Do đời sống của nhân dân được nâng cao, nhu cầu đi lại gia tăng, việc sử dụng phương tiện (xe máy, ô tô con) ngày càng tăng cao, song sự bùng nổ và tiếp tục gia tăng nhu cầu tham gia giao thông ngày càng lớn, vượt năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, thói quen, tập quán vùng, miền nên đã thường xuyên đã vi phạm an toàn giao thông (uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm,…) và đang là một vấn đề đặt ra công tác an toàn giao thông hiện nay.
Để đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông, chúng ta phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cho thấy:
Yếu tố con người
Bao gồm người lái xe, người đi bộ, hành khách trên xe, cách tổ chức điều hành giao thông và những người sử dụng lòng, lề đường. Yếu tố con người là rất quan trọng, là tác nhân gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Vì vậy, phải làm cho mọi thành phần tham gia giao thông có ý thức, nắm vững và chấp hành pháp luật giao thông.
Về phía người lái xe, để có thể giảm nguy cơ tai nạn giao thông, phải đảm bảo 3 nội dung:
- Có trình độ tay nghề, kỹ năng lái xe;
- Có sức khỏe tốt; ổn định về tâm lý khi lái xe;
- Phải có đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp cao.
Tâm lý lái xe là một trong những nội dung quan trọng, quyết định đến độ tin cậy của lái xe. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng tay nghề và trau dồi đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải tìm mọi cách để đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt nhất khi lái xe. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tìm cách tạo mọi điều kiện tốt nhất để người lái xe có được tâm lý tốt nhất khi lái xe.
* Yếu tố phương tiện
An toàn phương tiện thể hiện ở các khía cạnh:
- Kết cấu và độ tin cậy của phương tiện;
- Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì hậu quả thấp nhất;
- Trong quá trình hoạt động của phương tiện được phân chia thành các loại: An toàn chủ động, an toàn thụ động, an toàn sau tai nạn, an toàn sinh thái.
+ An toàn chủ động: là khả năng của phương tiện có thể giảm thấp tai nạn giao thông trong quá trình tham gia giao thông.
+ An toàn thụ động: Là khả năng của phương tiện giúp làm giảm hậu quả khi tai nạn xảy ra. Khi xảy ra va chạm sau một tích tắc là ô tô dừng lại nhưng lái xe và hành khách vẫn chuyển động theo quán tính với tốc độ trước lúc va chạm. Lúc đó có thể xảy ra va đập lần thứ hai như đập đầu vào kính, đập ngực vào tay lái,…Khi phân tích tai nạn giao thông ta nhận thấy rằng, khả năng tử vong, bị thương của những người ngồi ở hàng ghế đầu cao hơn. Do vậy biện pháp đảm bảo an toàn cho lái xe và hành khách ở hàng ghế trước cũng được chú ý hơn.
+ An toàn sau tai nạn: Là khả năng của phương tiện giảm thấp được hậu quả sau khi tai nạn xảy ra như bốc cháy, đâm vào các đối tượng chuyển động khác,…
+ An toàn sinh thái: Là khả năng của phương tiện giảm thấp được mức độ ảnh hưởng xấu của nó đến môi trường xung quanh. Khác với tính năng an toàn khác, an toàn sinh thái tồn tại suốt quảng đời của xe.
Yếu tố cơ sở hạ tầng
Trên mỗi con đường có thể có nhiều đoạn có tình trạng kỹ thuật khác nhau hoặc tình trạng giao thông khác nhau, nên có ảnh hưởng khác nhau đến việc chạy xe. Khi đó đòi hỏi lái xe phải tập trung chú ý để đưa ra giải pháp điều khiển xe kịp thời và an toàn. Giải pháp quan trọng nhất là thay đổi tốc độ cho phù hợp với từng đoạn đường, từng điều kiện giao thông cụ thể. Nguy cơ về tai nạn giao thông rõ rệt và tốc độ trung bình của dòng giảm đi rõ rệt trong các trường hợp sau:
- Đoạn đường bị xấu đi bất ngờ, bề rộng và độ bằng phẳng của mặt đường kém;
- Nơi mà điều kiện đường có độ an toàn thấp như các đoạn đường quanh co, gấp khúc, khuất tầm nhìn,…
- Nơi mà các xe có công suất nhỏ không bứt phá được lực cản trên đường;
- Tại chổ đường giao nhau, chổ vượt, làn đường chuyển tốc độ.
- Tại những chổ người đi bộ, xe đạp, xe súc vật kéo,…
* Ảnh hưởng của lưu lượng và kết cấu dòng xe:
- Trong các điều kiện như nhau, tai nạn giao thông phụ thuộc vào lưu lượng xe trên đường và quy luật chuyển động của dòng xe. Khi lưu lượng xe thấp số xe tránh và vượt nhau ít, người lái xe có xu hướng cho xe chạy vào tim đường hoặc gần mép trong làn đường dành cho xe mình để tránh ảnh hưởng của lề đường và thành cầu. Khi lưu lượng thấp, số tuyệt đối của tai nạn giao thông nhỏ.
- Số tai nạn giao thông không chỉ phụ thuộc vào lưu lượng mà còn phụ thuộc vào kết cấu dòng xe, vì mỗi loại xe có kích thước, tải trọng, tốc độ khác nhau. Số chạy xe trong dòng càng nhiều, nhu cầu vượt nhau càng lớn, nên xác suất về tai nạn giao thông càng cao. Rõ ràng nhất là tỷ lệ xe tải trong dòng xe càng lớn thì hệ số tai nạn giao thông càng tăng.
Có thể thấy được rằng:
+ Số tai nạn giao thông tăng chậm và tỷ lệ với lưu lượng xe chạy cho đến khi lưu lượng đạt đến trị số khả năng thông xe bình thường của đường. Khi lưu lượng tiếp tục tăng thì số tai nạn giao thông cũng tăng lên đáng kể.
+ Khi tốc độ chạy của các loại xe trong dòng xe càng chênh lệch thì số tai nạn giao thông càng cao, nên dòng xe hổn hợp có hệ số tai nạn giao thông cao hơn dòng xe thuần nhất.
* Ảnh hưởng của số làn xe chạy, việc tách dòng xe ngược chiều và bề rộng phần đường xe chạy.
- Đối với đường có nhiều làn xe, khi lưu lượng xe chạy thấp, nghĩa là khi đường chưa hoàn toàn lắp đầy xe thì số tai nạn giao thông xe giảm. Khi tách chuyển động của 2 làn xe ngược chiều bằng dải phân cách thì hiệu quả rất đánh kể đến an toàn xe chạy. Đường 3 làn xe có khả năng tăng khả năng thông qua đường từ 1,3 – 1,7 lần.
- Trên các mặt đường hẹp, khi xe tránh nhau và vượt nhau, khoảng cách giữa các xe cũng như khoảng cách giữa các bánh xe với mép lề không gia cố không đủ để lái xe tin tưởng, mặc dù họ đã giảm tốc độ. Vì vậy số tai nạn giao thông tăng theo mức độ giảm bề rộng phần xe chạy.
* Ảnh hưởng của tầm nhìn
Tầm nhìn là một trong những nhân tố quan trọng nhất đảm bảo an toàn xe chạy. Tầm nhìn đủ giúp cho lái xe thấy được các chướng ngại vật từ xa và có đủ thời gian để xử lý. Tuy nhiên, bù lại ở những nơi có tầm nhìn bị thu hẹp thì lái xe lại tăng cường chú ý hơn. Tầm nhìn bị rút ngắn trong các trường hợp sau:
- Khi vượt nhau: Trong dòng xe hỗn hợp, người lái xe có tốc độ lớn thường có xu hướng vượt lên trước mà lúc này tầm nhìn hẹp nên rất nguy hiểm.
- Khi vào đường cong có nhiều vật che chắn, tầm nhìn bị giảm đi rất nhiều.
* Ảnh hưởng của đường cong trên bình đồ
Tai nạn giao thông thường xuất hiện ở những đường cong trên bình đồ, tỷ lệ chiếm khoảng 10 – 20% trong tổng số vụ. Bán kính đường cong trên bình đồ từ 2.000m trở lên thì ảnh hưởng của chúng đến tai nạn giao thông không khác gì đường thẳng, còn khi bán kính cong nhỏ hơn 600 – 700m thì tốc độ tăng hệ số rất nhanh. Để an toàn đi vào đường cong, lái xe cần phải trông thấy đường và làn xe dành cho mình từ một khoảng cách đủ để phanh xe khi gặp chướng ngại vật bất ngờ.
* Ảnh hưởng của của giao nhau đường cùng mức
Ở những nơi giao nhau cùng mức, việc đánh giá an toàn chạy xe phức tạp hơn những đoạn đường khác, vì sự giao cắt giữa các dòng và sự đổi hướng của chúng làm tăng xác suất tai nạn giao thông. Tại chổ giao nhau có lưu lượng xe cao đến từ các hướng thường gây nên xung đột.
Yếu tố môi trường
Môi trường trong an toàn giao thông bao gồm: môi trường xã hội và môi trường tự nhiên:
- Môi trường xã hội là hệ thống các quy định của pháp luật về giao thông, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến người dân; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông;
- Môi trường tư nhiên là điều kiện về thời tiết, khí hậu (nhiệt độ, mưa bão, sương mù,…) điều kiện địa hình,….
Với mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến an toàn giao thông, hy vọng rằng các cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương để làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông./.
Theo TS Nguyễn Phi Thường ( Khánh Ngọc dẫn nguồn)