Dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường nhưng siêu xe lại là phân khúc mang đến nhiều cảm xúc nhất, kể cả với những người không bao giờ có cơ hội sở hữu những kiệt tác cơ khí như vậy. Nếu liệt kê ra thì chúng ta cũng có thể kể đến hàng trăm siêu xe, từ những cái tên lừng lẫy nhất cho đến những ngôi sao xa lạ. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ còn cao hơn nữa nếu như nhiều dự án supercar không bị hủy bỏ một cách đáng tiếc. 

 Nói là đáng tiếc là bởi chúng đã cho thấy sự đột phá, khác biệt của mình và chỉ trực chờ để lên dây chuyền sản xuất và rồi tỏa sáng trên các cung đường. Nếu liệt kê hết ra, số lượng những siêu xe "chết yểu" như vậy là rất lớn. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm lại một số cái tên nổi bật nhất. 

1. Chevrolet Aerovette (1969)

Với mục tiêu biến Corvette thành một siêu xe mang động cơ đặt giữa, Aerovette đã được lên ý tưởng bởi Zora Arkus-Duntov – cha đẻ của những chiếc Corvette. Một trong những điểm nổi bật nhất của Aerovette khi đó chính là cặp động cơ  rotary, giúp cho siêu xe này không chỉ nhẹ mà còn đầy sức mạnh.

  Tuy nhiên, tập đoàn mẹ của Chevy là GM khi đó cho rằng một chiếc xe thể thao với động cơ đặt trước sẽ có chi phí thấp và hiệu năng tốt hơn. Cũng phải nói thêm rằng trong thời kỳ đó, những chiếc xe mid-engine nhập khẩu vào Mỹ có doanh số thua xa những model front-engine. Và thế là dự án Aerovette đã bị hủy bỏ. 

2. Ford GT70 (1970)

Thập niên 60 của thế kỷ trước chứng kiến sự thống trị của Ford trên đường đua Le Mans với chiếc GT40 đình đám. Nhưng với GT70, hãng này muốn tạo nên một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Được định hướng để trở thành một siêu xe đường trường, Cỗ máy V8 của GT40 đã được thay thế bằng những khối động cơ nhỏ hơn.

 Đó là máy 4 xi-lanh 1,6 lít của chiếc Escort RS và máy V6 của model Capri RS2600. Tay đua rally Roger Clark đã trực tiếp lái thử chiếc xe này và tham gia vào cuộc đua Ronde Cevenole 1971 tại Pháp. Nhưng độ tin cậy không cao đã khiến cho Ford không gặt hái thành công tại giải đấu này. Cũng vì lý do này, chương trình GT70 cũng chính thức khép lại sau khi 6 nguyên mẫu đã được tạo ra. 

3. Monteverdi Hai (1970)

Monteverdi là một ông chủ ga-ra đến từ Thụy Sỹ từng giành được một số thành công với các model High Speed. Với mong muốn thử sức hơn nữa, ông đã nảy ra ý tưởng về siêu xe Hai nhằm cạnh tranh với Lamborghini Miura. Trái tim của Hai là khối động cơ Hemi V8 7,3 lít của Chrysler, sản sinh công suất lên tới 450 mã lực.

 Nhờ đó, siêu xe này có thể tăng tốc từ 0-97km/h chỉ sau 5,5 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 282km/h. Đây đều là những con số không tưởng ở thời kỳ đó. Đáng buồn là những vấn đề liên quan tới chi phí và sự phức tạp của quá trình sản xuất hàng loạt đã khiến cho tham vọng của Monteverdi bị chặn đứng. 2 nguyên mẫu đã ra đời và chiếc xe xuất hiện tại triển lãm Geneva vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

4. Aston Martin Bulldog (1979)

Bulldog là một dự án siêu xe được thường xuyên được nhắc tới của Aston Martin. Bởi lẽ, chiếc xe này cho thấy sự đặc biệt về nhiều mặt, không chỉ là thiết kế ngoại thất góc cạnh, nội thất kết hợp giữa phong cách truyền thống và công nghệ hiện đại mà còn ở hiệu năng của thế kỷ 21. Ban đầu, hãng xe thể thao của người Anh dự tính sản xuất 25 chiếc Bulldog. Mỗi chiếc được cung cấp sức mạnh từ khối động cơ V8 5,3 lít tăng áp kép cho công suất lên tới 600 mã lực.

 Aston Martin tuyên bố siêu xe này có thể đạt tới vận tốc hơn 380km/h. Dù vậy, khi Victor Gauntlett lên nắm quyền chủ tịch vào năm 1981, dự án Bulldog đã bị chấm dứt đầy tiếc nuối. Chiếc Bulldog duy nhất được tạo ra đã được bán sau đó với giá 130.000 Bảng và vẫn thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện dành cho xế cổ.

5. Yamaha OX99-11 (1992)

Yamaha đã có không ít lần thử sức với xe hơi và OX99-11 là một trong số đó. Đây là một thành quả được đúc kết từ khi hãng này tham gia môi trường F1 kể từ năm 1989 với vai trò là một nhà cung ứng. Siêu xe này sở hữu thiết kế đậm chất đường đua với cách bố trí ghế lái ở chính giữa – tương tự như huyền thoại McLaren F1 của giai đoạn đó. 

Nhưng thay vì hai ghế dành cho hành khách ở phía sau như siêu xe Anh quốc, OX99-11 lại chỉ có một ghế dành cho ‘kép phụ’ ở ngay phía sau ghế lái. Một điểm nhấn khác của chiếc xe là khối động cơ V12 3,5 lít mạnh 400 mã lực và có vòng tua máy lên tới 10.000vòng/phút. Nhưng những trục trặc với đối tác kỹ thuật IAD cũng như khủng hoảng tài chính đã khiến Yamaha buộc phải dừng dự án thú vị này. 

Đột phá về thiết kế và sở hữu hiệu năng vận hành cực "đỉnh", nhưng nhiều hypercar đã bị khai tử do các lý do liên quan tới kinh tế và chiến lược kinh doanh của các hãng.

6. Lamborghini Cala (1995)

Được thiết kế bởi ItalDesign, Lamborghini Cala được định là một model ‘entry-level’ nằm bên dưới Diablo. Bản thiết kế ban đầu đã được chấp thuận bởi Chrysler – tập đoàn mẹ của Lamborghini khi đó và sau là Megatech. Thậm chí, siêu xe có ngoại hình vô cùng dễ thương này còn trình diện tại triển lãm Geneva 1995 dưới dạng concept. Thế nhưng, khi về tay tập đoàn Volkswagen, nó đã bị khước từ một cách phũ phàng và được thay thế bằng dự án Gallardo.

 Nguyên nhân được đưa ra là vì VW muốn một siêu xe mạnh mẽ, ấn tượng hơn và có dẫn động 4 bánh. Và kết quả là chúng ta đã được chứng kiến một ‘chú bò’ thành công bậc nhất trong lịch sử của thương hiệu siêu xe nước Ý. Mà nếu mọi chuyện không diễn ra như vậy, chắc hẳn VW sẽ hứng chịu vô vàn chỉ trích vì đã loại bỏ Cala để chọn Gallardo. 

7. Zagato Raptor (1996)

 Zagato Raptor được thiết kế để trở thành siêu xe thay thế cho Lamborghini Diablo với nền tảng chính là chiếc xe mang logo bò chiến. Thế nên, model này vẫn mang trên mình khối động cơ V12 6,0 lít mạnh 492 mã lực. Với bộ mui ‘bong bóng kép’ đã trở thành một đặc trưng trong thiết kế của Zagato, Raptor đã thu hút rất nhiều sự chú ý tại triển lãm Geneva 1996. Vậy mà Lamborghini lại không mấy ấn tượng và quyết định nói không với siêu phẩm này. Theo tìm hiểu, nguyên mẫu duy nhất của Zagato Raptor đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân vào năm 2000. 

8. Volkswagen W12 (1997)

Trong lịch sử của mình, VW đã có đôi lần tạo nên những làn gió mới lạ với ý đồ lấn sân sang phân khúc siêu xe. Khởi đầu là với model W12 Syncro vào năm 1997 rồi đến W12 Roadster một năm sau đó trước khi kết thúc bằng W12 Nardo trong năm 2001. Cả ba đều dùng chung cỗ máy W12 với mẫu Continental GT của Bentley cũng như dòng sedan cao cấp Phaeton.

Nếu như hai bản concept đầu tiên sở hữu sức mạnh 414 mã lực thì trên W12 Nardo, khối động cơ 12 xi-lanh nói trên sản sinh công suất lên tới 591 mã lực. Với nguồn năng lượng này, siêu xe ý tưởng của VW chỉ cần 3,5 giây để tăng tốc từ 0-100km/h trước khi đạt tốc độ tối đa 357km/h. Dù chỉ dừng ở giai đoạn concept dự án này đặt nền móng cho một siêu xe đình đám của VW là Bugatti Veyron, trong đó bao gồm cỗ máy W16. 

9. TVR Speed 12 (1997)

Được thiết kế để trở thành một chiếc xe đua GT1 cạnh tranh với các cây đại thụ như Porsche và Mercedes, TVR Speed 12 (Project 7/12) sở hữu khối động cơ V12 7,7 lít mạnh tới 675 mã lực. Không những vậy, dự án này còn bao gồm việc phát triển một phiên bản dành cho đường phố. Mọi thứ khá suôn sẻ khi đã có một vài khách hàng đặt trước siêu xe của TVR. 

Khi đó, giá bán cho mỗi chiếc Speed 12 là 188.000 Bảng, đi kèm với đó là mức công suất lên tới 960 mã lực do không bị hạn chế bởi các quy định dành cho xe đua. Nhưng thật kỳ lạ là sau đó, hãng xe thể thao đến từ xứ sở sương mù đã trả lại các khoản tiền mà khách hàng đã đặt cọc. Theo chia sẻ của Peter Wheeler – ông chủ của TVR khi đó, nguồn sức mạnh của Speed 12 là quá lớn và không phù hợp để lưu thông trên đường. 

10. Cadillac Sixteen (2003)

Cái tên Sixteen có lẽ bắt nguồn từ khối động cơ V16 có dung tích 13,2 lít. Theo tuyên bố từ nhà sản xuất, siêu xe này mạnh tới 1000 mã lực. Toàn bộ nguồn năng lượng này được truyền tới bánh sau thông qua hộp số tự động 4 cấp. Nhưng ngoài tập trung vào sức mạnh, Cadillac cũng không quên tối ưu khả năng tiết kiệm nhiên liệu của chiếc xe với công nghệ ngắt xi-lanh. 

 Cụ thể, khi di chuyển ở tốc độ hành trình, "quả tim sắt" khổng lồ nêu trên chỉ còn hoạt động với 4 xi-lanh. Dù được đánh giá là một bom tấn đích thực nhưng chương trình phát triển Sixteen đã vướng phải rào cản lớn đối với chi phí của chính cỗ máy này. Như một lẽ tất yếu, nó đã không thể đi đến giai đoạn cuối cùng là lên dây chuyền sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, nhiều thuộc tính thiết kế của Sixteen đã được kế thừa trên các model về sau của Cadillac. 

11. Chrysler ME 4-12 (2004)

ME 4-12 là một siêu xe concept được Chrysler giới thiệu tại triển lãm Detroit 2004. Chiếc xe được phát triển trên bệ khung gầm bằng sợi các-bon, sử dụng cỗ máy V12 tăng áp mạnh tới 850 mã lực do Mercedes-Benz cung cấp. Với một nền tảng như vậy, ME 4-12 có thể tăng tốc từ 0-100km/h chỉ sau 2,9 giây trước khi đạt tốc độ tối đa gần 400km/h. Với thông số như vậy, siêu xe của Chrysler dư sức thiết lập các kỷ lục trong thế giới xe hơi ở thời điểm đó. 

Ông lớn trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ tỏ ra rất nghiêm túc và dự tính đưa siêu xe này đi vào sản xuất. Thế nhưng, tình hình tài chính không đảm bảo, đồng thời Chrysler không phải là một tên tuổi uy tín trong phân khúc supercar nên ME 4-12 mãi chỉ là một chiếc xe ý tưởng. 

12. Maybach Exelero (2005)

Hãng sản xuất lốp xe đã  tiếp cận tập đoàn mẹ của Maybach để tìm kiếm một chiếc xe đủ khả năng nhằm thử nghiệm bộ lốp hiệu suất cao của mình. Từ đó, ý tưởng hình thành nên siêu xe Exelero đã ra đời. Cụ thể, model này được thiết kế để di chuyển ở vận tốc 350km/h. Để thực hiện điều đó, Maybach đã trang bị cho Exelero khối động cơ V12 5,9 lít tăng áp kép có công suất 690 mã lực.
Và mong muốn của Fulda đã được đáp ứng khi siêu xe này có thể tăng tốc từ 0-100km/h trong vòng 4,4 giây. Vận tốc tối đa đạt hơn 350km/h. Sau tất cả, nó mãi là một chiếc xe độc nhất thay vì được sản xuất đại trà. Hiện Maybach Exelero đang thuộc quyền sở hữu của Mechatronik – một thương hiệu chuyên phục chế những chiếc xe của Mercedes-Benz. 

 Theo Nghe nhìn Việt Nam