Những năm qua, huyện Ngọc Hiển luôn được sự quan tâm, đầu tư về hệ thống hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện. Các tuyến đường ô tô đến trung tâm các xã, thị trấn đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh đã đến Đất Mũi được quan tâm sửa chữa, nâng cấp khá kịp thời. Các tuyến đường giao thông trục ấp, liên ấp cũng được kết nối thông suốt; tính đến nay toàn huyện có gần 50km đường Quốc lộ (đường Hồ Chí Minh) trên 90km đường cấp VI đồng bằng, trên 430 km đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phương tiện, hình thức giao thông đã chuyển rõ nét từ đường thủy sang đường bộ, Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại, giao thương, mua bán bằng đường thủy vẫn còn khá lớn.
Huyện Ngọc Hiển, có 248 sông kênh rạch, dài trên 800km. Nhiều kênh, rạch nhỏ, cây mọc ven sông dầy đặc, che khuất tầm nhìn. Hệ thống biển báo hiệu giao thông đường thủy nội địa chỉ được đầu tư đối với các tuyến đường do trung ương và tỉnh quản lý . Nhưng biển báo có lúc hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời (có một số trụ biển báo do sạt lỡ nên cách xa bờ sông nên nguy hiểm cho phương tiện qua lại), Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy còn chủ quan vì đường thủy ít phương tiện, việc chấp hành luật giao thông chưa cao như: đi đêm không đèn chiếu sáng, người lái không có chứng chỉ chuyên môn, bằng phù hợp không mặc áo phao,… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn tồn tại 256 hàng đáy và đáy bè (với khoảng 440 miệng đáy) và nhiều vật chướng ngại trên sông (gồm các cọc đăng, đáy các loại, phao đáy, lú, lọp,…), Hàng năm vào khoảng từ tháng 04 đến tháng 10 âm lịch là mùa vụ khai thác giống thủy sản thì việc phát sinh các miệng đăng, đáy, vật chướng ngại trên sông rất lớn và khó kiểm soát, mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân giải tỏa nhưng tình trạng tái chiếm, phát sinh vẫn còn xảy ra, từ đó gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa ở địa phương, đặc biệt là việc giải tỏa vật chướng ngại trên tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau. Nguyên nhân là do thu nhập từ khai thác con giống trái phép khá cao, thông thường 01 hộ thu nhập khoảng 1-2 triệu đồng/ngày đêm, có hộ thu nhật lên đến 5-10triệu/ngày đêm, có khi còn nhiều hơn.
Nguyên nhân tồn tại tình trạng trên là do một vài đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc trong công tác chỉ đạo, điều hành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là việc thanh thải, giải tỏa chướng ngại vật trên sông; chưa có giải pháp cụ thể; phân công trách nhiệm, giữ địa bàn sau giải toả. Địa bàn rộng, sông, rạch chằng chịt, thiếu lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra, kiểm soát. Chưa có chế tài (giữ phương tiện đường thủy) trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện. Vai trò của một vài cơ quan thành viên Ban ATGT cấp huyện còn mờ nhạt, ít tham gia, ít phối hợp. Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, nhất là lực lượng thanh thiếu niên chưa đảm đảm điều kiện tham gia giao thông.
Từ thực tế nêu trên cho thấy vấn đề đặt ra hiện nay là phải có giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và giải tỏa vật chướng ngại trên sông đạt hiệu quả, hạn chế đến mức tình trạng tái phát sinh, tái lấn chiếm địa bàn sau giải tỏa, đặc biệt là tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau. Huyện Ngọc Hiển đề ra một số giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão và công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông, đặc biệt là tuyến du lịch bằng đường thủy xuyên rừng Mũi Cà Mau trên địa bàn huyện trong thời gian tới:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở địa phương (trong đó lực lượng đoàn thể là chủ đạo) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tập trung tuyên truyền sâu, rộng đến tất cả các đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn, trong đó chú trọng tuyên truyền đối với lực lượng thanh thiếu niên, nắm các quy định cần thiết, các hình thức xử lý vi phạm để người tham gia giao thông đường thủy nội địa thực hiện như: không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi tham gia giao thông; đi phương tiện thủy phải mặc áo phao, đi ban đêm phải trang bị đèn chiếu sáng, người lái phương tiện thủy phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp,…
Hai là, phát huy nội lực, tính cộng đồng của người dân ở địa phương với khẩu hiệu “kênh, rạch thông thoáng, lưu thông an toàn”. Trong đó, lực lượng Cựu Chiến binh và lực lượng thanh niên ở địa phương là nòng cốt, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người tham gia giao thông đường thủy bằng cách, mỗi hộ dân cam kết không tự ý cắm cọc đăng, đáy khai thác giống thủy sản trên sông, kênh, rạch, góp phần làm cho kênh, rạch thông thoáng đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời, giám sát, kịp thời ngăn chặn vi phạm, phát hiện và thông tin, báo cáo kịp thời chính quyền địa phương các trường hợp người dân tự ý cắm cọc đăng, đáy khai thác giống thủy sản trên sông, kênh, rạch tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ba là, Ban ATGT huyện, Ban ATGT các xã, thị trấn phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa như: chở hàng hóa, chở người vượt quá mức cho phép; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không chứng chỉ chuyên môn; phương tiện chở hành khách không có phao cứu sinh; đặc biệt tuyến du lịch xuyên rừng khu du lịch Đất Mũi, điều kiện an toàn các bến khách ngang sông.
Bốn là, Ban ATGT huyện phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức chọn thí điểm ra quân dọn dẹp, thanh thải, giải tỏa dứt điểm chướng ngại vật trên sông (cụ thể tuyến du lịch xuyên rừng khu du lịch Đất Mũi; tuyến sông Rạch Gốc đoạn từ Cảng Cá ra cửa biển; tuyến Hóc Năng, tuyến Kênh Năm Hòn Khoai và tuyến Kênh Hồ). Trong đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Ban ATGT tỉnh và các lực lượng chức năng cấp tỉnh. Sau khi thực hiện hoàn thành sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý, giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra địa bàn sau giải tỏa nếu để phát sinh trường hợp tái lấn chiếm mà địa phương không xử lý hết trách nhiệm của mình, UBND huyện sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương đó. Hàng năm, xem đây là một trong những nhiệm vụ để xem xét mức độ hoàn thành, đánh giá cán bộ công chức hàng năm. UBND huyện sẽ chỉ đạo Ban ATGT huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, định kỳ 03 tháng, 6 tháng, 9 tháng, năm sẽ lồng ghép, đánh giá hiệu quả nội dung này vào báo cáo của Ban ATGT huyện để xem xét, đánh giá hiệu quả khả thi triển khai nhân rộng trên địa bàn các xã, thị trấn còn lại.
Mộng Tuyết
Mục chung tay