Sự khác biệt khi gặp đèn đỏ giữa Việt Nam và nước ngoài / Hà Nội khó lòng cấm xe máy như mô hình Trung Quốc
Ở châu Á, thành công nhất có lẽ là Hàn Quốc, nước từng quá tải dân số và phải giải quyết kẹt xe tại thủ đô Seoul. Nước này chủ trương chuyển Seoul từ thành phố đơn cực sang đa cực, tạo vùng đô thị vệ tinh, chuyển bớt dân ra khỏi trung tâm. 7 thành phố giãn dân trong bán kính 30 km gồm Seongnam, Puchong, Suwon, Incheon, Goyang, Ansan, Anyang. Ý tưởng này sau đó được áp dụng ở nhiều thành phố Đông Nam Á.
Seoul bước đầu xây dựng hệ thống giao thông, kết nối phương tiện công cộng. Seoul chỉ sau 10 năm đô thị hóa đã có hệ thống tàu điện ngầm dài 150 km, sức chở hơn 32% lượng hành khách. Hầu hết các ngõ hẻm đều được mở rộng để kết nối giao thông công cộng, hình thành hệ thống đường xuyên tâm và các vành đai 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với bán kính 5 km, 10 km, 20 km, 30 km, 40 km.
Chính quyền không cho xây nhà cao tầng trong bán kính 30 km kể từ trung tâm. Bên cạnh đó, Seoul cũng cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho người sử dụng giao thông công cộng, ứng dụng "Subway Navigation" và "Seoul Bus" trên điện thoại di động có thể ước tính thời gian tàu xe đến, lịch trình di chuyển, các ga tàu điện và trạm xe buýt gần nhất.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có metro khá sớm tại thành phố lớn như Manila (Philippines) năm 1984, Singapore (năm 1987), Kuala Lumpur (Malaysia) năm 1995, Bangkok (Thái Lan) năm 2004. Sau 5 năm xây dựng, Jakarta (Indonesia) đã đưa vào sử dụng metro ngày 25/3/2019. Jakarta còn có hệ thống xe buýt nhanh, chạy trong nội thành theo làn đường riêng, nhanh hơn xe hơi và xe máy.
Hiện trạng giao thông Việt Nam như thế nào?
Hà Nội và TP HCM từng có làn đường riêng cho xe buýt nhưng không hiệu quả. Những năm qua, chính quyền hai thành phố này nỗ lực triển khai nhiều công trình giao thông nhưng khả năng đạt chuẩn còn khá lâu. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị còn rất ít, đều chưa đạt 50% so với quy hoạch ở cả hai thành phố.
Giao thông công cộng Hà Nội chỉ đáp ứng từ 8%-10% nhu cầu đi lại, xe buýt là phương tiện chủ lực. Buýt nhanh (BRT 01) chưa có đóng góp đáng kể. Hà Nội có tổng cộng 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng chỉ có 2 tuyến đang thi công. Trong quá trình thi công cũng lắm tai tiếng, đội vốn khủng, gây tắc đường, lo tai nạn, ô nhiễm khói bụi.
TP HCM từ năm 2002 đã đặt mục tiêu phát triển phương tiện công cộng và đến năm 2020 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu đi lại cho người dân. Nhiều năm liền, chính quyền thành phố đầu tư hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền lớn để trợ giá, song người dân đến với xe buýt còn khá ít, chưa đáp ứng 10% nhu cầu đi lại. Metro tuyến số 1 được khởi công năm 2012, hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Theo đánh giá của chuyên gia, các tuyến metro khác còn chưa rõ thời gian đầu tư và hiệu quả khai thác. Thời gian tới Hà Nội và TP HCM khó trông chờ vào hệ thống đường sắt đô thị như một phép màu. Nếu không có giải pháp đột phá mạnh mẽ, sẽ bất khả thi để thành phố cấm xe máy vào năm 2030.
Để Hà Nội và TP HCM giải quyết bài toán giao thông, cần gói giải pháp tổng thể kết hợp quy hoạch tổ chức lại xã hội như ăn ở, đi lại, học hành, giãn dân nơi nội thành. Seoul là một mô hình thành công đáng tham khảo
Theo vnexpress.net