Cà Mau là tỉnh cuối cùng cực Nam Tổ quốc, với đặc thù là tỉnh sông nước, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh phát triển vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 220,04 km (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quản lộ Phụng Hiệp, Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh); 11 tuyến đường tỉnh, chiều dài 284,7km, đường huyện 634 km, đường đô thị 228 km và 3.863 km đường nông thôn.
Thời gian qua, việc xây dựng nhà, cất lều quán, trồng cây lâu năm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, họp chợ diễn ra khá phổ biến, những hành vi trên có nguy cơ làm phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, làm giảm hiệu quả khai thác chung của kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, gây mất an toàn giao thông. Qua công tác điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh có 3.419 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đây là một thách thức lớn đối với tỉnh Cà Mau trong công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.
Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 3067/QĐ-BGTVT ngày 11/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sở GTVT tỉnh Cà Mau tham mưu UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 16/9/2015 về việc thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục, phối hợp với các cơ quan báo, đài đã thường xuyên đưa tin về các vi phạm lòng đường, hè phố, cảnh báo tìm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường lấn chiếm bị che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện hơn 2.812 cuộc vận động, phát 1.774 tờ rơi đến các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đồng thời buộc các hộ vi phạm cam kết trong vòng 30 ngày phải tự giác tháo dỡ, di dời công trình: lều, quán, mái che, bảng hiệu, nhóm chợ trái phép,...ra khỏi phạm vi hành lang giao thông đường bộ. Qua công tác tuyên truyền, vận động có 1.812 trường hợp tự giác tháo dỡ, di dời.
Về công tác cưỡng chế, tháo dỡ, UBND các huyện, thành phố Cà Mau đều thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, trong đó lực lượng Thanh tra GTVT làm nòng cốt. Tổ liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp không tự giác tháo dỡ, di dời. Sau khi hết thời hạn cam kết (30 ngày) đã tiến hành tháo dỡ 1.607 trường hợp vi phạm, chủ yếu là nhà tạm cây gỗ địa phương, mái che, hàng rào,...đến nay còn tồn đọng 46 trường hợp, tỉnh chỉ đạo sẽ xử lý quyết dứt điểm trước Tết Nguyên đán 2019 (thành phố Cà Mau: 35 trường hợp, huyện Thới Bình: 02 trường hợp, huyện Ngọc Hiển; 06 trường hợp, huyện Năm Căn: 01 trường hợp, huyện Đầm Dơi: 02 trường hợp).
Sau khi giải tỏa xong, tiến hành bàn giao hồ sơ, biên bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, kiên quyết không để tái chiếm. Sau khi bàn giao địa bàn, Tổ công tác liên ngành tổ chức hậu kiểm, nhìn chung các địa phương quản lý khá tốt địa bàn, chưa phát hiện các trường hợp tái chiếm sau giải tỏa.
Đạt được kết quả trên là do, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý, quản lý hành lang an toàn đường bộ; Công tác tuyên truyền, giáo dục đã phát huy hiệu quả khá tốt, điển hình là qua công tác tuyên truyền, vận động có 1.812 trường hợp tự giác tháo dỡ, di dời; Sự đồng thuận của người dân trong công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, thể hiện qua công tác cưỡng chế tháo dỡ không có trường hợp nào chống đối cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, ý thức bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn thấp, tâm lý muốn ở gần mặt đường để buôn bán nên dẫn đến tình trạng tái chiếm thường xuyên, nhất là khi thiếu vắng lực lượng chức năng; Khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng không kiên quyết yêu cầu những hộ đã nhận tiền phải tháo dỡ, di dời, nên xảy ra tình trạng tiền bồi thường đã chi trả xong, nhưng mặt bằng vẫn chưa giải tỏa được. Việc cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới chưa rõ ràng, nhất là các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, dẫn đến người dân còn ngộ nhận vấn đề này, nên chưa có sự thống nhất về phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ. Một số địa phương thiếu quan tâm trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, vẫn còn tâm lý nễ nang, ngại va chạm, nên đến nay còn tồn tại 46 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Nhiều địa phương còn tâm lý chủ quan, cho rằng việc vi phạm cất mái che, công trình tạm trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là không ảnh hưởng gì đến công tác quản lý, khi nào nhà nước cần thì người dân sẽ tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, nên nhiều vi phạm trên địa bàn kéo dài. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều tuyến đường chưa bồi thường phần đất hành lang an toàn đường bộ, do đó các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ chưa xử lý được, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ thực hiện được công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Cà Mau rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là:
Một là, cắm đầy đủ các mốc “phạm vi đã được giải tỏa”, “đất của đường bộ”, “hành lang an toàn đường bộ”, “chỉ giới xây dựng”, để bàn giao chính quyền địa phương quản lý. Kinh nghiệm đã qua cho thấy nơi nào cắm mốc đầy đủ, bàn giao cho địa phương rõ ràng, nơi đó ít có trường hợp vi phạm.
Hai là, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, thực tiễn đã qua cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, nơi đó không có hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Ba là, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp từ công tác tuyên truyền, vận động đến công tác cưỡng chế thi hành.
Bốn là, việc giám sát, quản lý hành lang an toàn giao thông được duy trì thực hiện thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 944/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau dự toán hơn 3.500 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường đất hành lang an toàn đường bộ, nhưng đến nay chưa có kinh phí để thực hiện. Vấn đề này tỉnh Cà Mau tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đề xuất với Chính phủ về giải pháp kinh phí tổ chức thực hiện./.
Khánh Ngọc