Màn hình hiển thị của thiết bị Mobileye
Từ lâu, TNGT đã trở thành vấn đề xã hội nhức nhối mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới có hơn 1,2 triệu người chết và hơn 50 triệu người bị thương vì TNGT, đồng thời gây thiệt hại tổng thể về kinh tế - xã hội tới 3% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2018 cả nước có hơn 8.200 người chết do TNGT, tương đương dân số một huyện, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng lâu dài cuộc sống nhiều gia đình. Trong bối cảnh số lượng phương tiện có xu hướng gia tăng nhanh chóng, việc ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa điều hành vận tải nhằm giám sát hiệu quả, bảo đảm ATGT là một trong những giải pháp quan trọng được cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm.
Kỳ 1: Giành lại mạng sống từ tay “thần chết”
13 giờ ngày 2/9 vừa qua, sau đợt về quê nghỉ lễ, ăn bữa cơm trưa chia tay gia đình, anh Phạm Minh Dũng đưa vợ con lên xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Đường trưa vắng vẻ, xe lướt êm ru đưa anh vào cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại được. Trong vài giây, dường như anh lái xe trong vô thức, không nhìn thấy chiếc xe chạy phía trước phanh gấp tránh chướng ngại vật. Lập tức, âm thanh “tít tít tít” báo động vang lên dồn dập, vô-lăng xe cũng rung lên khiến anh giật mình đạp phanh. Nếu không được cảnh báo kịp thời, chắc chắn Dũng đã trở thành nạn nhân của vụ TNGT thảm khốc…
Cảnh báo nguy cơ rình rập trên đường
Anh Phạm Minh Dũng là một công chức làm việc ở Hà Nội. Sau khi con nhỏ học mẫu giáo, với số tiền tích lũy và sự trợ giúp từ bố mẹ, hai vợ chồng anh quyết định mua một chiếc “xế hộp” để tiện công việc và đưa đón con. Vốn tính cẩn thận, anh lên các diễn đàn nghiên cứu, tìm hiểu các phụ kiện hỗ trợ an toàn đi kèm nhằm trang bị cho xe. Thiết bị cảnh báo chống đâm va của Mobileye được anh ưng ý nhất và “rinh” ngay về đặt trên nắp táp-lô xe.
Theo anh Dũng, dù giá thành của thiết bị Mobileye-Intel khá đắt, khoảng 600 USD (gần 13 triệu đồng), nhưng đây là một sản phẩm công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến, trợ giúp lái xe rất nhiều trong việc lưu thông an toàn. Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng”, sau khi thoát khỏi vụ tai nạn trong gang tấc, anh cho rằng cái giá đó vẫn là quá rẻ. “Một số thiết bị khác trên thị trường cũng có cùng tính năng như Mobileye nhưng hoạt động dựa trên tín hiệu GPS nên cảnh báo sẽ có độ trễ và không chính xác. Điểm hay của thiết bị Mobileye chính là việc phát hiện được các biển báo hạn chế tốc độ trên đường khi xe đang lưu thông và phát ra cảnh báo nếu xe đi quá tốc độ cho phép; nhận diện vạch kẻ phân làn đường, cảnh báo khi phương tiện lệch khỏi làn; quan sát chướng ngại vật phía trước, cảnh báo cho lái xe về nguy cơ va chạm...”, anh Dũng chỉ ra vài ưu điểm nổi bật của sản phẩm.
Hình ảnh hiển thị của thiết bị Mobileye
Khi đang di chuyển với tốc độ chậm trong các đô thị, nhất là tại Hà Nội - nơi có mật độ giao thông cao và các loại phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp, khi còn khoảng cách xa thiết bị vẫn tính toán được mức độ chưa gây nguy hiểm, chỉ đến khi ở khoảng cách nhất định từ 01 - 1,4m thiết bị mới phát ra âm thanh “tít” liên tục để báo hiệu sắp có va chạm, nên không gây phiền toái cho lái xe.
Một buổi chiều, khi xe của anh Bùi Tuấn Lương (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) đang di chuyển trong đô thị với tốc độ khoảng 35 km/giờ thì bất chợt chiếc xe đi phía trước đột ngột đạp phanh tránh người đi bộ băng qua đường. Do bị ánh nắng mặt trời rọi thẳng làm chói mắt, không nhìn thấy tín hiệu đèn phanh của xe phía trước, chiếc xe của anh vẫn giữ nguyên tốc độ lao tới. Gần như tức thì, màn hình của thiết bị hiển thị cảnh báo sớm 0,6 giây nữa sẽ dẫn tới va chạm. Khi còn cách xe phía trước 5m, thiết bị dồn dập phát âm thanh cảnh báo giúp anh kịp thời phanh xe và đánh tay lái để tránh không đâm vào đuôi xe phía trước. Kể lại câu chuyện thực tế của mình trên đường, anh Lương cười vui vẻ: “Thiết bị Mobileye-Intel ngoài việc tránh va chạm, bảo đảm an toàn tính mạng cho lái xe còn có tác dụng giảm thiệt hại cho các hãng bảo hiểm đền bù đâm va, giảm thời gian phải đi sửa chữa phương tiện”.
Qua thực tế trải nghiệm, cả anh Dũng và anh Lương cùng chung nhận xét, tỷ lệ đưa ra cảnh báo chính xác trên Mobileye đạt khoảng 99% trở lên. Sở dĩ không phải con số 100% là bởi trong một số trường hợp trời tối, tầm quét của camera trên thiết bị có phần hạn chế, nếu có người đi bộ xuất hiện đột ngột phía trước, thiết bị sẽ không kịp xử lý để cảnh báo cho lái xe. Cùng với đó, hãng Mobileye chưa kịp cập nhật thông số kỹ thuật từng model sản phẩm của các dòng xe mà chỉ sử dụng dữ liệu chung cho cả dòng xe đó nên có một số trường hợp tín hiệu tốc độ của xe chưa hoàn toàn tương thích thiết bị, dẫn tới tín hiệu tốc độ trên thiết bị sai số từ 5 - 10% so với thực tế, đôi khi đưa ra cảnh báo sớm hơn mức cần thiết.
Nhiều lái xe đã mua và sử dụng Mobileye cũng khẳng định, thiết bị này không chỉ phù hợp ở các nước châu Âu hay Mỹ mà còn phù hợp điều kiện đường sá Việt Nam. “Khi xe chạy trên đường nội đô có nhiều ô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ hỗn hợp, hệ thống sẽ xác định và tính toán các vật thể di chuyển trong tầm hoạt động của mắt thần về khả năng xảy ra va chạm. Nếu chỉ ở mức độ thông báo thông thường, thiết bị hiển thị hình người màu đỏ, nhưng khi người đó di chuyển rất gần, tạt ngang khi bạn sắp tiếp cận hoặc đang di chuyển về phía bạn với tốc độ nhanh thì hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh "tít tít" với nhịp độ nhanh, nghĩa là đang trong khả năng nguy hiểm. Trường hợp mở cửa xe cũng tương tự như vậy. Riêng phần biển báo bị che khuất thì thiết bị không thể "đọc" được, nó chỉ có khả năng “đọc” đầy đủ thông số khi mắt thường cũng đọc được, nhưng hữu ích ở chỗ lái xe không phải lúc nào cũng chú ý nhìn hết được các biển báo, vì thế thiết bị làm thay cho lái xe những lúc như vậy”, một lái xe phân tích.
"Con mắt thứ ba, bộ não thứ hai"
Công nghệ chống đâm va của Mobileye do Israel phát minh được nhiều chuyên gia về ATGT trên thế giới đánh giá là giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới trong việc ngăn ngừa TNGT với tỷ lệ cảnh báo chính xác tới hơn 99% và là một tổ hợp duy nhất bao gồm đầy đủ các tính năng cần thiết cảnh báo chống đâm va cho xe tự lái. Mobileye là đơn vị đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ thị giác nhân tạo trong lĩnh vực cảnh báo đâm va và lái xe tự động, vận hành như "con mắt thứ ba" và "bộ não thứ hai" của lái xe trên đường, giúp lái xe giám sát liên tục cung đường phía trước và cả những điểm mù của xe (nếu lắp thêm camera phụ trợ bên hông xe).
"Trong hệ thống cảnh báo có một con chip xử lý, nó giống với trí thông minh của bộ não người. Chúng tôi đã phát triển bộ não này, ứng dụng công nghệ thị lực nhân tạo trong việc phân tích môi trường lái xe. Việc này nhằm giảm thiểu tình trạng báo động sai nhờ khả năng phân biệt con người, xe đạp, xe máy, ô tô… với vật vô tri vô giác và có thể bỏ qua những đối tượng lưu thông trong khu vực an toàn", ông Amer Subhi - Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Mobileye giải thích.
Không chỉ cảnh báo đâm va kịp thời cho tài xế, việc tổng hợp dữ liệu về hành vi lái xe còn giúp lái xe hiểu bản thân hơn và có cách lái xe thoải mái, tiết giảm tiêu hao nhiên liệu. Đối với thành phố thông minh, dữ liệu từ các phương tiện là cơ sở để thiết bị khảo sát hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông, phát hiện các mối nguy hiểm trên đường và những vấn đề về cơ sở hạ tầng. Mobileye cũng là nhà cung cấp hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo đâm va cho 25 hãng xe hơi hàng đầu thế giới như BMW, Volkswagen, Nissan… với khoảng 20 triệu chiếc xe đang lưu hành trên toàn thế giới sử dụng hệ thống thông minh của Mobileye.
Vi xử lý kèm loa và camera của Mobileye trên kính
Mobileye đang dẫn đầu thế giới về công nghệ thị giác nhân tạo tránh đâm va và công nghệ lái tự động. Ban đầu, Công ty phát triển các thuật toán và một chip xử lý gia tốc tùy chỉnh được gọi là chip EyeQ. Sau nhiều năm thử nghiệm, các thuật toán chip và phần mềm bắt đầu được bán dưới dạng sản phẩm thương mại cho các khách hàng sản xuất thiết bị gốc (OEM). Đến nay, chip đa lõi EyeQ thế hệ 5 đã được Mobileye "trình làng". Hệ thống chip EyeQ cho phép xử lý đồng thời tất cả các chức năng, có thể nhận diện các phương tiện giao thông, gồm cả xe máy, xe đạp và người đi bộ để cảnh báo nguy cơ đâm va sắp xảy ra phía trước cho lái xe trên đường bằng hình ảnh và âm thanh sớm trước 2,7 giây, đủ thời gian để lái xe kịp phản ứng trước khi nguy cơ đâm va có thể xảy ra, rất hiệu quả cho việc ngăn ngừa TNGT. Con số 2,7 giây có ý nghĩa rất quan trọng trong cảnh báo va chạm.
Theo các nghiên cứu, lái xe thường mất trung bình 3 giây để phản ứng với các tình huống giao thông phía trước và 93% số vụ tai nạn xe xảy ra do yếu tố con người. Trong đó, 80% người lái xe không chú ý khi lái xe chỉ trong 3 giây. Do đó, các lái xe đều được học về "quy tắc 3 giây" trong điều khiển phương tiện. Công nghệ Hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (Advanced Driver Assistance System - ADAS) của Mobileye có chức năng rất đa dạng, từ hệ thống cảnh báo lái xe, hệ thống giám sát áp suất lốp, hỗ trợ đỗ xe, giám sát buồn ngủ và phát hiện những đối tượng ở điểm mù được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao trong hiệu quả giảm thiểu TNGT. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc khuyến khích các hãng xe buýt lắp đặt ADAS. Tại Đài Loan (Trung Quốc), xe buýt nội thành được Chính phủ trợ cấp 49% khi tích hợp ADAS vào xe. Tại Israel, các xe có trọng tải hơn 3 tấn đều phải gắn hệ thống cảnh báo va chạm theo quy định của Chính phủ nước này.
Lắp đặt thiết bị Mobileye
Cuối tháng 6/2019, tại Hà Nội, Công ty Thiên Minh Autosafety đã chính thức công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Mobileye-Intel. Theo đó, hai đơn vị sẽ hợp tác để cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến tại Việt Nam với mức giá hợp lý hơn, nhằm đưa sản phẩm hỗ trợ, cảnh báo đâm va, tai nạn cho lái xe. Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN) Tô Nam Toàn, ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ lái xe ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thật sự phổ biến. Việc doanh nghiệp trong nước hợp tác với công ty công nghệ tiên tiến thế giới sẽ giúp công nghệ này mở rộng hơn cho nhiều dòng xe ô tô tại Việt Nam. Qua triển khai ứng dụng công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước cũng học tập kinh nghiệm của các quốc gia để đưa vào văn bản QPPL, trong đó có việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Các giải pháp công nghệ do Thiên Minh Autosafety và Mobilye - Intel cung cấp được ứng dụng trên xe ô tô giúp lái xe giám sát, nhận cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh về khoảng cách an toàn với xe phía trước, cũng như nhận diện các bảng hướng dẫn giao thông và bảng giới hạn tốc độ (bao gồm cả bảng điện tử) và các bảng hiệu phụ trợ; “đọc” bảng hiệu và thông báo cho lái xe khi xe chạy quá tốc độ cho phép. Đặc biệt, Mobileye còn có tính năng cảnh báo đâm va phía trước, cảnh báo đi chệch làn đường bằng hình ảnh và âm thanh, cảnh báo chống đâm va với người đi xe đạp và đi bộ, kiểm soát đèn pha thông minh để tránh gây bất tiện cho người đi ngược chiều hoặc đi phía trước. Ông Toàn cũng đề nghị, để phù hợp đặc trưng giao thông tại Việt Nam, đơn vị phát triển công nghệ cần có thêm các tùy biến, ví dụ hiện thiết bị mới chỉ cảnh báo được biển giới hạn tốc độ, chưa nhận biết được biển báo giao thông tại đô thị, trong khi đây là các biển báo phổ biến ở Việt Nam.
Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, với vai trò của mình, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xem xét, hỗ trợ ưu đãi sản phẩm, với quan điểm nhất quán là mong muốn các phương tiện giao thông lưu thông ngày càng an toàn. Đồng thời, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẵn sàng phối hợp doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ tổ chức giới thiệu, thông tin về hiệu quả của thiết bị công nghệ đến các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải, truyền thông đến đông đảo người dân quan tâm sử dụng sản phẩm, giúp cho người dân hiểu và có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, sử dụng thiết bị giúp giảm tai nạn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Theo tapchigiaothong.vn