Sau khi Thông tư 91 được ban hành, tốc độ tối đa trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được nâng lên 120 km/h đã phát huy được hiệu quả của tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ lưu thông do lo ngại tăng tai nạn là không đủ căn cứ. Trong bối cảnh đường đẹp, xe tốt hơn mà giảm tốc độ lưu thông tối đa là lãng phí nguồn lực.
Chưa đủ căn cứ kết luận tai nạn tăng do tăng tốc độ
Đầu tháng 3/2016, Thông tư 91 có hiệu lực và tốc độ lưu thông được tăng trên các tuyến đường mới nâng cấp trên cả nước. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các đơn vị quản lý, doanh nghiệp vận tải, các chuyên gia giao thông và nhất là đa số tài xế. Thực tế, việc tăng tốc độ lưu thông trong điều kiện hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, chất lượng tốt và hiện đại hơn là phù hợp với xu thế phát triển.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện một số địa phương như Tiền Giang, Đà Nẵng, TP.HCM cho rằng TNGT tăng cao có liên quan đến quy định này và đề xuất giảm tốc độ lưu thông trên những tuyến đường vừa được điều chỉnh tăng.
Câu hỏi đặt ra là liệu Thông tư 91 có phải là nguyên nhân khiến số vụ TNGT tăng cao? Có nhất thiết phải giảm tốc độ lưu thông trong điều kiện đường sá ngày càng tốt hơn? Về vấn đề này, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Đại học Việt Đức nói: Muốn đánh giá chính xác nguyên nhân của một vụ TNGT, phải xem xét rất nhiều khía cạnh gồm cả ý thức người tham gia giao thông, phương tiện, hạ tầng các quy định liên quan.
Quy định tốc độ của xe cơ giới theo Thông tư 91
“Tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận do Thông tư 91 mà các vụ TNGT gia tăng”, TS. Tuấn nói và cho biết thêm: Phân tích dữ liệu các vụ TNGT tại TP Hồ Chí Minh trong 5 năm qua thì có hơn 60% xảy ra sau 14h, 40% xảy ra vào ban đêm khi lưu lượng xe không lớn và thông thường các xe hay chạy với tốc độ cao hơn.
Ở góc độ người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn OtoFun cho rằng, ưu điểm của Thông tư 91 là giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. “Qua tham khảo, trao đổi, lái xe trong diễn đàn rất phấn khởi, nâng tốc độ giúp lưu thông thuận tiện hơn. Đây là chủ trương tiến bộ với mong muốn đẩy nhanh tốc độ lưu thông, kéo giảm ùn tắc, khai thác tối đa sự phát triển của hạ tầng và phương tiện. Đường rộng hơn, đẹp hơn mà chỉ cho chạy tốc độ thấp thì rất lãng phí và gây ức chế cho người điều khiển phương tiện. Đó là chưa nói đến việc chạy tốc độ thấp hay dẫn đến ùn tắc.
Với những tuyến đường đã được nâng cấp, chất lượng tốt, việc giảm tốc độ tối đa cũng là một sự lãng phí (Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ)
Chỉ hạn chế tốc độ tại điểm đen TNGT
Không đồng tình với việc giảm tốc độ, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, người dân có thể rút ngắn được thời gian đi lại nên việc kéo giảm tốc độ cũng có nghĩa là đi ngược với xu thế. Theo TS. Vũ Anh Tuấn, thay vì giảm tốc độ, nên quan tâm hơn đến biển báo, vạch phản quang, gờ giảm tốc, đặc biệt là tại các vị trí đã được xác định là điểm đen TNGT.
“Khi cho phương tiện lưu thông nhanh hơn thì hệ thống biển báo phải rõ ràng hơn, gờ giảm tốc phải đảm bảo đủ số lượng, đủ xa cần thiết, gương cầu lồi hay vạch kẻ phản quang, điều kiện chiếu sáng, tầm nhìn vượt phải đảm bảo...” TS. Tuấn nói.
Thông tư 91 của Bộ GTVT chính thức có hiệu lực từ 1/3/2016 cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới gồm: Ô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, kể cả xe máy điện… thêm 10km/h ở khu vực đông dân cư. Theo đó, trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được chạy tối đa 60km/h trên đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên và được chạy tối đa 50km/h tại đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới. Trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư, xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ, ô tô tải từ 3,5 tấn trở lên được chạy tối đa 80 - 90km/h; ô tô trên 30 chỗ, tải trọng trên 3,5 tấn được chạy tối đa 70 - 80km/h, ô tô buýt, đầu kéo rơ-moóc chạy tối đa 60 - 70km/h, ô tô kéo rơ moóc chạy 50 - 60km/h. |
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nhận định: Thông tư 91 ban hành đã đáp ứng kịp thời và phù hợp với quá trình thay đổi, phát triển về chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng phương tiện, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế còn một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa nhận thức đúng đắn các quy định về Luật GTĐB nói chung, Thông tư 91 nói riêng. Thậm chí, một số cá nhân điều khiển phương tiện còn cố tình vi phạm, nhất là hành vi chạy quá tốc độ cho phép, gây tai nạn, tạo ra dư luận xấu. “Tôi cho rằng, cần xem xét cho phép tăng nặng hình phạt bổ sung với các trường hợp này”, ông Huyện nói.
Cũng theo ông Huyện, tổng cục đã và đang tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo không phù hợp, bổ sung các biển báo mới giúp người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, đồng thời, đẩy nhanh xóa điểm đen TNGT.
“Đầu tháng 3 vừa qua, nhận thấy trên đường Vành đai 3 Hà Nội do lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng cao, một số vị trí mặt đường bị hằn lún, hư hỏng, chúng tôi đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh biển báo tốc độ tối đa cho phép trên tuyến đường này từ 90km/h xuống còn 80km/h, đồng thời bỏ biển tốc độ tối thiểu cho phép 60km/h”, ông Huyện cho biết.
TP.HCM đề xuất giảm tốc độ 10 km/h để giảm tai nạn
Được biết, để đảm bảo ATGT, phù hợp với điều kiện khai thác tuyến đường, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Đường bộ VN đã xử lý 112 điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT. Đến hết năm 2017 sẽ xử lý khoảng trên 300 điểm đen, tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Còn lại 293 điểm sẽ được xử lý dần trong kế hoạch bảo trì vào các năm tiếp theo.
“Trong thời gian chưa xử lý được căn cơ các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường sử dụng các biện pháp tạm thời như: Sơn kẻ đường, cắm biển báo hạn chế tốc độ, lắp gương cầu lồi để phòng ngừa, giảm thiểu TNGT”, ông Huyện khẳng định.
Theo Báo Giao thông. Zing.Vn