Vỉa hè phải được lát bằng phẳng, bó vỉa dạng vát để đảm bảo an toàn

Hiểu chức năng vỉa hè mới có cách quản

Không phủ nhận các hoạt động kinh tế không chính thức trên vỉa hè tại các thành phố lớn đang gây mất trật tự đô thị, thế nhưng cấm đoán hoàn toàn lại là chuyện rất khó, vì là đó nhu cầu kiếm sống của một bộ phận không nhỏ dân nghèo. Vậy, cách tốt nhất là quy hoạch cụ thể địa điểm và thời gian được kinh doanh, còn đâu thì cấm.

Bốn chức năng cơ bản của hè phố

Vỉa hè nói chung chỉ có chức năng tách lối đi của người đi bộ khỏi lối đi của xe cộ, từ xe thô sơ đến xe cơ giới, để giao thông trên lòng đường được thuận lợi, an toàn hơn. Thế nhưng khi nó ở bên cạnh tuyến đường đô thị, kẹp giữa lòng đường và hai dãy nhà chạy dọc hai bên đường để hình thành đường phố thì gọi là “hè phố”. Lúc này nó có thêm nhiều chức năng khác ngoài chức năng cơ bản nói trên. Theo tôi, hè phố có 4 chức năng cơ bản gồm: Làm lối đi riêng cho người đi bộ; Chứa đựng hạ tầng ngầm đô thị (cấp thoát nước, điện, cáp quang...), kể cả kết nối hạ tầng với các ngôi nhà dọc phố; Cột chiếu sáng hè đường, cây xanh; Không gian đệm làm lối ra vào các ngôi nhà, cửa hàng dọc phố và không gian công cộng đô thị.

Ngoài ra, tại một số nơi, hè phố còn có thêm một chức năng phụ là làm không gian hoạt động của nền kinh tế không chính thức.

"Ở nước ta, nền kinh tế không chính thức khá mạnh, thậm chí có chuyên gia nghiên cứu cho biết là cung cấp đến một nửa số việc làm trong đô thị, nhất là cho những người nhập cư từ nông thôn ra, dưới dạng bán hàng rong, xe ôm, giúp việc nhà, bốc vác, xây dựng."

TS. Phạm Sĩ Liêm

Để phân cách rõ hè phố với mặt đường, hè phố phải cao hơn mặt đường. Hè phố phải đánh độ dốc từ mép nhà tới mép đường để thoát nước mưa. Đỉnh bó vỉa phải cao hơn mép phần đường xe chạy ít nhất là 12,5cm, tại các lối rẽ vào khu nhà ở phải cao 5-8cm và dùng bó vỉa dạng vát. Bề rộng một hè phố phải thống nhất, mép hè phố sát nhà phải thẳng, không được thòi ra thụt vào tùy tiện.

Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, mặt hè phố cần được lát bằng phẳng, các vật liệu chịu nước có độ chống mài mòn cao và độ nhám chống trơn trượt. Dọc hè phố có lối đi lát gạch đặc thù có khía để người mù có thể dò đường bằng gậy. Bó vỉa tại một số lối đi cần rất vát để tiện xe lăn người tàn tật lên xuống.

Trên các tuyến đường cấp đô thị, thường bố trí cầu vượt hoặc hầm đi bộ để người đi bộ có thể sang đường an toàn. Nên đặt thêm quầy bán hàng dọc hầm đi bộ và nhà vệ sinh công cộng hai đầu hầm. Như vậy việc mua bán vẫn có thể diễn ra khi thời tiết xấu, còn tình trạng vệ sinh, chiếu sáng và an ninh công cộng của hầm được đảm bảo suốt ngày đêm.

Đối với chức năng chứa đựng hạ tầng đô thị, khi dưới nền đường không có tuy nen và hào kỹ thuật thì không gian ngầm dưới hè phố là nơi chứa đựng nhiều hạ tầng như đường điện, đường cáp quang, đường ống cấp nước, cống thoát nước, để việc lắp đặt và sửa chữa ít ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Cơ quan quản lý hè đường cần có bản đồ (số hóa) đầy đủ về hệ thống ngầm đó để phục vụ việc cho phép đào bới hè đường khi cần thiết.

Lối vào các ngôi nhà cũng cần theo quy chuẩn xây dựng

Với lối ra vào các ngôi nhà và cửa hàng dọc phố, hè phố là không gian đệm giữa nền đường và các ngôi nhà, cửa hàng dọc phố, bảo đảm an toàn cho việc ra vào các nơi này. Tại những công trình có nhiều người ra vào như nhà cao tầng, trường học, không gian đệm này cần được mở rộng đến mức cần thiết, tức là chỉ giới xây dựng phải lùi vào so với lộ giới.

Đối với chức năng làm lối đi riêng cho người đi bộ, theo tiêu chuẩn thiết kế hè phố được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07: 2010/BXD. Chiều rộng tối thiểu của hè phố như sau:

Khi hè phố thực hiện chức năng lối ra vào, lại nảy sinh vấn đề chỗ đỗ các loại xe đạp, xe máy trên hè phố. Nếu trong phạm vi khoảng 5 phút đi bộ gần đó không có chỗ gửi xe, việc cho phép xe đỗ trên hè phố là cần thiết, vấn đề là phải bố trí việc đỗ tạm đó như thế nào cho có trật tự, không cản trở việc đi lại của người đi bộ.

Theo kinh nghiệm của Đài Loan, cách mép đường một đoạn bằng chiều dài của xe người ta đặt một thanh sắt dọc phố cách mặt đất khoảng 30cm để ngăn xe không được vào sâu hơn, mỗi xe có một ô đỗ riêng. Khi hè phố quá hẹp thì xe đỗ chéo để bớt chiếm dụng vỉa hè.

Đối với không gian công cộng đô thị, hè phố là nơi mọi người có thể lui tới, nhìn ngắm người qua lại, hẹn hò gặp gỡ nhau hoặc đi lại tản bộ trò chuyện, tóm lại là không gian công cộng đô thị rất có giá trị, giúp người dân đô thị tăng “cảm nhận cộng đồng”, “cảm nhận quy thuộc” khách vãng lai có được “cảm nhận nơi chốn”.

Mong đường phố nước ta sớm trở thành đối tượng của thiết kế đô thị. Ở một nước nhiệt đới như Việt Nam, các nhà dọc phố cần có mái hiên để che mưa nắng cho người đi bộ và thuận lợi cho kinh doanh của các cửa hàng khi thời tiết xấu. Việc thống nhất độ cao và chiều rộng mái hiên để đảm bảo mỹ quan đô thị còn quan trọng hơn việc thống nhất biển hiệu cửa hàng như đã làm trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.

Là không gian công cộng, dọc phố cần bố trí nhà vệ sinh công cộng ở nơi thích hợp và đặt các thùng đựng rác. Ở những nơi thuận tiện có thể đặt thêm ghế cho người già hay trẻ nhỏ nghỉ chân. Để tăng tính hấp dẫn cho hè phố, ở những nơi đông khách du lịch có thể bố trí một số công trình nghệ thuật đường phố như: Graffiti, ghép gốm, điêu khắc...

Đối với không gian hoạt động của nền kinh tế không chính thức trong đô thị, Việt Nam nền kinh tế không chính thức khá mạnh, thậm chí có chuyên gia nghiên cứu cho biết là cung cấp đến một nửa số việc làm trong đô thị, nhất là cho những người nhập cư từ nông thôn ra, dưới dạng bán hàng rong, xe ôm, giúp việc nhà, bốc vác, xây dựng... Nhiều hoạt động kinh tế không chính thức như vậy cần có không gian thuận tiện và rẻ tiền, đó là hè phố. Hiển nhiên các hoạt động này mang lại tình trạng mất trật tự và xả rác hè phố, thế nhưng cấm đoán là rất khó, vì là đó nhu cầu kiếm sống của một bộ phận không nhỏ người dân. Vậy, cách tốt nhất là chỉ cho họ bán ở đâu, vào giờ giấc nào mà thôi.

Quản hè phố thế nào?

Quản lý hè phố bao gồm quản lý cơ sở vật chất của hè phố, kể cả hạ tầng ngầm và quản lý các hoạt động trên hè phố. Trung Quốc đúc kết được quy tắc vàng: “Ba phần xây dựng, bảy phần quản lý”. Thực vậy, công trình xây dựng ra mà không bỏ nhiều công sức tiền của để quản lý thì hiệu quả, tính năng kỹ thuật, tuổi thọ kinh tế sẽ rất kém cỏi. Thế nhưng, ở nước ta lại ngược lại, “bảy phần xây dựng, ba phần quản lý”, đó là vì chính quyền chỉ coi trọng thành tích xây dựng.

Để quản lý hè phố tốt, phải có phương thức quản lý đúng và tổ chức quản lý phù hợp. Về phương thức quản lý, có hai quy tắc rất quan trọng sau đây: Thứ nhất là quy tắc 3i, gồm information (thông tin), incentive (khuyến khích) và interdiction (cấm đoán). Tức là khi chính quyền đưa ra chủ trương mới, trước tiên phải công bố rộng rãi, tiếp theo là tạo điều kiện cho người dân thực hiện theo chủ trương đó, rồi sau cùng mới là cấm đoán hành vi vi phạm. Còn thứ hai là “chỉ tiến hành cấm đoán khi chi phí cho việc cấm đoán thấp hơn lợi ích mà việc cấm đoán đó đem lại”. Nhiều thất bại trong quản lý hè phố chỉ là do không tôn trọng các quy tắc này.

Lập riêng công ty khai thác, quản lý vỉa hè?

Ở những tuyến đường có vỉa hè rộng và không gần các điểm đen giao thông, có thể cho thuê vỉa hè,  tạo điều kiện cho người dân thêm thu nhập, Nhà nước có thêm nguồn thu.

Công khai cho thuê vỉa hè

Theo tôi, tại các TP lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, đối với một số vỉa hè và đường phố rộng, có thể tạo điều kiện cho phép để xe. Các điểm này cũng không được gần các điểm đen giao thông. Có vạch sơn kẻ đàng hoàng, quy định diện tích cụ thể được phép cho thuê, còn lại để cho người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông khác.

Ở một số nước tôi biết, họ cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng. Ở nước ta, lâu nay tại các TP lớn có khai thác, cho thuê vỉa hè, nhưng tiền đi đâu hết, chứ có vào ngân sách TP đâu. Việc này cần được siết chặt lại,vỉa hè là tài sản quốc gia, không thể quản lý lỏng lẻo, thất thoát như vậy. Giá cũng phải quản lý chặt, không “chặt chém”, cũng không quá rẻ mạt. Nếu ta có những chính sách nhất quán, rõ ràng và cụ thể, tôi tin vấn đề vỉa hè sẽ không còn nóng nữa.

"Về chuyện cho thuê vỉa hè lâu nay thực ra cũng đã thực hiện, nhưng tiền đi đâu không ai biết, quản lý rất lỏng lẻo. Ở một số nước tôi biết, họ cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng”.

TS. Nguyễn Xuân Thủy

Nhưng nói thật, tôi cũng lo việc cho thuê vỉa hè sẽ lại bị tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” bởi lẽ, Hà Nội và các TP lớn có nhiều ngõ ngách nhỏ, ta chỉ có thể giải quyết được các tuyến phố lớn, còn trong ngõ ngách rất khó giải quyết. 50% vẫn còn tiêu cực. Nhưng theo tôi như thế cũng đã là thành công.

Các lực lượng cũng phải kiểm tra thường xuyên, không thể làm vài tháng rồi thôi. Toàn TP phải ra quân trách nhiệm, không được làm theo kiểu thành tích.

Việc cho thuê vỉa hè phải có quy chế, chế tài cụ thể và kiểm tra thường xuyên. Dứt khoát phải có một công ty riêng để quản lý. Công ty này có thể mang tên Công ty Khai thác vỉa hè, chịu trách nhiệm trước TP về việc này. Người được thuê vỉa hè không được phép cho thuê lại, đặc biệt là không được tăng giá để “chặt chém” người dân. Giá cho thuê không cần giá trần hay giá sàn, chỉ cần một mức giá cụ thể và có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm. Giá được công bố công khai cho người dân biết để tránh tiêu cực. Giám đốc công ty quản lý, khai thác vỉa hè phải chịu trách nhiệm trước TP. Nếu làm kém phải bị cách chức.

Đất vàng để xây nhà, lấy đâu chỗ cho giao thông

Hè phố chứng gang tay như thế này làm sao đi bộ?

Tôi khẳng định, vỉa hè để dành cho người đi bộ. Luật GTĐB cũng đã thể hiện rõ như vậy. Nói vui đây là chân lý rồi, không thể khác được. Lâu nay chúng ta bê trễ, làm không đúng luật và có sự châm chước quá mức nên vỉa hè bị biến thành nơi để xe, buôn bán. Chính điều này gây ra TNGT và ùn tắc giao thông, chứ không phải chỉ mất cảnh quan. Nay ta phải sửa sai, và phải giải phóng vỉa hè bằng mọi cách là cần thiết.

Hiện nay, giao thông tĩnh chỉ đảm đương được khoảng 7%. Hà Nội và TP.HCM không có một gara để ô tô hiện đại nào, mới chỉ có những gara “vớ vẩn” bằng thép chứa được vài chục xe. Tôi đi nước ngoài thấy những gara ô tô mấy chục tầng, có thể chứa được cả trăm xe ô tô một lúc. Như vậy, mới có thể đảm đương được nhiệm vụ. Lâu nay ta không có những chính sách, biện pháp khuyến khích thu hút các nhà đầu tư bãi đỗ xe và các hệ thống giao thông tĩnh... Hà Nội và TP.HCM, chỉ dành những mảnh đất vàng cho xây nhà cao tầng, siêu thị mà quên đi việc xây dựng các bãi đỗ xe.

Do bãi đỗ xe ô tô ít như vậy nên ta mới phải dành một phần lòng đường, vỉa hè tương đối rộng để xe và tạo thuận điều kiện cho người dân buôn bán. Việc kẻ vạch sơn trên vỉa hè là đúng. Tuy nhiên, nhiều đoạn vỉa hè đã được vẽ những vạch sơn quá bé, chủ yếu cho để xe máy, còn người đi bộ không thể đi được. Tôi lấy ví dụ như vỉa hè ở cổng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) và nhiều tuyến đường khác nữa.

Về giải pháp, theo tôi, hai TP phải có những chính sách quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông tĩnh lâu dài, chỉn chu để người dân có nơi để xe thuận lợi. Từ trước đến nay, cả hai TP này kêu rất nhiều nhưng không có chính sách thực hiện. Đối với những tổ chức, cá nhân đầu tư bãi để xe và hệ thống giao thông tĩnh, cần giảm thuế, giảm lãi suất và những ưu đãi khác nữa. Như vậy mới có thể thu hút được đầu tư.

Tôi biết từ trước đến nay cũng có những chính sách ưu đãi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn, thậm chí giấu nhẹm chính sách. Cần có chính sách rõ ràng, dứt khoát và được kiểm soát bởi Chính phủ để đến được với người dân và nhà đầu tư. Cần xây dựng hệ thống gara, bãi đỗ xe quy mô lớn đáp ứng nhu cầu chỗ đỗ xe cho người dân. Bên cạnh đó, quy hoạch nơi kinh doanh bán hàng cho người dân bằng các chợ tạm để phục vụ cho người khó khăn lâu nay sống nhờ vỉa hè.

Theo Báo Giao thông