Một chiếc xe máy gỗ chạy bằng dầu tảo? Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng ý tưởng này giờ đây không còn quá xa vời, khi mà tảo đã được sử dụng để tạo ra mọi thứ từ “giày thân thiện môi trường” tới bóng đèn sống hấp thụ CO2. Người ta thậm chí còn xây hẳn một nhà máy phát điện từ tảo tại thành phố Hamburg của Đức!
Nhà thiết kế người Hà Lan Ritsert Mans và nhà khoa học Peter Mooij đã tạo ra một chiếc xe máy gỗ chạy bằng dầu tảo để nâng cao nhận thức về nguồn năng lượng chưa được nhiều người biết đến này.
“Với mỗi bộ phận của chiếc xe, tôi đều tìm kiếm xem thiên nhiên có thể cung cấp loại vật liệu gì,” Mans nói. Anh và cộng sự đã lấy gỗ để làm khung và nhíp xe, bấc để làm bộ giảm chấn, và dùng sợi gai dầu để gia cường.
Cả hai đều thích thú với việc cho mọi người thấy dầu tảo biển có thể trở thành một nguồn năng lượng tiềm năng cho tương lai như thế nào. Và thế là họ đã nuôi trồng tảo trong nước muối, tách lấy nhiên liệu, sau đó làm một chiếc xe máy gỗ chạy bằng thứ dầu kia, rồi thử nghiệm mô hình trên bãi biển.
Mans đã so sánh thử nghiệm của mình với thời đại tiên phong những năm 1900. Khi đó, mọi người còn chưa có chút khái niệm gì về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Còn giờ đây hàng triệu người đang chung tay đầu tư vào các năng lượng mới, mang đến hy vọng về năng lượng tái tạo và những tiến bộ nhảy vọt sẽ thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Liệu chiếc xe này có chạy được không?
“Người ta không biết ngành giao thông vận tải và nguồn năng lượng mà thế giới sử dụng sẽ biến đổi thế nào trong 30 năm tới,” Mans nói, “nhưng chính sự không chắc chắn đó cho phép mọi người thai nghén và phát triển những ý tưởng của riêng mình.”
“Mặc dù phần động cơ nhìn có vẻ tương phản với những bộ phận còn lại làm từ gỗ, nhưng thực ra nó làm hoàn toàn từ vật liệu composite, với toàn bộ các sợi định hướng được lấy từ tự nhiên,” anh cho biết.
Vài nét về nhiên liệu sinh học sản xuất từ tảo
Nhiên liệu sinh học sản xuất từ tảo đã được các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 1978-1996. Dự án kéo dài 18 năm của họ tập trung nghiên cứu loại tảo với hàm lượng dầu cao, có khả năng chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học.
Tại thời điểm dự án bị dừng lại, tảo không thể cạnh tranh nổi với dầu mỏ vì giá thành cao. Tuy nhiên, sự tăng vọt của giá dầu và những tiến bộ của công nghệ sinh học trong vài thập kỷ qua đã tái khởi động lại cuộc đua nhiên liệu sinh học từ tảo.
Đối với các nhà khoa học hiện nay, thách thức lớn nhất là cải tiến việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo càng nhanh càng tốt, và làm sao để giảm giá thành sản xuất xuống thấp hơn 60 USD một thùng, vốn là giá của một thùng dầu thô hiện nay.
Quá trình sản xuất dầu tảo
Quá trình tách dầu từ tảo về cơ bản cũng tương tự như các loại nhiên liệu sinh học khác. Tuy nhiên, tảo không cần sử dụng đất đai nông nghiệp và có thể cho ra sản lượng vượt xa các nguồn năng lượng tái tạo khác. Ví dụ, sản lượng dầu tảo tạo ra cao hơn đậu nành từ 10-200% (sản lượng dầu đậu nành vào khoảng 110L/1000m2). Tảo còn sinh sôi rất nhanh trong điều kiện phù hợp. Nó cũng không độc, có thể phân hủy tự nhiên và sống trong nước sạch, nước mặn hoặc nước thải.
Tảo được nuôi trồng, sau đó được xử lý đặc biệt để tách riêng chất béo. Chất béo này cuối cùng được chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học.
Vì trồng tảo không cần sử dụng đất nông nghiệp nên người ta có thể tận dụng những mảnh đất cằn cỗi khó trồng trọt để phát triển thành nơi nuôi trồng tảo. Theo tính toán của các nhà khoa học Mỹ, sản lượng nhiên liệu sinh học nó tạo ra có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu nhập khẩu và nguồn từ các cây trồng khác. Từ đó diện tích đất canh tác để trồng các cây cung cấp nhiên liệu sinh học có thể được chuyển đổi thành đất canh tác lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, nhược điểm của việc nuôi trồng tảo trên quy mô lớn để sản xuất nhiêu liệu sinh học là tốn nước, tốn chất dinh dưỡng và tốn tiền đầu tư.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ có những ưu đãi cho nhiên liệu sinh học từ tảo, tương tự như đối với ngành công nghiệp ethanol trước đây. Và nếu các bạn nghi ngờ việc tảo có thể là tương lai của nhiên liệu sinh học, bạn có thể sẽ cảm thấy thú vị khi biết BP, Chevron và ExxonMobil đều đã đầu tư vào tảo. Riêng Exxon đã chi ra 600 triệu đô la cho công tác nghiên cứu nguồn năng lượng tương lai này.
Theo Bizlive