Toàn cảnh buổi tọa đàm

Nhiều ý kiến tâm huyết của đoàn viên thanh niên Sở GTVT TP.HCM đã được lãnh đạo Sở ghi nhận, tiếp thu nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP.

Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT TP.HCM, để phát triển vận tải hành khách công cộng phải hạn chế xe cá nhân. Quan điểm của thành phố là không cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân mà phải phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng tốt lên.

Bí thư đoàn thanh niên cơ quan Sở GTVT Trần Quyết Thắng nêu ý kiến: Để hạn chế xe cá nhân, nên tìm hiểu kỹ, lấy ý kiến cộng đồng. Hiện nay, việc quy hoạch bãi xe buýt chưa được quan tâm. Cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt tại các cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị. Cùng đó, nên tạo các bãi giữ xe gắn máy ở các cửa ngõ của TP; đồng thời khuyến khích sử dụng thẻ xe buýt, hành khách đi càng nhiều thì càng được giảm giá… Hiện nay, dù đã tổ chức được tuyến vận tải đường thủy nhưng chưa có sự đồng bộ kết nối giữa đường bộ và đường thủy.

Trong khi đó, đại diện đoàn thanh niên của Cảng vụ Đường thủy nội địa TP cho rằng, vấn đề cần quan tâm là xây dựng chất lượng xe buýt. “Có lần đi tuyến buýt 14 tôi thấy rất nhếch nhác, tài xế gác 2 chân hút thuốc khi xe chuẩn bị xuất bến”, vị này chia sẻ và cho rằng, thực tế nhiều xe buýt chạy lấn làn, ép xe 2 bánh, gặp đâu rước khách đó đã và đang tạo ấn tượng xấu với người dân.

Bí thư đoàn Khu quản lý đường thủy nội địa Nguyễn Thị Thanh Nga nêu ý kiến

Bí thư đoàn Khu quản lý đường thủy nội địa Nguyễn Thị Thanh Nga cho hay, nỗi sợ lớn nhất của xe buýt là trễ giờ. Chị Nga lấy ví dụ, bản thân đi xe buýt từ nhà đến cơ quan phải mất gần 2 giờ, trong khi đi xe máy chỉ mất hơn 30 phút. Do đó, theo nữ bí thư đoàn, sử dụng xe máy là giải pháp tối ưu. Theo chị, ở nước ngoài, sử dụng xe buýt có thể nghỉ ngơi hay đọc sách còn ở TP có rất nhiều áp lực, thậm chí có tình trạng quấy rối, móc túi...

Cán bộ, nhân viên Sở sẽ đi xe buýt

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP HCM cho biết: Song song với việc cần cải thiện chất lượng xe, thái độ phục vụ, việc chậm giờ… thì vấn đề về quy hoạch giao thông, hạ tầng bến bãi cho xe buýt TP cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như đã có quy hoạch bến bãi với diện tích 80ha, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 30ha cho xe buýt, trong đó có 46 bến bố trí ở lòng lề đường…

Về phương tiện, Đề án đầu tư thay mới 1.680 xe buýt đã được gia hạn đến năm 2020. Đến thời điểm này, xe buýt TP đã thay mới được hơn 1.200 xe, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 2.500 xe. Nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho hành khách, hơn 1.400 camera đã được gắn trên các xe buýt để truyền dữ liệu về Trung tâm. Vừa qua, vé điện tử đã được đưa vào sử dụng trên tuyến buýt 86. Trong năm nay, sẽ có 17 tuyến buýt sử dụng loại vé này. Đặc biệt, TP đang làm làn ưu tiên cho xe buýt ở đường Điện Biên Phủ và đường Võ Thị Sáu, sắp tới sẽ triển khai ở QL22…

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT TP.HCM phát biểu

Ông Trần Quang Lâm thông tin, hiện nay TP đang có khoảng 8,7 triệu phương tiện cá nhân bao gồm cả ô tô và xe máy, trong đó xe máy chiếm tới 91%. Hàng năm, lượng ô tô tăng khoảng 13%, xe máy tăng 7%. Trong khi đó, dân số TP HCM tiếp tục tăng khoảng 200 nghìn người/năm. Giao thông công cộng hiện nay chiếm khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân TP (trong đó, xe buýt chiếm 5%, còn lại là xe taxi, xe trung chuyển, phương tiện thủy). Mục tiêu đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân đi xe công cộng sẽ là 11,2%, năm 2020 là 15% và xe buýt phủ hết các tuyến đường trước năm 2030 rất khó khăn. Trong khi đó các tuyến metro sẽ về đích trễ.

Theo ông Lâm, để kéo người dân đi xe công cộng, giảm phương tiện cá nhân chỉ có giải pháp nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng.

“Tới đây, mỗi tuần, cán bộ, nhân viên thuộc ngành giao thông TP sẽ phải đi xe buýt ít nhất 2 lần, đoàn viên thanh niên đi ít nhất 3 lần và sẽ có phần mềm kiểm soát. Đi để trải nghiệm thực tế, tuyên truyền và tiếp tục có những ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục cải thiện, đổi mới, nâng cao chất lượng VTHKCC”, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.

Theo baogiaothong.vn