Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm cho biết, dự án đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật, được Ủy ban ATGT Quốc gia giao cho Trung tâm triển khai từ năm 2010, hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện. Việc vận dụng các loại hình nghệ thuật để tuyên truyền về văn hóa giao thông rất quan trọng, giúp người dân hiểu rõ hơn về tác hại của những hành vi vi phạm giao thông, qua đó nâng cao ý thức.

Tranh thiếu nhi chủ đề ATGT do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam phát động

Thời gian qua, đã có hàng nghìn bài viết về văn hóa giao thông, 10 chương trình hài kịch, bốn vở kịch dài phát trên các đài truyền hình từ T.Ư đến địa phương; Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật dân tộc như: Hát xẩm, hát văn, quan họ, múa rối… về đề tài văn hóa giao thông.

“Làm 6 năm về văn hóa giao thông, tôi thấy TNGT đã giảm, nhưng chuyển biến ý thức về giao thông người Việt Nam rất chậm. Nó thành cái nếp, bệnh nan y khó chữa. Những va chạm xung đột trên đường, vượt đèn đỏ, phóng nhanh đánh võng, không đội MBH, đi sai làn đường đều do văn hóa. Vì vậy, phải giải quyết khâu văn hóa trước nhất. Không có văn hóa tức là không có pháp luật. Người lái xe có văn hóa giao thông mới an toàn”, GS. Hoàng Chương chia sẻ.

Muốn có văn hóa giao thông, GS. Hoàng Chương cho rằng, chúng ta cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư, trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững. Đồng thời, cũng rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cả các doanh nghiệp giao thông, vận tải hành khách. Muốn xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cũng cần phải tham khảo những kinh nghiệm của các nước phát triển.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, sự tham gia của Trung tâm trong công tác đảm bảo ATGT là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa. “Tôi tin đây là những hoạt động có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Bởi vì cách tuyên truyền tốt nhất là thông qua văn hóa, những hoạt động, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo”.

Theo nội dung chương trình, sắp tới đây, vấn đề ATGT được đưa vào trong thi múa rối nước, đua thuyền, các chương trình thi văn nghệ, thậm chí hát xẩm. Đây là hoạt động văn hóa có sức hút, có sức truyền thông lớn trong cộng đồng. Người tham gia chương trình thấy dễ nhớ, dễ hiểu thì đó là thành công của chương trình. “Tôi đánh giá cao hoạt động này. Hy vọng trong thời gian tới có sự tăng cường hợp tác chuyên môn giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam để tiếp tục cải thiện, nâng cao nội dung chương trình”, ông Minh chia sẻ.

                                                                            Theo Báo Giao Thông – Ong Vò Vẽ sưu tầm