Sau hơn 02 năm thực hiện Kế hoạch liên ngành giữa Bộ Công an – Bộ Giao thông vận tải về phối hợp kiểm soát tải trọng xe, vi phạm tải trọng đã giảm trên 92%, đặc biệt là các phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm Bắc Nam.

Bộ Công an và Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch liên ngành. Theo đó đã thống nhất sau khi kết thúc thực hiện kế hoạch phối hợp, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, còn lực lượng thanh tra giao thông tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm xuất phát, điểm tập kết hàng hóa, kho cảng, bến bãi, mỏ vật liệu.

 

Bộ Công an cương quyết xử lý xe quá tải

 Đến ngày 25/11/2016, hai bộ đã tham mưu cho Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ GTVT đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định kết hợp với trạm thu phí; hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến kiểm soát tải trọng phương tiện; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra, xử lý quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng xe tại “đầu nguồn” nơi bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô. Bộ Công an hoàn thiện hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm CSGT, tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý xe quá tải trên các tuyến giao thông.

 Sau 8 tháng triển khai thực nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. CSGT trên toàn quốc đã dừng, kiểm tra phát hiện và lập biên bản vi phạm 38.636 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải (vi phạm quá tải: 27.148 trường hợp, vi phạm kích thước thùng xe: 8.488 trường hợp). Nộp kho bạc nhà nước 184 tỷ 69 triệu đồng, tạm giữ 2.642 phương tiện; tước quyền sử dụng GPLX 9.911 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 9.418 phương tiện vi phạm với 22.784 tấn hàng. Một số địa phương CSGT xử lý đạt kết quả cao như: Thanh Hóa 1.911 trường hợp, Nghệ An 1.333 trường hợp, Quảng Nam 1.327 trường hợp, Phú Thọ 1.151 trường hợp….

Điểm kiểm tra tải trọng xe liên ngành

Trong khi đó, tại 18 điểm kiểm tra tải trọng xe liên ngành (còn thực hiện sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp liên ngành) hiệu quả hoạt động không cao. Dừng, kiểm tra 44.701 xe ô tô tải, thì phát hiện và lập biên bản được 2.948 trường hợp vi phạm (tỷ lệ đạt 6,9%). Trong đó vi phạm quá tải là 2.514 trường hợp, vi phạm kích thước thùng xe 434 trường hợp. Nộp kho bạc nhà nước 23 tỷ 653 triệu đồng, tạm giữ 146 phương tiện; tước quyền sử dụng GPLX 667 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 863 phương tiện vi phạm với 2.812 tấn hàng.

Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các cấp đã trang cấp bổ sung 126 cân tải trọng xách tay và 10 hệ thống cân tải trọng cố định. Thời gian tới tiếp tục hoàn thiện đưa vào sử dụng 20 hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm CSGT.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát tải trọng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện quá tải. Như việc một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng chủ xe, lái xe ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ còn hạn chế, cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhiều cách thức, thủ đoạn được các chủ xe, lái xe áp dụng như: đóng cửa xe rồi bỏ đi hay thuê xe container vận chuyển hàng rồi kẹp chì gây khó khăn cho việc hạ tải; gây cản trở, ùn tắc giao thông… để đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

Thêm vào đó, hệ thống biển báo giao thông, biển báo hạn chế tải trọng trên một số tuyến đường, công trình cầu chưa đúng, đủ theo quy định, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe… của lực lượng chức năng.

Để kiềm chế và ngăn chặn cơ bản hoạt động của xe quá tải trọng, cơi nới thành thùng trên các tuyến giao thông, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch số 156/KH-BCA-C67 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của phương tiện giao thông.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương mà nòng cốt là lực lượng CSGT sẽ tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến giao thông, để giảm cơ bản vi phạm chở hàng quá tải lưu thông trên đường bộ, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, làm giảm và hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.

Lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức điều tra, khảo sát kỹ các tuyến đường, địa bàn, loại phương tiện, thời gian xảy ra hành vi vi phạm chở hàng quá tải, nơi có các trạm cân cố định của các doanh nghiệp để yêu cầu phối hợp khi cần thiết, khảo sát nơi dừng xe để kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng có hiệu quả cao nhất. Đồng thời rà soát thống kê số lượng, tình hình ô tô vận tải hàng hóa hoạt động trên địa bàn để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền có biện pháp quản lý; tuyên truyền đến các chủ xe, lái xe không tham gia chở hàng quá tải.

Tại các địa bàn, đoạn đường phức tạp về xe chở hàng quá tải trọng, lãnh đạo Phòng CSGT Công an các địa phương hoặc chỉ huy đội, trạm CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát sẽ trực tiếp chỉ huy và tham gia việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xe vi phạm chở hàng quá tải.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng giao lực lượng Cảnh sát hình sự tổ chức nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ; phòng ngừa, đấu tranh với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo kê môi giới dẫn dắt, tiếp tay cho hoạt động vi phạm quá tải trọng, quá khổ để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục CSGT