Hầm Chiêm Sơn - Gói 4 cao tốc ĐN-QN
Kết nối đồng bộ
Những năm vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, càng khẳng định thực hiện mục tiêu GTVT đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Theo thống kê của Bộ GTVT, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448km, trong đó quốc lộ là 24.136km, đường cao tốc 816km, đường tỉnh 25.741km, đường huyện 58.347km, đường đô thị 26.953km, đường xã 144.670km, đường thôn xóm 181.188km và đường nội đồng 108.597km.
Hệ thống quốc lộ hình thành nên các tuyến hành lang Bắc - Nam, vùng duyên hải và cao nguyên, các tuyến đường Đông - Tây dọc theo miền Trung Việt Nam. Ở phía Bắc, các tuyến quốc lộ tạo thành mạng lưới nan quạt với tâm là Thủ đô Hà Nội. Ở phía Nam, các tuyến quốc lộ tạo nên hình lưới. Hệ thống quốc lộ hiện nay bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối vận tải giữa các vùng miền, các trung tâm kinh tế, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng.
Quyết định 355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định GTVT là bộ phận quan trọng, một trong 3 khâu đột phá cần ưu tiên đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, các giai đoạn thực hiện phù hợp, theo định hướng hiện đại; đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; coi trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; mục tiêu là vận tải khối lượng hành khách chiếm 86% - 90%, vận chuyển hàng hóa đường bộ chiếm 65% - 70%.
Trong đó, phát triển đường bộ ưu tiên: Trục dọc - đầu tư xây dựng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam; đầu tư một số đoạn đường bộ ven biển gắn với đê biển. Phía Bắc: Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, một số cao tốc nối Hà Nội với các khu vực…; Miền Trung: Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, nối ven biển với Tây Nguyên và kết nối với Lào, Campuchia. Phía Nam: Xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực TP. Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…
Động lực phát triển kinh tế
GTVT có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. GTVT có bảo đảm thông suốt, an toàn thì việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an toàn và trật tự xã hội sẽ thuận lợi. Muốn phát triển kinh tế - xã hội cần phát triển hệ thống GTVT, phát triển GTVT đường bộ phục vụ phát triển kinh tế. GTVT đường bộ phát triển tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, chi phí vận tải giảm, giá hàng hóa cạnh tranh, thuận lợi xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông, đầu tư phát triển và các thuận lợi khác dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Năm 2015, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch và hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa - Cần Thơ sớm hơn 01 năm so với kế hoạch. Đây là hai trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước hiện đang phát huy hiệu quả khi hàng hóa được lưu thông, giao thương giữa các vùng miền được thúc đẩy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phát triển của từng địa phương, khu vực và đất nước; kết nối các khu vực tăng trưởng trên phạm vi toàn quốc gia, phục vụ hợp tác quốc tế.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trước năm 2013 Việt Nam chỉ có 167km đường cao tốc đưa vào khai thác. Đến nay, tổng số đường cao tốc đã đưa vào khai thác là 816km, tăng trên 4,8 lần. Tại thời điểm này, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xây dựng đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường cao tốc như: Hoàn thành tuyến cao tốc đang thi công trên trục Bắc - Nam (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan); khởi công các đoạn mới Nghi Sơn - Vũng Áng, Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ) và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bắc Giang - Đồng Đăng, Hạ Long - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài... Đồng thời, nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc như: Kết nối Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tiếp tục hoàn thành 601km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến.
Cũng theo ông Huyện, đối với giao thông nông thôn tiếp tục duy trì hệ thống hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu đến năm 2020 có 55% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về giao thông trong chương trình nông thôn mới; hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương, xây dựng khoảng 2.272 cầu dân sinh trên địa bàn 50 tỉnh, cải tạo 680km đường giao thông nông thôn trên địa bàn 14 tỉnh… Với mạng lưới đường bộ được xây dựng đồng bộ, tính kết nối, liên kết vùng được đảm bảo, GTVT có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển đất nước
Cao tốc Bắc - Nam tạo sựđột phá về kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Ngân sách hiện nay vô cùng khó khăn, đất nước thì trải dài, không phải nơi nào cũng có điều kiện kinh tế - xã hội giống nhau. Các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ hiện đã được kết nối bởi trục QL1. Các tuyến đường cũng thường xuyên được nâng cấp nhưng hiện cũng đã quá tải, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, đô thị lớn, trung tâm kinh tế... Vì thế, Chính phủ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là để hình thành một trục lộ kết nối các trung tâm kinh tế chính trị của đất nước, tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ giúp một số địa phương có điều kiện phát triển thương mại, công nghiệp, dịch vụ...
Theo tapchigiaothong