Mức phạt đã được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với hành vi dán decal thay đổi biển số, theo nhiều người vẫn còn quá nhẹ

Tiếp tục với vụ việc liên quan đến hành vi “phù phép”, “hô biến” biển số ô tô bằng decal đang xôn xao trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về giao thông. Ngày 27.1.2021, sau bài phản ảnh về những vụ việc nghi “phù phép” biển số ô tô, Báo Thanh Niên tiếp tục phản ảnh qua bài viết “Vụ ‘hô biến’ biển số ô tô bằng decal: Xử phạt ra sao?”.

Theo đó, bài viết đề cập ý kiến của lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM, cho biết về khung hình phạt đối với hành vi dùng decal thay đổi biển số. Cụ thể, mức phạt đã được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Điểm c Khoản 3 Điều 16 nêu rõ, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô và các loại tương tự ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số không rõ chữ, số, biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng, sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc).

Ngoài ra, cũng căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không thực hiện đúng quy định về biển số.

Nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến cho rằng, mức phạt với hành vi dán decal thay đổi biển số như hiện tại chưa mạnh và chưa có sức răn đe

Tuy nhiên, sau khi xem qua mức phạt nói trên, nhiều bạn đọc đã tỏ ra không hài lòng vì cho rằng mức phạt này quá nhẹ đối với hành vi ngang nhiên thay đổi biển số. Tài khoản Chiến Còi bình luận: “Xử phạt 800.000 – 1.000.000 đồng thì chưa đủ sức răn đe”. Đồng quan điểm, bạn đọc Trung Thu nhận định “Chế tài quá nhẹ!”.

Trong khi đó, nhiều bạn đọc cho rằng những trường hợp sử dụng decal thay đổi biển số ô tô thường có ý đồ xấu và không tôn trọng pháp luật, vì vậy cần đề xuất nên tăng hình phạt. Bạn đọc Robin viết: “Chỉ những chủ xe, tài xế có suy nghĩ sẽ làm việc gian dối, sẵn sàng vi phạm pháp luật nhưng sợ mất tiền phạt mới làm vậy”. Một bạn đọc khác cũng bày tỏi: “Tôi đề nghị xử lý theo hướng: xe biển số giả, hoặc tự ý thay đổi số... là xe bất hợp pháp”. “Phạt nặng cỡ nồng độ cồn xem có dám không?”

Luật sư nói gì?

Trước những ý kiến của đa phần bạn đọc, cho rằng mức phạt đang được áp dụng với hành vi dùng decal thay đổi biển số ô tô là quá nhẹ. Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát - TP.HCM).

Theo luật sư Phát, mức xử phạt như hiện nay đã là khá cao so với hậu quả của hành vi vi phạm. Vì vậy, không thể tùy tiện đề xuất tăng mức xử phạt lên. “Đây cũng chỉ là những hành vi nhỏ lẻ trong xã hội. Hơn nữa, cũng là trách nhiệm của lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông trong quá trình tuần tra kiểm soát. Cần tiếp tục trang bị hơn nữa công cụ, máy móc hiện đại để kịp thời giám sát toàn bộ các xe ô tô tham gia giao thông. Tạo ra ngân hàng dữ liệu để quản lí chúng. Nếu chúng ta biết xây dựng dữ liệu, thì việc quản lý xe không chỉ là dựa vào biển số, mà nó còn là màu sơn, là tem đăng kiểm...”, luật sư Phát nhấn mạnh.

Theo luật sư Lê Trung Phát, việc kiểm soát phương tiện giao thông không chỉ đơn thuần dựa vào biển số mà còn liên quan đến màu sơn, tem đăng kiểm,...

Bên cạnh đó, trước ý kiến của bạn đọc cho rằng nhiều trường hợp ô tô gây tai nạn sẽ dễ dàng trốn thoát nếu thay đổi thông tin trên biển số, luật sư Phát cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận khách quan. “Thực tế là phần lớn ô tô được “hô biến” biển số với mục đích tránh bị dừng xe phạt nguội do lỗi trước đó. Chứ ít ai nghĩ đến việc “phù phép” biển số nhằm bỏ trốn sau khi gây tai nạn”.

Cũng theo luật sư Phát, với trường hợp ô tô thay đổi biển số và gây tai nạn, “khi đó, ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất niên việc che biển số sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc truy tìm xe, vì người dân chỉ dựa vào biển số sau khi che để khai báo với cơ quan công an. Thế nhưng, lực lượng chức năng vẫn có thể khoanh vùng thông tin như: xe mấy chỗ, xe của hãng nào, màu sơn hoặc đặc điểm nhận dạng khác để truy tìm xe gây tai nạn. Giống như việc truy bắt tội phạm cướp giật hiện nay, cơ quan chức năng đâu chỉ dựa vào biển số xe chúng đi (đa phần biển số giả), mà phải kết hợp với hình ảnh trích xuất camera trước đó. Tất nhiên xe máy dễ nhìn người lái xe hơn ô tô. Nhưng không có nghĩa là không truy tìm được dấu vết”.

Đúc kết lại vấn đề, luật sư Phát đặt câu hỏi: “Trong nhiều vụ án hình sự, đôi khi một chi tiết nhỏ cũng phá được án, sao trong các vụ xử phạt hành chính phải cần nhiều thông tin đến thế?”.

Theo Báo Thanh Niên