Nay chẳng còn ai ngạc nhiên với những chiếc SUV của Bentley và Maserati, Ferrari 2 cầu hay Mercedes dẫn động cầu trước. Tuy nhiên trước đây, các công ty chế tạo ôtô giữ gìn bản sắc chế tạo của mình nghiêm ngặt hơn nhiều. Mặc dù vậy, ngay cả những công ty thành công và làm ăn có lãi đôi khi cũng đưa ra những mẫu xe thử nghiệm, nhiều khi là thất bại, vô nghĩa, mà họ không muốn nhớ đến, song cũng có những mẫu xe đầy tiềm năng và hứa hẹn... Đó là những mẫu xe lạ lẫm, đi ngược lại truyền thống chế tạo của các nhà sản xuất ôtô.

Lamborghini Cheetah

Đột phá của Lamborghini

Trong một thời gian dài trước khi xuất hiện những chiếc SUV gắn thương hiệu lạ, không liên quan đến các sản phẩm của nhà sản xuất, Lamborghini đã thực hiện một bước đi can đảm, nhằm có phần trong miếng bánh ngọt là đơn hàng của Lục quân Hoa Kỳ. Và Lamborghini đã chế tạo chiếc xe thử nghiệm Cheetah – khá giống với chiếc Hummer cuối cùng được Lục quân Mỹ chọn. Chiếc xe của người Italy, sử dụng động cơ dung tích 5,9 lít bố trí phía sau của Chrysler (Lamborghini ở thời điểm đó thuộc về nhà sản xuất xe hơi Mỹ), đã bị từ chối.

Tuy nhiên người Italy không mất bình tĩnh và năm 1985 họ đưa vào sản xuất chiếc Lamborghini LM002, thiết kế gợi nhớ về một chiếc máy cắt cỏ khổng lồ, chứ không phải một chiếc máy kéo độ. Chiếc xe trang bị động cơ V12 công suất 450 mã lực, song được đặt ở phía trước. Lamborghini LM002 đắt hơn nhiều bất cứ chiếc Ferrari nào. Tổng cộng 301 xe được bán ra thị trường, trong đó có 60 chiếc bán tại Mỹ. Kết quả là, Lamborghini thua lỗ, song cũng có được tiếng tăm “đáng ngờ” trong bộ phim "Brigade" (được biết một chiếc xe đã bị đốt) cũng như phải liên tục thay đổi chủ sở hữu, cho đến khi công ty sáp nhập vào tập đoàn Volkswagen.

Chrysler và động cơ tuốc-bin

Chrysler Turbine tổng cộng chỉ xuất xưởng khoảng 55 chiếc trong giai đoạn 1963-1966. Vào những năm 1950, ôtô sử dụng tuốc-bin khí được rất nhiều nhà sản xuất đưa vào thử nghiệm, song chỉ người Mỹ quyết định đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuốc-bin khí của xe sản sinh ra công suất 130 mã lực, ở tốc độ xoay 37.000 vòng/phút cùng mô-men xoắn tối đa 576Nm từ mức 0 vòng/phút!

Quả thực, mức tiêu hao nhiên liệu của xe đã gây thất vọng cho chính người Mỹ. 50 chiếc Chrysler Turbine được đưa vào một chương trình dành cho người sử dụng. Tuy nhiên hầu hết trong số này đã bị phá bỏ vào cuối chương trình chỉ còn lại 9 chiếc: 2 chiếc thuộc sở hữu của Chrysler, 5 chiếc được trưng bày tại các viện bảo tàng của Mỹ, và 2 chiếc nằm trong tay nhà sở hữu tư nhân. Chương trình động cơ tuốc-bin của Chrysler được khởi động cuối thập niên 1930 và dừng vào giữa những năm 1970.

Chrysler Turbine

Xe dẫn động bánh trước của GM

Ôtô dẫn động bánh trước được sản xuất tại Mỹ trong giai đoạn 1920-1930, song chúng không thể tồn tại và cấu hình này bị lãng quên một thời gian dài. Năm 1967, các mẫu xe dẫn động bánh trước Oldsmobile Toronado và Cadillac Fleetwood Eldorado ra mắt thị trường. Công chúng tiếp nhận chúng một cách dè dặt. Hơn nữa, hộp số xe phải sử dụng kết cấu phức tạp, không đáng tin cậy và ồn. Ban đầu, quá trình bán xe diễn ra rất chậm, song GM không bỏ cuộc. Và trong trường hợp này họ đã đúng. Theo thời gian, thiết kế được cải thiện, công chúng cũng dần quen với thực tế xe Mỹ cũng có thể dẫn động bánh trước.

Oldsmobile Toronado

Cadillac và xe mui trần

Tuy nhiên vào năm 1987, khi xuất hiện chiếc Cadillac Allante mui trần, đối thủ cạnh tranh với Mercedes-Benz SL và Jaguar XJS, những người yêu chuộng thương hiệu xe Mỹ đã đón nhận chiếc xe dẫn động bánh trước, lắp động cơ 170 mã lực này, một cách thù địch. Thêm vào đó, công nghệ sản xuất Allante rất phức tạp, dẫn đến tốn kém. Các chi tiết xe được đưa bằng máy bay đến Italy, nơi Pininfarina chế tạo thân xe. Sau đó, 56 chiếc xe được đưa bằng một chiếc Boeing đặc biệt về lại Mỹ, nơi nó được hoàn thiện. Công suất động cơ được tăng lên 295 mã lực, tuy nhiên chiếc xe dẫn động bánh trước vẫn bị cạnh tranh chưa từng thấy bởi các đối thủ nổi tiếng của Đức và Anh. Đến năm 1993, chỉ có 21.340 chiếc Cadillac được sản xuất, tương đương sản lượng chưa tới 3.000 chiếc/năm. Theo quan niệm của Mỹ - đây là một sự thất bại!

Cadillac Allante

GM thành công với động cơ phía sau

Cuộc cách mạng đầu tiên của tập đoàn GM bắt đầu năm 1960, khi họ quyết đưa vào sản xuất mẫu sedan Chevrolet Corvair với động cơ 6 xy-lanh đối xứng làm mát bằng không khí công suất 81 mã lực bố trí phía sau xe. Ban đầu, chiếc xe được tiếp nhận với sự e ngại. Nhưng trong năm đầu tiên đã bán được khoảng 250.000 chiếc. Tạp chí Motor Trend đã gọi Corvair là chiếc xe của năm, và bản nâng cấp sớm xuất hiện với động cơ mạnh hơn cùng thân xe hai cửa. Tuy nhiên, năm 1965, nhà báo Ralph Nider đã tiến hành một chiến dịch đình đám chống lại GM, xuất bản cuốn sách "Dangerous at any speed", trong đó ông cho rằng khả năng điều khiển của xe rất kém. GM đã thuê những người kiểm tra và lái xe giỏi nhất, để phản pháo lại chương trình trên. Tuy nhiên đến năm 1966, MG đã bán được khoảng 1,5 triệu chiếc một triệu Corvair. Không tệ theo tiêu chuẩn của người Mỹ.

Khoang sau Chevrolet Corvair

Đột biến Mercedes-Benz

Vào thời điểm 30 năm trước khi xuất hiện chiếc Chevrolet Corvair của người Mỹ, thương hiệu Mercedes-Benz đã chuyển sang sử dụng thiết kế động cơ đặt phía sau. Nhà thiết kế chính của hãng, Hans Niebel, có lẽ do chịu ảnh hưởng của Porsche, đã đưa ra thiết kế động cơ đặt phía sau, và cho phép đưa vào sản xuất mẫu xe 130H (Heckmotor - động cơ đặt phía sau). Sản xuất bắt đầu vào năm 1934, sớm hơn thời điểm chiếc Beetle nổi tiếng xuất hiện. Chiếc Mercedes lắp động cơ 26 mã lực và đạt tốc độ tối đa 92 km/h này đươc thị trường tiếp nhận một cách lạnh nhạt.

Các phóng viên đã chỉ trích chiếc xe do thiết kế truyền động vào bánh sau nặng nề và khả năng điều khiển tầm thường. Hơn nữa thiết kế cũng không theo truyền thống của Mercedes! Trong hai năm, dù chỉ bán được 4.298 xe, song mẫu 170H sử dụng động cơ dung tích 1,7 lít, công suất 38 mã lực vẫn được sản xuất. Giá thành một chiếc Mercedes loại này đắt hơn chiếc sedan bốn cửa 170V lắp cùng động cơ, song sử dụng thiết kế truyền thống và kiểu bố trí cổ điển. Việc sản xuất Mercedes-Benz 170H kết thúc vào năm 1939 ở mức tiêu thụ 1.507 chiếc. Trong khoảng thời gian này, Mercedes-Benz bán được 72.000 sedan thông thường 170V.

Khung gầmMercedes 130H

Tiểu Aston Martin

Tiểu Aston Martin thậm chí còn là mẫu xe nhiều rủi ro hơn chiếc Mercedes động cơ bố trí phía sau. Mẫu Cygnet đời năm 2011 chẳng qua là chiếc Toyota IQ độ lại, song có giá đắt gấp 3 lần. Đến năm 2013, Aston Martin chỉ xuất xưởng 143 chiếc Cygnet, và người mua không phải là những khách hàng truyền thống. Có lẽ họ muốn sưu tập ...

Aston Martin Cygnet

Sedan Thunderbird

Hình ảnh thương hiệu có ý nghĩa rất to lớn. Đặc biệt đối với người Mỹ, và đặc biệt là vào thập niên 1960. Bất kỳ học sinh nào ở Mỹ đều biết rằng Thunderbird phải là xe hai cửa. Tuy nhiên, vào năm 1967, ban lãnh đạo Ford đã quyết định tạo sự khác biệt tối đa giữa Thunderbird với mẫu xe Mustang và bổ sung thêm phiên bản bốn cửa cho Thunderbird. Thị trường đã tiếp nhận mẫu xe này một cách lạnh nhạt, đặc biệt vì khi đó Thunderbird phải cạnh tranh với mẫu sedan Lincoln. Bản sedan bốn cửa Thunderbird được sản xuất cho tới năm 1971, và chỉ bán được khoảng 75.000 chiếc xe (theo chuẩn của Mỹ những năm đó là ít), và rồi phiên bản 4 cửa này mãi mãi bị lãng quên.

Thunderbird 4 cửa

Porsche với xe 4 cửa

Porsche phải là xe 2 cửa! Đây là một chân lý trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 1967 đã xuất hiện chiếc Porsche 911 bốn cửa. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên này không diễn ra ở Stuttgart - người Đức không nghĩ đến điều này! Chiếc xe 4 cửa với một phiên bản duy nhất được lắp ráp tại Mỹ, sử dụng, sử dụng cửa sau là các cửa trước hoán cải. Chỉ hai thập kỷ sau, theo sáng kiến của Ulrich Betz, mẫu xe thử nghiệm Studio H50 dựa trên nền tảng chiếc 928 được chế tạo tại nhà máy ở Stuttgart với các cửa sau nhỏ mở ra phía trước...

Porsche Studio H50

Năm 1991, mẫu Porsche 989 cân đối được sản xuất, song người khởi xướng dự án, Ulrich Betz rời bỏ công ty và ban giám đốc Porsche đã quyết định rằng chiếc Porsche bốn cửa là một dự án nguy hiểm. Rõ ràng, họ đã đúng. Chỉ đến năm 2002, thị trường mới tiếp nhận nồng nhiệt chiếc Porsche Cayenne, tám năm sau công ty cho ra đời chiếc Panamera bốn cửa. Nếu họ quyết định thử nghiệm 10 năm trước - không biết điều gì sẽ xảy ra với Porsche.

Porsche 989

Fiat với nỗ lực chế tạo xe thể thao

Chế tạo các mẫu xe thể thao không phải lúc nào cũng đem lại lợi nhuận, song giúp nâng cao uy tín. Và tập đoàn Fiat, trong làn sóng tiêu thụ ôtô bùng nổ sau chiến tranh, năm 1952 đã giới thiệu mẫu xe 8V - một chiếc coupe lắp động cơ dung tích 2 lít, công suất 105 mã lực. Chiếc xe thể hiện không đến nỗi nào trong các cuộc đua tại Italy, song không thể thu hút nhiệt huyết của khách hàng, và không thể cạnh tranh với các đối thủ Ferrari và Alfa Romeo, dù sức mạnh động cơ được tăng lên 115, sau đó là 125 mã lực. Bán được 114 chiếc, năm 1954, FIAT 8V bị khai tử, và chủ đề xe thể thao chỉ quay trở lại năm 1966 với mẫu Dino.

Fiat 8V

Xe thể thao đầu tiên của Volvo

Mẫu xe thể thao đầu tiên của hãng Volvo cũng không thành công. Mẫu P1900, được giới thiệu năm 1954, là một mẫu roadster với động cơ sản xuất hàng loạt, song thân làm bằng chất liệu sợi thủy tinh thời trang. Năm 1955, 3 chiếc xe đầu tiên được gửi đến các đại lý. Những chiếc xe này có chức năng điểu khiến kém, đồng thời thân rung lắc mạnh khi vận hành. Năm 1956, khi người đứng đầu công ty và là nhà tư tưởng chính của Volvo P1900, Assara Gabrielson nghỉ hưu, xếp mới của Volvo Gunar Engelau, đã chạy thử một chiếc roadster thể thao vào cuối tuần và ... ngay lập tức xóa xổ dự án. Tổng cộng 67 xe đã được sản xuất. Chỉ năm 1960, thế giới lại chứng kiến chiếc xe thể thao Volvo 1800, nhưng đó là một chiếc xe hoàn toàn khác, thành công hơn nhiều.

Volvo P1900

Speedster: thất bại của Opel

Opel Speedster - một ví dụ về các thử nghiệm chế tạo ôtô đầy rủi ro gần đây. Chiếc xe được giới báo chí ngưỡng mộ, lăng xê ầm ĩ về sự năng động và khả năng điều khiển. Khách hàng đánh giá mẫu roadster này một cách thận trọng hơn. Được gắn thương hiệu Opel và Vauxhall, trong giai đoạn 2001-2005, chỉ khoảng 7.000 chiếc xe như vậy xuất xưởng, sử dụng các động cơ 149, 203 và 220 mã lực - không đạt mục tiêu đề ra là 10.000 chiếc.

Opel Speedster

Renault với thiết kế xe lai

Một ví dụ khác của cuộc chơi mạo hiểm trong thế kỷ 21 là chiếc Renault Avantime "gây sốc" - được nhà chế tạo xe hơi Pháp giới thiệu năm 1999 và đưa vào sản xuất hàng loạt năm 2001. Patrick Le Quément, Giám đốc phụ trách thiết kế của công ty, muốn có một chiếc xe mà người xem phải “há hốc mồm” khi đi vòng quanh - sự kết hợp giữa một mẫu coupe với chiếc minivan 4 chỗ, cửa lớn không trụ mở theo quỹ đạo đặc biệt. Đến năm 2003, Renault chỉ bán được 8557 xe loại này. Patrick Le Quément làm việc tại Renault thêm 6 năm nữa, nhưng ông không thực hiện các thử nghiệm tương tự.

Renault Avantime

 (Theo Nghe nhìn Việt Nam).