Songdo - Thành phố tương lai của Hàn Quốc

Với 10 triệu công dân nội thành và 25 triệu người sinh sống tại vùng đô thị, Seoul có mật độ dân số lớn gấp đôi TP. New York (Mỹ) và chiếm đến 50% toàn bộ dân số Hàn Quốc. Quá trình đô thị hóa rộng lớn này đã thách thức chính quyền thành phố liên tục cải thiện hệ thống giao thông công cộng cũng như kiểm soát xe cá nhân. Số hóa chính là công cụ đắc lực không chỉ để tăng tính tiện lợi mà còn là phương tiện để cải thiện sự an toàn và tích hợp giao thông với các khía cạnh khác trong cuộc sống của người dân thành phố. Vậy Seoul đã làm điều đó như thế nào?

Đầu tiên phải nói tới hệ thống tàu điện ngầm của Seoul. Hệ thống này được thiết kế để dự đoán các tắc nghẽn trước khi chúng xảy ra. Các camera thông minh sẽ đo lường số lượng hành khách lên tàu và tốc độ di chuyển lên tàu của hành khách. Các dữ liệu này sẽ là cơ sở để điều chỉnh tốc độ và tần suất chạy tàu theo thời gian thực, làm giảm sự mất cân bằng cung - cầu. Là một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất thế giới, hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul vận chuyển hơn 7 triệu người mỗi ngày, nên việc tinh chỉnh tàu theo thời gian thực có tác động rất lớn. Bên cạnh đó, các camera cảm biến còn có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện bộ phận nào có vấn đề để bảo trì kịp thời, qua đó tránh được sự cố. Ngoài ra, hệ thống tàu điện ngầm Seoul được trang bị wifi tốc độ cao miễn phí và theo thống kê của Văn phòng Giao thông vận tải (TOPIS) thì ước tính có tới 77% điện thoại thông minh ở Seoul tham gia kết nối.

Trên mặt đất, TOPIS thu thập dữ liệu từ các con đường trong thành phố để xác định các vấn đề hiện hữu như tai nạn, sửa đường…, từ đó đưa ra các phương án kịp thời nhằm ngăn chặn tắc nghẽn ngay từ ban đầu. Hơn 800 camera giao thông CCTV hoạt động trên toàn thành phố và nếu xảy ra tai nạn, hệ thống sẽ chụp ảnh và đăng lên Twitter, cung cấp cho người dân các tuyến đường thay thế hoặc định hướng người tham gia giao thông chuyển từ đi ô tô sang các loại hình giao thông công cộng như tàu điện ngầm hoặc xe buýt.

Chính quyền Seoul cũng dựa vào dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ cao để tối ưu hóa các dịch vụ xe buýt. Công ty viễn thông KT COrporation đã tham gia vào xây dựng một hệ thống xe buýt thông minh nhằm giải quyết vấn đề chi phí đắt đỏ khi di chuyển vào ban đêm. Công ty có nhiệm vụ phân tích dữ liệu vị trí của 3 tỷ cuộc gọi được thực hiện vào ban đêm trong tháng 3/2013, đánh dấu các địa chỉ từ đó suy ra xu hướng di chuyển của người dân. Dựa vào xu hướng di chuyển cũng như dữ liệu phân tích về việc đi taxi, chính quyền Seoul đã hoàn thiện 9 tuyến xe buýt tối ưu và giới thiệu hệ thống “Xe buýt cú đêm” hoạt động từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng, với giá 1.850 won/vé (tương đương 36.000 đồng). Đối với những người đi làm và sinh viên thu nhập thấp, đây là một lựa chọn rẻ hơn đáng kể so với đi taxi, chi phí khoảng 8.000 won (khoảng 158.000 đồng).

Tàu điện ngầm ở Seoul

Về lâu dài, Chính quyền Seoul đã đặt một mục tiêu khá táo bạo. Hệ thống xe buýt Seoul là một cuộc cách mạng trong thử nghiệm công nghệ xe điện trực tuyến OLEV. Xe buýt điện được sạc không dây bằng chính những con đường chúng đi qua. Dây cáp điện được lắp đặt dưới đường, các cảm biến trên xe và mặt đường đảm bảo rằng không có năng lượng nào bị rò rỉ khi không có xe trên đường. Được phát triển lần đầu tiên vào năm 2010, TP. Seoul vẫn đang nỗ lực nâng cao hiệu quả và giảm chi phí để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này, bất chấp sự tồn tại của câu hỏi liệu OLEV có khả thi về mặt kinh tế hay không khi phải cải tạo lại toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, có lẽ mục tiêu lâu dài của Chính quyền TP. Seoul được thấy rõ nhất trong khoản đầu tư 35 tỷ USD để xây dựng một thành phố thông minh mang tính biểu tượng mang tên Khu thành phố Quốc tế Songdo. Dự án Songdo sẽ loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về ô tô và hướng người dân đến những phương thức giao thông công cộng.

Mặc dù phát triển các sáng kiến kỹ thuật số là quan trọng, song nhiều chuyên gia cảnh báo chính quyền TP. Seoul cần đầu tư hơn vào các biện pháp kiểm soát, bảo vệ, chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, bởi thành phố càng trở nên số hóa và tập trung dữ liệu thì nguy cơ tội phạm mạng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu sẽ ngày càng cao

Theo Tạp chí GTVT