Camera giám sát giao thông trên QL1 Nam Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Linh
Tại Nghị quyết 12/2019 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước. Đây được xem là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa tăng hiệu quả xử phạt giao thông, vừa nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân…
Riêng lẻ, thiếu kết nối
Ông Trần Trọng Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Biển Bạc - đơn vị chuyên về giám sát giao thông cho biết, hiện mỗi dự án camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông do từng đơn vị cá thể triển khai, chỉ mang tính đơn lẻ và không có tiêu chuẩn chung nên không kết nối được với nhau.
Phát biểu trong cuộc họp gần đây tại Tổng cục Đường bộ VN, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, nhiều nơi đã nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ bằng việc bỏ ra nhiều tỷ đồng lắp camera tại các nơi công cộng, bến xe, các điểm nhạy cảm về ANTT để quản lý. Chúng ta có thể bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để làm đường, tại sao không dám bỏ ra vài nghìn tỷ đồng trang bị hệ thống camera để giám sát toàn bộ hoạt động, tình trạng của hệ thống đường bộ. Việc này tốn không nhiều tiền nhưng toàn bộ hệ thống cầu đường sẽ được giám sát, khi có sự cố sẽ xử lý kịp thời.
Dẫn chứng một số dự án, ông Vinh cho biết, năm 2010 ngành Công an có dự án giám sát xử lý vi phạm giao thông tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng do Tây Ban Nha tài trợ. Sau đó là dự án B7 được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trên QL1 với 40 camera xử lý vi phạm giao thông. Tiếp đó là dự án C67 được triển khai trên QL1 đoạn Hà Nam - Hà Tĩnh hay như dự án trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây công nghệ Nhật Bản. Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ có tới 3 đơn vị cùng cung cấp thiết bị, công nghệ. Một dự án khác của ngành Giao thông là dự án trên tuyến Hà Nội - Lào Cai đã phải tháo dỡ thiết bị do không tìm được cơ chế đầu tư.
“Có những dự án tổng mức đầu tư hàng trăm ty đồng, gần 10 năm chưa tiêu hết tiền hoặc có dự án khởi động 5 năm chưa triển khai được”, ông Vinh nói và khẳng định: “Những dự án này chúng ta chưa làm chủ được công nghệ, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý vi phạm bằng hình ảnh. Do không thống nhất về công nghệ nên các hệ thống này rời rạc, không kết nối được với nhau để sử dụng chung, đơn vị nào đầu tư chỉ dùng hệ thống của đơn vị đó, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế hoàn vốn cho nhà đầu tư”.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc khối giao thông, Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho biết, từ trước đến nay, trở ngại lớn nhất của hệ thống giám sát giao thông bằng camera là đường truyền, vì đây là hình ảnh được truyền theo thời gian thực nên dữ liệu lớn, muốn làm được việc này đòi hỏi phải có hệ thống cáp quang. Tuy nhiên, cáp quang tính linh hoạt thấp, chi phí lớn nên khó khả thi.
“Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đầu tiên được triển khai thí điểm theo mô hình xã hội hóa. FPT đã ứng trước toàn bộ kinh phí lắp đặt, đã hoàn thiện dự án. Trong hơn 3 năm vận hành thí điểm, FPT nhiều lần đề xuất các cơ chế hoàn vốn khác nhau cho dự án như trích một phần từ nguồn thu phí sử dụng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ, trích từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông nhưng đều không thực hiện được. Vì vậy, FPT phải dừng thí điểm, tháo dỡ thiết bị”, ông Thắng cho biết thêm.
Camera giám sát trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Tạ Tôn
Cần dự án tổng thể hệ thống camera quy mô quốc gia
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, do Chính phủ vừa giao Bộ Công an lập đề án nên hiện tại chưa thể thông tin gì. Tương tự, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, đến nay cục cũng chưa nhận được văn bản chính thức nên cũng chưa thể thông tin.
Cho rằng khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp công khai minh bạch, giảm tiêu cực trên đường, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, kinh nghiệm từ tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho thấy, ngay cả xe biển xanh, biển đỏ vi phạm cũng không “xin” được vì dữ liệu vi phạm đã được lưu trên hệ thống, nhiều cấp kiểm soát, không còn tình trạng “gọi điện thoại cho người thân”.
“Muốn áp dụng công nghệ giảm được tiêu cực, các phần mềm giám sát xử lý vi phạm cần được kiểm định về tính bảo mật thông tin, tránh sự can thiệp của con người vào quá trình tự động hóa, lập biên bản”, ông Thắng nói.
Một vướng mắc khác được ông Thắng chỉ ra là tiêu chuẩn cơ sở về hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm giao thông đã được Bộ Công an ban hành từ năm 2009, đến nay đã 10 năm. “Nếu áp dụng công nghệ điện toán đám mây, hệ thống camera trong cả nước sẽ giải quyết được bài toán xử lý tập trung hay xử lý phân tán và kết nối được hàng nghìn camera”, ông Thắng nói.
“Cần nghiên cứu để khi vi phạm được phát hiện bằng máy móc, với sự tương thích của hành lang pháp lý, việc xử phạt được khả thi. Một kẽ hở điển hình là quy định hiện nay chỉ phạt người điều khiển phương tiện, cũng giống như câu chuyện xe chính chủ hay không chính chủ. Khi phạt nguội cần có quy định nếu phương tiện nào vi phạm thì chủ xe phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau đó mới đến lái xe”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, cơ sở dữ liệu về hạ tầng, đăng kiểm, người lái của ngành Giao thông và dữ liệu về xử phạt vi phạm, tai nạn, đăng ký phương tiện cần được kết nối liên thông. Khi có vi phạm, chỉ cần một thao tác, lực lượng CSGT sẽ biết được chủ phương tiện, lịch sử vi phạm thế nào, có GPLX hay chưa.
Nhận định việc phạt nguội qua camera có nhiều ưu điểm trong đảm bảo ATGT, giảm bớt CSGT trên đường, công khai minh bạch và nâng cao ý thức người tham gia giao thông, ông Trần Trọng Vinh đề xuất: “Cần có tiêu chuẩn thiết kế tổng thể chung, quy mô quốc gia để từ đó đưa ra tiêu chuẩn công nghệ cụ thể, cũng như thống nhất đầu tư đối với các dự án thành phần. Bên cạnh đó, cũng cần có trung tâm điều hành tổng thể quốc gia và phải được kết nối với trung tâm của Chính phủ điện tử. Về cơ chế thu hút tư nhân, nên theo hình thức thuê dịch vụ CNTT đã được Chính phủ chỉ đạo”.
“Khi đầu tư đảm bảo ATGT nói chung và hệ thống camera giám sát nói riêng, chúng ta không nên tính toán bỏ ra 1 đồng phải thu lãi bao nhiêu mà cần tính đến lợi ích kinh tế ở tầm vĩ mô, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại gần 3% GDP do TNGT, vì vậy những nhà làm chính sách cần tư duy theo hướng để giảm 1 người chết hay bị thương vì TNGT thì sẽ giảm thiệt hại về mặt kinh tế, giảm gánh nặng xã hội. Chúng ta chỉ cần trích 1% GDP để giảm tỷ lệ TNGT xuống 50% con số hàng năm sẽ giảm được chi phí cho xã hội. Bên cạnh đó, DN cũng giảm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do ùn tắc giao thông”, ông Vinh nói thêm.
Đề cập lợi ích khi có hệ thống camera giám sát, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc lắp camera giám sát đánh trực tiếp vào ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện, tính răn đe cao, dù trên đường có CSGT hay không. Ngoài xử lý vi phạm giao thông, hệ thống còn phục vụ đảm bảo ANTT, an toàn xã hội.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, một hệ thống camera giám sát phụ thuộc nhiều vào quy mô đầu tư và yêu cầu của công nghệ nên phải có khảo sát, đánh giá mới biết được phải đầu tư thế nào. Về mặt chính sách, khi ứng dụng công nghệ sẽ rà soát sửa đổi một số cơ chế pháp luật để việc ứng dụng công nghệ không những khả thi về mặt kỹ thuật mà còn khả thi về mặt KT-XH, đem lại hiệu quả cho DN, xã hội và cơ quan quản lý.
Giải thích băn khoăn về đường truyền, lãnh đạo tổng cục cho rằng, đến nay công nghệ không còn là rào cản, có thể khắc phục được nhược điểm này bằng công nghệ mạng truyền dẫn sóng di động 5G với tốc độ truyền tải dữ liệu cao mà Viettel sẽ triển khai trong năm 2019. Khi công nghệ 5G được triển khai đảm bảo dù camera lắp bất kỳ đâu vẫn có thể kết nối được hệ thống xử lý trung tâm nên hoàn toàn có tính khả thi cao.
TP HCM: Sẽ lắp thêm camera ở các cửa ngõ
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện nay, hệ thống camera giám sát giao thông ở TP HCM rất hiệu quả, tuy nhiên TP mới chỉ có 762 camera ở trung tâm điều hành giao thông thông minh, chủ yếu điều khiển từ xa tại các chốt đèn tín hiệu. Sắp tới,TP sẽ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, triển khai camera ở cửa ngõ, các tuyến đường để kiểm soát xe ra vào đường cấm, giờ cấm, một số khu vực dừng đỗ không đúng quy định, khu vực nguy cơ TNGT… Theo ông Lâm, hiệu quả nhất của hệ thống camera hiện nay phải kể đến việc xử phạt Chèn vào bàitốc độ qua hầm sông Sài Gòn, cảng Cát Lái, Phú Mỹ và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Thông qua hệ thống camera, người điều khiển có thể điều chỉnh tín hiệu giao thông cho phù hợp, cung cấp thông tin giao thông, xử phạt nguội qua hình ảnh gửi đến người vi phạm.
Đỗ Loan
Hà Tĩnh: Ý thức người tham gia giao thông nâng cao nhờ camera
Nhiều trường hợp bị phạt nguội qua camera tới trụ sở Phòng CSGT Hà Tĩnh để làm thủ tục nộp phạt - Ảnh: Sỹ Hòa
Sáng 25/2, PV Báo Giao thông có mặt tại Đội Xử lý, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh. Theo ghi nhận, chỉ trong khoảng 5 phút, có hàng chục trường hợp vi phạm giao thông bị camera giám sát ghi lại được đến xử lý.
Ông Đặng Quang Quyết (SN 1964, trú ở phường Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, ông đưa xe đi đăng kiểm thì nhận được thông báo của trung tâm đăng kiểm là xe vi phạm giao thông. Sau khi xem lại hình ảnh, ông Quyết đã thừa nhận 7 lần vi phạm tốc độ do camera giám sát ghi lại được và đồng ý nộp phạt với số tiền lên đến 6,7 triệu đồng.
“Với hình ảnh camera lưu lại thì tôi thấy việc xử phạt minh bạch, công khai và dân chủ hơn. Tôi cũng nhận thức được hành vi vi phạm của mình để lần sau không tái phạm nữa”, ông Quyết nói.
Đại úy Diệp Xuân Quyền, Đội trưởng Đội Xử lý, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hệ thống camera giám sát giao thông ở Hà Tĩnh được lắp đặt và đưa vào sử dụng giữa tháng 7/2017. Đến nay, trên 100km của QL1 đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh có 12 vị trí lắp đặt camera giám sát các lỗi: tốc độ, phần đường, làn đường, tín hiệu đèn… Hiện, có 2 hình thức xử lý thông qua hệ thống camera giám sát: Các đội tuần tra trên đường sẽ xử lý trực tiếp thông qua hình ảnh kết nối với máy tính bảng cầm tay; trường hợp nào chưa xử lý thì tổ xử lý ở phòng máy chủ sẽ lọc và gửi thông báo, yêu cầu chủ phương tiện đến Phòng CSGT Hà Tĩnh làm việc. Từ tháng 7/2017 đến nay, đội đã gửi hơn 60.000 thông báo về cho các chủ phương tiện vi phạm bị camera phát hiện. Trong đó có khoảng hơn 1/3 số đã đến Phòng CSGT để làm thủ tục xử lý.
Cũng theo Đại úy Quyền, kể từ khi hệ thống camera xử lý nguội hoạt động ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia được nâng cao. TNGT địa bàn Hà Tĩnh từ 2017 đến nay giảm cả 3 tiêu chí so với thời kỳ trước khi lắp đặt camera.
Theo Báo Giao Thông