Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi đối thoại

 

Sáng nay (26/9), Bộ GTVT Việt Nam phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức buổi “Đối thoại Chính sách Logistics Việt Nam - Nhật bản năm 2018”.

Phát buổi tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, với bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, nằm ở trung tâm khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.

“Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%. Dù ra đời chưa lâu, nhưng hoạt động logistics của Việt Nam bước đầu đạt được kết quả khả quan như: Hệ thống văn bản QPPL về lĩnh vực logistics từng bước được hoàn thiện; Hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư, hỗ trợ tái cơ cấu vận tải hợp lý; Cộng đồng DN dịch vụ logistics đã có sự phát triển với 3.000 DN ở tất cả các khâu”, Thứ trưởng Công nói.

Tuy vậy, Thứ trưởng Công cho rằng, logistics trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam còn một số tồn tại như: Chi phí logistic cao (khoảng 20,9% GDP); Cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với các phương thức vận tải khác còn thiếu đồng bộ; Tính liên kết và chia sẻ giữa các DN còn hạn chế, chưa tối ưu được vận tải hai chiều,..

“Trước bối cảnh đó, việc tổ chức buổi đối thoại sẽ giúp các cơ quan quản lý và DN logistics của hai nước có cơ hội chia sẻ các nội dung cần thiết cho hoạt động logistics, từ đó, giúp Bộ GTVT Việt Nam có được nguồn tham khảo giá trị trong công tác tham mưu Chính phủ định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics”, Thứ trưởng Công khẳng định.

Các đại biểu tham dự đối thoại chụp ảnh lưu niệm

Theo ông Toshihiro Matsumoto, Phó Thứ trưởng phụ trách logistics, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, từ năm 2009, các cuộc trao đổi nhằm nâng cao năng lực DN lĩnh vực logistics giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được triển khai. “Việc đối thoại với một đối tác quan trọng như Việt Nam là cơ hội quý để các hiệp hội, DN giữa hai nước cùng chia sẻ, kết nối và thúc đẩy những hợp tác ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực logistics”, ông Toshihiro Matsumoto nói.

Tại buổi đối thoại, đại diện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cũng đề xuất Việt Nam cần thay đổi một số chính sách để phát triển logistics như: bãi bỏ việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với các container ra vào khu vực cảng Hải Phòng bởi việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến chi phí phân phối của công ty vận tải và giá bán sản phẩm. “Hiện nay, việc làm thủ tục hải quan hàng hóa XNK giữa TP.Hồ Chí Minh (Mộc Bài) và Campuchia (Bavet) mất rất nhiều thời gian, làm giảm tỷ lệ xoay vòng của xe tải, phát sinh các chi phí không cần thiết. Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng cổng làm thủ tục hải quan, thực hiện cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan giữa hai nước”, đại diện phía Nhật Bản đề xuất.

Đại diện cơ quan Nhật Bản cũng dự báo, thời gian tới, nhu cầu vận chuyển cho chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam sẽ tăng mạnh. “Thông thường khi mức thu nhập bình quân theo đầu người vượt quá 3.000 USD thì nhu cầu về đồ điện gia dụng sẽ tăng cao. Hiện, GDP đầu người của Hà Nội là 3.000 USD còn của TP.Hồ Chí Minh là 5.000 USD, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam lại ngày càng tăng, lối sống của người Việt sẽ thay đổi lớn và việc phát triển chuỗi cung ứng lạnh sẽ là điều tất yếu”, đại diện này nói.

Theo baogiaothong.vn