếu nêu.
Ông Đỗ Công Thủy cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng đã xây dựng xong phần mềm theo hình thức xã hội hóa và áp dụng thí điểm tại một số bến xe như: Trung tâm Đà Nẵng; Thượng Lý, Niệm Nghĩa, Lạc Long (Hải Phòng); Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm (Hà Nội); Trung tâm TP Cần Thơ; Đắk Lắk.
Các đơn vị kinh doanh bến xe sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách DN, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký. Bên cạnh đó, cập nhật thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: biển số xe, lái phụ, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và thông tin về các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến.
Minh bạch chất lượng
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tổng kinh phí để xây dựng và triển khai thực hiện phần mềm này khoảng trên 3 tỉ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn thông qua bán phần mềm trực tiếp cho các bến xe. “Các bến xe sẽ áp dụng phần mềm quản lý theo lộ trình: Từ ngày 31-12-2016, áp dụng tất cả các bến xe khách loại 3 và 4. Từ ngày 1-1-2020, áp dụng tất cả các bến xe còn lại” - bà Hiền thông tin.
Cũng theo bà Hiền, mục tiêu của đề án là áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành. Qua đó, giúp công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thanh - kiểm tra hoạt động của bến xe.
Theo quy định, các đơn vị kinh doanh bến xe khách phải đầu tư hạ tầng quản lý, bảo đảm ứng dụng phần mềm phù hợp và kết nối về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; cập nhật đầy đủ các DN vận tải, phương tiện, tuyến vận tải khách cố định đang hoạt động tại bến theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và truyền dữ liệu này về máy chủ của tổng cục 24/24 giờ. “Việc làm này cũng tạo thuận lợi cho người dân, hành khách đi xe tra cứu, tìm hiểu các thông tin cần thiết mỗi khi có nhu cầu di chuyển bằng xe khách” - bà Hiền nói.
Ngoài ra, việc áp dụng phần mềm này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước chuẩn hóa lại hoạt động vận tải trong các bến xe để phục vụ người dân tốt hơn. Cùng đó, khi các DN vận tải đăng ký nốt và được cập nhật công khai sẽ biết được nốt nào còn trống, tần suất hoạt động để đăng ký khai thác.
Buộc phải thực hiện
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng phần mềm này sẽ giúp bến xe nắm được tần suất chạy xe, số hành khách, số lượng DN vận tải tham gia tuyến một cách tự động; giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời đánh giá được lượng hành khách, luồng tuyến vận tải trong toàn quốc. “Cần đưa công nghệ hiện đại vào quản lý kinh doanh vận tải, buộc các bến xe thực hiện. Việc trang bị công nghệ này không có gì đắt đỏ, với lộ trình mà Bộ GTVT đưa ra, các bến xe hoàn toàn có thể thực hiện được” - ông Thanh khẳng định.
Theo Báo Giao Thông - Nam Phương st