Kỳ 2: Mobileye - kẻ vô danh hay người khổng lồ?

Một xe lắp đặt thiết bị Mobileye

Cái tên Mobileye không xa lạ với bất kỳ ai trong cộng đồng start-up (khởi nghiệp) trên thế giới. Năm 2017, Tập đoàn chuyên sản xuất chip vi xử lý Intel của Mỹ đã mua lại Mobileye với mức giá kỷ lục 15,3 tỷ USD, gây chấn động trong “làng công nghệ” thế giới. Một số tiền khổng lồ cho một cái tên còn khá xa lạ với nhiều người. Người ta đặt câu hỏi: Mobileye là gì? Tại sao Intel phải “nghiến răng” thâu tóm Mobileye?

Mobileye là ai?

Các công nghệ tiên phong về xe tự lái mà Mobileye nắm giữ chính là lý do khiến start-up này trở thành một đối tác quan trọng của các hãng xe hàng đầu thế giới. Tất nhiên, sự kiện này cũng được coi là một “tiêu điểm” để các start-up Việt Nam soi vào như hình mẫu khởi nghiệp thành công.

Khởi thủy của Mobileye là công ty có trụ sở tại Jerusalem (Israel), được thành lập năm 1999, cha đẻ là ông Ziv Aviram và Giáo sư Amnon Shashua thuộc Trường Đại học Hebrew ở Jerusalem, chuyên về các giải pháp công nghệ hỗ trợ thị giác ứng dụng trên ô tô nhằm cảnh báo va chạm sớm, tăng sự an toàn cho người lái xe. Bước phát triển tiếp theo của Mobileye chính là công nghệ thông minh dành cho xe tự lái. Sau vài năm, doanh thu của Mobileye tăng vùn vụt theo cấp số nhân, từ 40 triệu USD năm 2012 lên 358 triệu USD năm 2016, chính con số này khiến Intel buộc phải hành động. Mua lại Mobileye thể hiện tham vọng của người khổng lồ Intel, trong bối cảnh hãng đang tỏ ra chậm bước hơn so với các đối thủ khác trong lĩnh vực xe tự lái đầy tiềm năng. Hệ thống Mobileye EyeQ thế hệ 5 sẽ không chỉ là "mắt thần" của ô tô mà còn hơn thế nữa, nó là bộ não. Tham gia vào lĩnh vực ô tô thông minh, hãng công nghệ Intel có khả năng truy cập vào khối lượng dữ diệu khổng lồ liên quan đến giao thông. Đây cũng chính là một “mỏ vàng”, có giá trị then chốt, lợi thế dẫn đầu trong hiện tại và tương lai mà Intel hướng đến.

Hợp tác chiến lược giữa Thiên Minh Autosafety và Mobileye

Là đơn vị độc quyền phân phối thiết bị Mobileye-Intel tại Việt Nam, Giám đốc Công ty Thiên Minh Autosafety Trần Thế Minh cho biết: “Hiện tại, Thiên Minh Autosafety cung cấp hai nhóm sản phẩm chính, một là những dòng sản phẩm hỗ trợ và nâng cao khả năng lái xe tiên tiến nhất trên thế giới là Hi-End Performance ADAS, hai là phân khúc những dòng sản phẩm hỗ trợ lái xe an toàn, có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho khách hàng. Sản phẩm công nghệ này không chỉ giúp giảm thiểu TNGT, hạn chế thiệt hại về con người và tài sản mà còn giúp thay đổi văn hóa lái xe khi tham gia giao thông, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn tại Việt Nam”.

Thừa nhận chưa hài lòng với mức giá sản phẩm được phân phối và bán tại Việt Nam khoảng 600 USD (gần 13 triệu đồng), ông Minh chỉ ra nguyên nhân giá cao và mức độ tiếp cận thiết bị của chủ xe còn khá thấp do mức thuế nhập khẩu thiết bị lên tới 20%. Từ đó, ông kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, có chính sách giảm thuế nhập khẩu thiết bị này do đây là sản phẩm công nghệ có ích cho xã hội, tính thực tiễn và hiệu quả cao, được nhiều nước áp dụng (một số nước trợ giá thiết bị cho người mua khoảng 400 USD trên giá bán 750 USD, hoặc các công ty bảo hiểm giới thiệu sản phẩm,  hỗ trợ một phần khi chủ xe mua do tính năng hạn chế, giảm thiểu TNGT, giảm bớt được các vụ đền bù xe va chạm). “Mobilye - Intel đã cam kết hỗ trợ giảm giá thành sản phẩm phù hợp hơn nữa mức tiêu dùng của người dân Việt Nam và đẩy mạnh chuyển giao, hợp tác mở rộng các kênh phân phối sản phẩm Mobileye chính hãng tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; hướng đến hợp tác cùng các công ty logistics và các công ty bảo hiểm”, ông Minh khẳng định.

Đến thời điểm này, tổng số lượng xe ô tô tham gia giao thông của cả nước đạt khoảng 4 triệu chiếc. Do đó, việc giới thiệu ứng dụng các công nghệ thông minh như Mobileye sẽ là giải pháp khả quan và bền vững để ngăn ngừa và hạn chế TNGT tại Việt Nam, thực hiện được mục tiêu đề ra của Chính phủ. Ông Amer Subhi - Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Mobileye khẳng định: “Không chỉ đem lại giải pháp cho giao thông tại Việt Nam, công nghệ chống đâm va Mobileye còn là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa khi giúp quản trị rủi ro, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại do các vụ TNGT, tăng hiệu quả về tài chính, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm xã hội đối với ATGT của toàn xã hội và đội ngũ lái xe của chính doanh nghiệp”.

 Công nghệ - giải pháp tối ưu ngăn ngừa tai nạn

Theo con số thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đã gặt hái được kết quả rất ấn tượng với sức mua tăng trưởng hơn 20% so với năm 2018. Lượng ô tô mới tiêu thụ trong tháng 6/2019 từ các thành viên VAMA và doanh nghiệp ngoài VAMA (trừ Hyundai Thành Công) đạt hơn 27.500 xe, tăng 19% so tháng 6/2018. Tổng số xe tiêu thụ lũy kế trong 6 tháng đạt gần 154.300 xe, tăng hơn 27.000 xe so cùng kỳ năm ngoái, tăng 21,2%. Hyundai Thành Công cũng thông báo số tiêu thụ xe trong tháng 6/2019 đạt gần 6.600 chiếc, lũy kế trong 6 tháng năm 2019 đạt hơn 35.700 xe. Như vậy, thị trường ô tô Việt Nam qua 6 tháng đạt xấp xỉ 190.000 xe. Với kết quả này, có thể thấy mức độ tăng trưởng của thị trường ô tô rất nhanh và chắc chắn sẽ vượt mốc 300.000 xe vào cuối năm nay, đưa Việt Nam vào Top 5 thị trường ô tô lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Cảnh báo va chạm sớm của thiết bị Mobileye

Tại Việt Nam, công nghệ Hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Những xe đang lưu hành có tích hợp sẵn hệ thống cảnh báo va chạm trên thị trường đều mang thương hiệu của các hãng ô tô hàng đầu thế giới. Nhu cầu xe ô tô trong nước vẫn tiếp tục tăng, đi kèm với đó là những lo ngại về mất ATGT, bởi vậy các sản phẩm cảnh báo nguy hiểm, hỗ trợ lái xe như ADAS sẽ được chào đón. Nếu giải quyết được bài toán mức giá hợp lý và có những điều chỉnh công nghệ thích hợp, ADAS - trong đó có Mobileye sẽ khai mở được một thị trường tiềm năng. Hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo va chạm của Mobieye đang được nghiên cứu, thử nghiệm hoàn thiện tại Nhà máy Thaco Bus (thuộc Công ty ô tô Trường Hải) và Samco. Mức giá cao của phương tiện tích hợp sẵn hệ thống an toàn này khiến nhiều lái xe chưa thể tiếp cận. Trong khi đó, nhiều lái xe sử dụng các dòng xe phổ thông chưa thật sự hiểu hết mức độ cần thiết của hệ thống hỗ trợ người lái để trang bị thêm cho xe ô tô.

Cách đây hai năm, tại Hội nghị quốc tế về Giao thông khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ XII và Hội nghị ATGT Việt Nam 2017 với chủ đề “Tầm nhìn và chương trình hành động hướng đến hệ thống giao thông an toàn, xanh và tích hợp” tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 18/9/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã nhấn mạnh: “Hạn chế TNGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành cũng như việc chọn lựa những giải pháp tối ưu, bền vững là cần thiết để phát triển GTVT trong khu vực Đông Á, góp phần bảo đảm sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để giảm thiểu các tiêu chí về TNGT hằng năm từ 5 - 10%, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT nghiêm trọng”. Có thể thấy, việc giới thiệu và ứng dụng các công nghệ thông minh như Mobileye sẽ là giải pháp tối ưu và bền vững để ngăn ngừa và hạn chế TNGT tại Việt Nam hiện nay, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra của Chính phủ..

Ông Amer Subhi nhận xét: "Khi đi trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tôi thấy các xe thường lắp đặt hệ thống giám sát hành trình. Lái xe cho biết, việc ghi lại diễn biến trên đường nhằm giúp họ chứng minh mình không vi phạm luật giao thông trong các vụ tai nạn. Tuy nhiên phải hiểu rằng, yếu tố con người là nguyên nhân chính dẫn tới hầu hết các vụ tai nạn. Vì thế, cần phải lắp đặt hệ thống cảnh báo giúp lái xe không mắc lỗi mới ngăn chặn hiệu quả các vụ tai nạn có thể xảy ra".

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Mobileye - Intel là hệ thống được phát triển và ứng dụng trong thực tiễn hàng chục năm nay tại các quốc gia phát triển, trở thành một thiết bị được trang bị trên những dòng xe cao cấp. Trong quá trình sử dụng, thiết bị này đã chứng minh được hiệu quả khi hoạt động, nâng cao an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác. Ở các nước châu Âu, Mỹ, các dòng xe đắt tiền đều được trang bị sẵn thiết bị này một cách bắt buộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam và các thị trường đang phát triển hiện nay, thiết bị này mới chỉ được coi là một lựa chọn chứ không đòi hỏi tính bắt buộc phải đồng bộ theo xe.

Khi khoa học công nghệ được nâng cao, thiết bị này được hãng nghiên cứu phát triển ngày càng hoàn thiện, phát huy các tính năng cảnh báo, giúp nâng cao ATGT, vì vậy việc ứng dụng công nghệ của thiết bị trên phương tiện là hết sức cần thiết. “Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước qua việc tìm kiếm, đưa vào thị trường những thiết bị công nghệ mới nhằm nâng cao tính an toàn trong giao thông, điển hình như Công ty Thiên Minh Autosafe. Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô quan tâm, giới thiệu và đưa hệ thống có chức năng nâng cao an toàn được tích hợp vào phương tiện”, ông Hùng bày tỏ.

Một số sản phẩm của Mobiley

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên ứng dụng, sử dụng công nghệ mới, hữu ích vào Việt Nam. Theo đó, có thể xem xét ưu tiên về thuế hoặc kết hợp một số chính sách ưu đãi khác như phương tiện lắp đặt thiết bị này sẽ được ưu đãi giảm giá, ưu đãi phí bảo hiểm… giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận, sử dụng được thiết bị. Hiện nay, chính sách thuế nhập khẩu đối với loại thiết bị này còn cao khiến giá thành trên thị trường chưa thật sự hấp dẫn đối với đại bộ phận người tiêu dùng trong nước.

Bảo đảm ATGT là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Trong những năm qua, Việt Nam đã kiềm chế được TNGT nhưng chưa thật bền vững, số người chết vẫn ở mức cao. Tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thiệt hại do TNGT đối với nền kinh tế khoảng 3% GDP/năm, có nghĩa là mỗi năm TNGT ở Việt Nam gây tổn thất gần 115.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 300 tỷ đồng/ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó nguyên nhân chính là lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, chưa chấp hành quy định về ATGT.

6 tính năng nổi bật của thiết bị Mobileye

 1. Phát hiện biển báo giới hạn tốc độ: Mắt thần Mobileye phát hiện ra các loại biển báo giới hạn tốc độ và phát cảnh báo bằng âm thanh cũng như hình ảnh nếu xe đang đi với tốc độ vi phạm.

2. Giám sát khoảng cách với phương tiện phía trước: Việc giám sát được tính bằng giây (có thể do chủ xe tự hiệu chỉnh). Khi khoảng cách với đuôi xe phía trước trở nên không an toàn và dễ đâm va, thiết bị sẽ phát ra cảnh báo nhằm ngăn ngừa TNGT có thể xảy ra.

3. Hệ thống tự động điều chỉnh đèn pha, cos khi đi ban đêm giúp không gây lóa mắt đối với các phương tiện đi ngược chiều.

4. Hệ thống cảnh báo chệch làn đường: Cảnh báo mỗi khi lái xe lơ là hoặc khó nhận ra vạch phân làn khiến xe đi chệch làn đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.

5. Cảnh báo nguy cơ đâm va với xe phía trước: Có thể đưa ra cảnh báo đâm va sớm đến 2,7 giây giúp tài xế có đủ thời gian để xử lý nhằm tránh tai nạn, bảo đảm ATGT.

6. Phát hiện người đi bộ, xe đạp: Hệ thống mắt thần luôn quét theo dõi người đi bộ, xe đạp có nguy cơ đâm va trước 02 giây, giúp lái xe có đủ thời gian xử lý.

 Amer Subhi
Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Mobileye

Theo tapchigiaothong.vn