Ban đêm, khi lưu thông trên quốc lộ, đường vắng, không đèn đường, mặc áo đen đi bộ qua đường, hay đi xe không đèn tín hiệu đồng nghĩa bạn đang tự sát. Đó là khẳng định của các chuyên gia an toàn giao thông. Bởi lẽ thông thường, người điều khiển phương tiện xe cơ giới thường tập trung chú ý đến các vật phát sáng, nhất là các phương tiện xe cơ giới chạy ngược chiều để phòng tránh va chạm, tai nạn. Như vậy khi đi bộ, hay đi xe đạp vào ban đêm trên quốc lộ nhất thiết bạn phải mặc áo màu sáng. Tốt nhất là các áo phản quang, hoặc đeo các dây phản quang.


Dây phản quang

Đối với người đi xe đạp, muốn bảo vệ an toàn cho bản thân khi đi ban đêm, ngoài tuân thủ nghiêm Luật Giao thông cần mặc áo hay đeo dây phản quang. Đồng thời trang bị cho bạn đường của mình những tín hiệu phát sáng cần thiết. Tốc độ của các phương tiện xe cơ giới trên quốc lộ hay tỉnh lộ, lộ giao thông nông thôn vào ban đêm thường rất cao, nếu không phát quang để người điều khiển thấy và tránh từ xa, thì hậu quả sẽ khó lường.

Xe đạp gắn phản quang

Trang bị phản quang cho xe máy.

Áo phản quang đi phượt là vật dụng không thể thiếu trên các cung đường khám phá của các phượt thủ, đặc biệt là những đoạn đường tối hay khi đoàn xe di chuyển vào ban đêm, lúc nhá nhem tối sẽ giúp các phương tiện giao thông di chuyển trên đường dễ dàng xác định vị trí của đoàn đồng thời mọi thành viên trong đoàn cũng dễ dàng tìm thấy nhau. Không chỉ lái xe mà ôm sau cũng rất cần trang bị áo phản quang để đảm bảo an toàn.

Ngoài những món đồ quen mặt như nón bảo hiểm, khẩu trang trùm mặt, găng tay, túi hành lý thì áo phản quang được xem là vật bất ly thân của những phượt thủ thường xuyên di chuyển vào ban đêm. Thoạt nhìn có phần tương tự với kiểu áo thông thường, song áo phản quang đi phượt thường được thiết kế lại với kiểu dáng nhỏ gọn hơn, vừa đảm bảo độ cảm giác ôm khít cơ thể vừa mang lại cảm giác thoải mái khi mặc và di chuyển đường dài cho phượt thủ. Áo phản quang đi phượt cũng được thiết kế rất hợp thời trang với nhiều màu sắc lựa chọn như cam, xanh nõn chuối, hồng cam… phù hợp với mọi đối tượng người dùng nam nữ.

Việc mặc áo phản quang là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn khi di chuyển vào ban đêm

Không chỉ những phượt đối với những người chạy xe máy vào ban đêm với điều kiện ánh sáng yếu tiềm tàng hai mối nguy hiểm đó là khó nhìn thấy và khó được nhìn thấy. Để tránh rủi ro, ngoài hệ thống đèn có sức chiếu tốt, cần quần áo, nón bảo hiểm tương phản màu sắc và thậm chí dán thêm những miếng phản quang vào người và xe.

Quần áo sáng màu giúp người chạy xe máy dễ được nhận biết vào ban ngày, nhưng sau khi mặt trời lặn thì lại không phát huy được tác dụng. Giải pháp tốt nhất là mặc những bộ quần áo, đội nón bảo hiểm có phản quang, hoặc tự tạo bằng cách dính băng phản quang lên quần áo, ba lô hay lên thân xe.

Phản quan như thế này khi đi ban đêm sẽ an toàn hơn.

Trang bị phản quang cho xe ô tô

"Việc gắn thiết bị phản quang lên phương tiện ô tô tại Việt Nam đã có quy định theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN11-2011/BGTVT hoặc QCVN09-2011/BGTVT. Theo đó  Xe phải được trang bị tấm phản quang phía sau.Tấm phản quang phải là màu đỏ.Hình dạng mặt phản quang không được là hình tam giác.Ánh sáng phản chiếu của tấm phản quang phải được nhìn thấy rõ ràng vào ban đêm từ khoảng cách 100m về phía sau xe khi được chiếu sáng bằng ánh sáng đèn chiếu của xe khác. Quy định này mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là đối với việc hạn chế TNGT xảy ra vào ban đêm đối với phương tiện dừng đỗ, phương tiện lưu thông trong thời điểm sương mù, khó quan sát..."

Tuy nhiên theo các chuyên gia ngoài dán phản quang phía sau xe việc dán phản quang cho ô tô phía trước và trên cửa xe, nhất là dán phản quang trên cửa xe là cần thiết. Bởi lẽ, việc mở cửa xe trong trường hợp khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người sử dụng, đặc biệt là vào ban đêm. Hành động này có thể khiến chủ các phương tiện nhỏ không chú ý và va quệt vào. Trong một số trường hợp, một ô tô khác có thể đâm đúng cánh cửa và gây vỡ. Thực tế cho thấy, trời càng tối khả năng gây tai nạn càng lớn.

Theo những tài xế giàu kinh nghiệm, để cảnh báo người đi đường tài xế có thể nháy liên tục 2 đèn khẩn cấp hoặc chuẩn bị 1 miếng băng dính phản quang dính cạnh cửa xe. Bằng cách này, các chủ xe khác có thể nhận ra cánh cửa nhờ ánh sáng từ miếng băng dính, tránh xảy ra va chạm.

Gắn phản quang trên cửa xe ô tô

Uỷ Ban ATGT quốc gia vào cuộc.

Vào ngày 17.5 vừa qua, Uỷ ban ATGT đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp nhằm thực hiện việc dán phản quang vào mũ bảo hiểm, xe đạp điện, xe container… để tăng tính phát hiện phương tiện, giảm tai nạn giao thông.


Lễ kỹ kết giữa đại diện Uỷ ban ATGT quốc gia và công ty 3M

Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty 3M ký kết chương trình phối hợp đảm bảo trật tự ATGT. Theo đó, trong thời gian 3 năm (2017-2020), Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty 3M Việt Nam, sẽ hợp tác nâng cao khả năng nhận diện phương tiện giao thông có rủi ro gây TNGT.  Chương trình sẽ tăng nhận diện bằng việc dán các tấm phản quang vào các phương tiện tham gia giao thông dễ bị tổn thương khi thiếu sáng như mũ bảo hiểm của người đi xe máy, xe đạp điện và các phương tiện có nguy cơ cao vì thiếu sáng như xe container.

Thiên Ân