Hệ thống giám sát đảm bảo các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ, làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm

“Liều thuốc” thử trong mùa Covid-19

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND và Giám đốc CATP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã triển khai hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo an toàn giao thông cũng như phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19. Hàng chục chốt kiểm soát phương tiện đã được thiết lập tại các cửa ngõ ra vào thành phố, với lực lượng Cảnh sát giao thông là chủ công. Trung bình mỗi ngày, hàng nghìn lượt phương tiện nằm trong diện cho phép đã ra vào thành phố, được kiểm soát an toàn.

Cũng trong khoảng thời gian cả nước thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, trên các tuyến đường ngõ phố nội đô mật độ phương tiện rất ít. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường dồn sức cho những yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt quan trọng về công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, không vì thế mà công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông bị xem nhẹ hay bỏ ngỏ, bởi dẫu không có lực lượng làm nhiệm vụ ở ngoài đường nhưng tất cả tình hình về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn được Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội chủ động kiểm soát. Tai nạn giao thông trong suốt giai đoạn này giảm trên cả 3 tiêu chí. Có được sự hiệu quả ấy phải kể đến hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm của đơn vị.

Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết, Trung tâm điều khiển giao thông được thành lập từ năm 2000 theo Quyết định của UBND TP Hà Nội sau khi hoàn thành Dự án xây dựng Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Chính phủ Pháp tài trợ với quy mô 105 nút đèn tín hiệu giao thông, 21 camera quan sát và hệ thống điều khiển sử dụng thiết bị hiện đại của Pháp.

Mặc dù vậy, tiền thân của trung tâm hay nói cách khác hệ thống camera đã có từ nhiều năm trước đó. Gần 15 năm trước, tầm nhìn về sự cần thiết của hệ thống camera giám sát, xử phạt vi phạm đã được lãnh đạo các đơn vị nhận thấy và cho thực hiện, triển khai. Sau gần 15 năm, Phòng Cảnh sát giao thông hiện đã có một Trung tâm điều khiển giao thông hiện đại bậc nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước với gần 600 camera các loại. Đáng chú ý, từ Trung tâm điều khiển giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội đã thiết lập được 16 tuyến làn sóng xanh về giao thông, khi hệ thống đèn tín hiệu giao thông tự động tính toán, cập nhật lưu lượng, tình hình giao thông trên đường để điều chỉnh thời gian hoạt động liên hoàn.

Việt Nam đã sử dụng khái niệm “giao thông thông minh” để chỉ việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào lĩnh vực giao thông như một xu thế tất yếu, cấp bách, khách quan. Đây có thể coi là khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông. Các tỉnh, thành phố đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển hệ thống giao thông thông minh để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, điều hành, chỉ huy giao thông và ứng dụng thành tựu vào rất nhiều lĩnh vực như: Sản xuất phương tiện giao thông; Công nghệ an toàn, quản lý xe và trợ giúp lái xe an toàn; Tổ chức giao thông; Tuần tra, giám sát giao thông…

Hệ thống các thiết bị máy móc, đường truyền, camera của Trung tâm hoạt động vô cùng hiệu quả. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, hệ thống đã xử lý gần 5.000 trường hợp lái xe, phương tiện vi phạm. Trước đó, hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm cũng đã bị hệ thống camera xử phạt. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách thức xử phạt “nóng” và phạt “nguội” gửi thông báo về tận nơi cư trú, làm việc của lái xe, chủ phương tiện đã có tác động tích cực làm thay đổi ý thức của lái xe, người tham gia giao thông.

Bên cạnh việc “thay thế” lực lượng Cảnh sát giao thông ngoài đường xử phạt vi phạm, hệ thống camera còn phát hiện và thông tin kịp thời cho các đơn vị địa bàn về tình hình vi phạm mất trật tự an toàn giao thông để có biện pháp giải quyết. Trích xuất hình ảnh 149 lượt để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, điều tra khám phá các vụ án lớn xảy ra trên địa bàn thành phố.

Không chỉ vậy, các mặt công tác khác về đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội đều được hệ thống camera thực hiện hiệu quả. Cũng trong thời gian này, hệ thống camera giám sát và xử phạt tại TP.HCM, các tỉnh thành phố lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… cũng phát huy hiệu quả rất cao trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Từ những dữ liệu camera giám sát gửi về, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông có thể dễ dàng phát hiện, xử lý người vi phạm

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, của lực lượng Cảnh sát giao thông

Đánh giá của lãnh đạo Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, lực lượng Công an nhân dân tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý khoảng 5 triệu trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhưng vi phạm vẫn còn phổ biến như vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường, ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, bia, rượu…

Nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe chưa chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng trên đó chính là việc thiếu hệ thống camera giám sát, không thể ghi lại bằng chứng, phát hiện và ghi nhận được hành vi vi phạm. Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn giao thông.

Cùng với đó, trước tình hình ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Trung ương Đảng đã chỉ đạo cấp ủy, các ngành tập trung tham mưu, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM triển khai các giải pháp khắc phục. Mặc dù vậy, câu chuyện ùn tắc, ùn tắc kéo dài, tai nạn giao thông, đặc biệt là trong những thời điểm mưa, bão, lũ, lụt, dịp lễ, Tết…vẫn thường xuyên diễn ra, gây bức xúc cho nhân dân.

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin được Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhiều ứng dụng quản lý được triển khai trong các cơ quan Nhà nước đã góp phần nâng cao năng lực quản lý và cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn được các bộ, ngành triển khai trên diện rộng, quy mô lớn như: Số hóa quản lý văn thư, Cổng dịch vụ công quốc gia, lĩnh vực tài chính, hải quan, thuế, khám chữa bệnh, giao thông - vận tải, dân cư, đăng ký quản lý phương tiện, tai nạn giao thông và xử lý vi phạm.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đến nay các lĩnh vực trong đời sống xã hội đã được ứng dụng sâu rộng, là yêu cầu bắt buộc phải đầu tư của xã hội và các quốc gia trên thế giới” - Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định. Từ thực tiễn yêu cầu trên, Bộ Công an đã quan tâm đầu tư cho các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước những hệ thống công nghệ thông tin hiện đại được triển khai với quy mô lớn như: Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu tàng thư, Cơ sở dữ liệu đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân và các hệ thống giám sát. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay đang triển khai chủ yếu mang tính chất đơn lẻ theo từng lĩnh vực, bộ, ngành. Việc liên kết và chia sẻ dữ liệu còn nhiều bất cập, chưa có một quy hoạch tổng thể.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định, thực hiện yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển xã hội và của người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lực lượng Cảnh sát giao thông đã được Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo sát sao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhân tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh và phần mềm. Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm để nâng cao năng lực cưỡng chế của lực lượng Cảnh sát giao thông, đồng thời số hóa một số quy trình nghiệp vụ, đánh dấu bước trưởng thành về chất của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; là cơ sở khoa học và là nguồn chứng cứ quan trọng để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm trên tuyến cũng như phục vụ hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn giao thông.

“Cần chuyên môn hóa Luật cụ thể về bảo đảm trật tự an toàn giao thông”

 

Hiện hệ thống camera xử phạt vi phạm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai rất hiện đại, được thiết kế theo mô hình kiến trúc mở, dễ dàng tích hợp thiết bị đầu cuối mà không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của hệ thống. Các máy giám sát, ghi nhận hình ảnh, tốc độ đều được đặt công khai, cố định trên tuyến, điều đó thể hiện rõ sự công khai, minh bạch trong việc giám sát, phát hiện cũng như xử lý vi phạm.

Giao diện tương tác với ngôn ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Anh, quản trị phân quyền theo từng chức năng và từng đơn vị sử dụng, đồng thời có hệ thống lưu lịch sử truy cập, thao tác dữ liệu của từng người sử dụng. Hệ thống kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu đăng ký xe của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thuận lợi cho quá trình tra cứu và gửi thông báo “phạt nguội” tới người vi phạm. Thông qua hệ thống giám sát kịp thời ghi nhận các di biến động của các phương tiện vi phạm, là nguồn tin quan trọng trong phòng, chống các loại tội phạm hoạt động trên những tuyến giao thông.

Hiện nay, số lượng vi phạm bị hệ thống camera xử phạt ngày càng lớn, tuy nhiên lái xe bị phát hiện đến nộp phạt theo giấy mời vẫn hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, một trong số đó chính là rào cản về các cơ chế giám sát, phát hiện, ràng buộc giữa chủ phương tiện, lái xe, phương tiện vi phạm còn lỏng lẻo; chưa kể tới một số hành vi mức xử phạt vẫn còn thấp.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng trách nhiệm quản lý, ý thức của lái xe, người tham gia giao thông, phương tiện..., rất cần chuyên môn hóa những điều luật cụ thể về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, vị trí, vai trò, những điều cơ quan chức năng được phép thực hiện cũng như người dân, người tham gia giao thông buộc phải chấp hành... Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua sẽ giúp cụ thể hóa không những trách nhiệm, quyền hạn, vai trò... của cơ quan quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, mà còn gắn chặt trách nhiệm của người dân, lái xe... cũng như cơ quan chức năng có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng

(Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 1, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)

Ứng dụng hệ thống camera vào đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại một số quốc gia: Trung tâm ANTAI của Pháp

 

Trung tâm quốc gia về xử lý tự động các vi phạm giao thông của Pháp (Trung tâm ANTAI tại thành phố Rennes, cách Thủ đô Paris 306km) - Đây là một trong những cơ quan hành chính đặt dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ Pháp, chịu trách nhiệm xử lý tự động các vi phạm do hệ thống camera phát hiện hoặc thông qua các thiết bị thu phạt điện tử. Ngoài trụ sở đặt tại thành phố Rennes, Trung tâm còn có trụ sở tại Thủ đô Paris.

Trung tâm được xây dựng vào năm 2011, tổng diện tích mặt bằng khoảng 2,4ha, diện tích xây dựng khoảng 150.000m2, kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng năm là trên 10 triệu Euro với biên chế làm việc tại Trung tâm là 500 người. Trung tâm ra đời với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và cơ quan chức năng.

Trung tâm ANTAI là nơi tiếp nhận 25 triệu thông tin xử phạt một năm trên toàn nước Pháp (tính riêng năm 2019, Trung tâm xử lý và gửi thông báo 26,12 triệu biên bản vi phạm hành chính). Các thông tin về người vi phạm sẽ được chuyển về trung tâm và đều được bảo mật. Khi lực lượng công vụ tiếp nhận thông tin người vi phạm được chuyển trực tiếp về Trung tâm qua lực lượng tuần tra kiểm soát, Trung tâm sẽ nhận diện phương tiện vi phạm, thông tin cá nhân người vi phạm, kiểm tra và phân tích lỗi vi phạm, đưa ra hình thức xử phạt và chuyển lại thông tin cho lực lượng tuần tra trên đường.

Thông thường có 2 hình thức xử phạt: Người tham gia giao thông nộp tiền phạt trực tiếp trên đường thông qua hệ thống máy tính bảng hoặc Trung tâm sẽ thông báo biên bản xử phạt về địa chỉ người vi phạm. Thông thường có 3 loại giấy tờ được thông báo đến người vi phạm: Thông báo số tiền phạt, giấy tờ khiếu nại nếu có vấn đề thắc mắc và giấy khai báo không phải chủ xe (mỗi năm có gần 15.000 trường hợp khiếu nại). Cảnh sát giao thông có thể sử dụng biên bản điện tử trong xử lý vi phạm giao thông. Văn phòng tại Trung tâm chịu trách nhiệm đảm bảo rằng biên bản đó là hợp pháp và được công nhận.

Pháp là nước duy nhất trong Liên minh châu Âu có hệ thống dữ liệu liên quan đến giấy phép lái xe, do vậy, các thông tin người nước ngoài trong Liên minh châu Âu khi qua Pháp vi phạm giao thông sẽ được trao đổi với cơ quan chức năng các bên. Sau khi xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cũng như áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hiện đại của lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, số người chết vì tai nạn giao thông cũng giảm nhiều so với thời kỳ trước đây.

Trung tâm điều hành giao thông thành phố Mátxcơva, Nga

 

Trung tâm điều hành giao thông Mátxcơva do Trung tâm Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ Mátxcơva trực tiếp quản lý, vận hành và dùng nguồn ngân sách của thành phố Mátxcơva. Trung tâm được giao các nhiệm vụ: Lập kế hoạch, chuẩn bị, điều phối và tổ chức mạng lưới đường bộ của Mátxcơva; xây dựng chiến lược, đề xuất triển khai hệ thống quản lý và kiểm soát giao thông, thiết kế quản lý và tổ chức giao thông; nghiên cứu và phân tích giao thông.

Trung tâm có chức năng thu thập dữ liệu giao thông, bao gồm các thông số về lưu lượng giao thông và hành khách, điều kiện đường xá, quản lý giao thông hiện có, các thông số thiệt hại môi trường từ giao thông, thống kê tai nạn, dữ liệu về bãi đỗ xe và nơi bị đình trệ giao thông tạm thời; đánh giá lưu lượng giao thông hiện tại, mô hình và chiến lược giao thông; xây dựng các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả và an toàn quản lý giao thông ở Mátxcơva; lập kế hoạch, thiết kế, thực hiện các chương trình và đề án an toàn và hiệu quả để tổ chức giao thông, bao gồm hệ thống điều khiển giao thông, tối ưu hóa việc bố trí đèn giao thông, hệ thống thông tin, nơi đỗ xe để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất các phương tiện giao thông đường bộ.

Trung tâm có các phương tiện tuần tra trên đường kèm theo công cụ hỗ trợ để phục vụ việc giám sát các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện cá nhân, nắm bắt thông tin, tình hình giao thông. Ngoài các phương tiện công vụ tuần tra công khai, Trung tâm còn sử dụng các phương tiện xe hóa trang, xe dân sự khác nhau có gắn camera để giám sát tốc độ, giám sát vi phạm và sau đó truyền thông tin, hình ảnh về Trung tâm. Các thông tin thống kê về phương tiện giao thông vi phạm sẽ được chuyển đến lực lượng Cảnh sát giao thông để xử phạt theo quy định.

Tại Mátxcơva có khoảng 2.500 phương tiện kỹ thuật ghi hình hoặc quay video của Cảnh sát giao thông được lắp đặt trên các con đường của Thủ đô. Đặc biệt, thành phố đầu tư lắp đặt 600 tổ hợp cố định và 140 thiết bị di động. Ngoài ra, tại Mátxcơva còn có 305 hình nộm máy ảnh đang hoạt động và được cài đặt cho mục đích dự phòng ở nơi không có hệ thống ghi hình ảnh và video. Bên ngoài, các hình nộm không khác biệt với các thiết bị thật, vì vậy các tài xế không thể phân biệt được sự khác nhau giữa thiết bị và hình nộm gắn thiết bị.

Các phương tiện kỹ thuật ghi hình hoặc quay video ở Mátxcơva ghi nhận hình ảnh vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ gửi phiếu thu tiền phạt cho các chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông như chạy quá tốc độ, lái xe ở làn đường dành riêng cho xe công cộng, lái xe dọc theo lề đường và một số hành vi vi phạm khác. Năm 2019, có hơn 24 triệu phiếu thông báo thu tiền phạt đã được gửi cho các lái xe tại Mátxcơva.

Theo An Ninh Thủ Đô