Phạt nguội là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, ghi lại hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lấy đó làm căn cứ để ra quyết định xử phạt. Đây là một bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động theo dõi, kiểm soát và xử lý đối với vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục, tháo gỡ để hoàn thiện về pháp lý cũng như cơ chế thực hiện.

Hiệu quả đi đôi với khó khăn trong thực tiễn

Năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thử nghiệm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đến nay, hệ thống giám sát giao thông đã được triển khai tại nhiều thành phố, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang), Biên Hòa (Đồng Nai),… và trên một số tuyến cao tốc.

Thông qua hệ thống giám sát, các hành vi vi phạm TTATGT được tự động phát hiện, ghi nhận, dữ liệu vi phạm được truyền tải về Trung tâm chỉ huy để sàng lọc, phân tích, sau đó thông báo đến các tổ công tác đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dừng phương tiện kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp chưa có điều kiện dừng được phương tiện tại thời điểm đó, dữ liệu được biên tập báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, đến cơ quan công an nơi có vi phạm bị phát hiện để giải quyết.

Để người dân biết phương tiện của mình có nằm trong trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, bị phạt nguội hay không, Cục CSGT đã kết nối dữ liệu thông tin phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh và công khai trên website của Cục (www.csgt.vn). Người dân chỉ cần vào mục “Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh”, điền thông tin biển kiểm soát phương tiện (ô tô, xe máy, xe đạp điện) là sẽ có kết quả.

Khoản 1, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường". Ngày 12/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 165/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT và bảo vệ môi trường, trong đó quy định thiết bị ghi hình là một trong các thiết bị nghiệp vụ được trang bị cho lực lượng CSGT nhằm phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ. Ngày 24/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BCA quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Hệ thống kiểm soát giao thông tại Cục Cảnh sát giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết: Việc triển khai áp dụng biện pháp phạt nguội đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm. Đặc biệt, giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Chỉ tính riêng từ tháng 7/2020 đến nay, thông qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 đã gửi 10.619 thông báo xử phạt nguội, lập 3.103 biên bản vi phạm (trong đó lập trực tiếp 2.046 trường hợp, lập biên bản phạt nguội 1.057 trường hợp), phạt tiền 14.880.300.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2.825 trường hợp. Số vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát chiếm hơn 90% tổng số vi phạm năm 2020. Vi phạm chủ yếu là chạy xe quá tốc độ, lùi xe, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định trên đường cao tốc,…. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao kết quả, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện phạt nguội của Công an các đơn vị, địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không sang tên, chuyển chủ còn nhiều, chủ phương tiện thay đổi địa chỉ nhưng không đăng ký lại thông tin để lực lượng CSGT quản lý dẫn đến việc thông báo, yêu cầu người vi phạm đến xử lý phạt nguội gặp nhiều khó khăn. Hành lang pháp lý để xử phạt nguội chưa đầy đủ, một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, xử phạt qua tài khoản chưa cụ thể, rõ ràng. Thiết bị phục vụ việc giám sát chưa đồng bộ và mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ nên chưa thể triển khai việc phạt nguội một cách rộng rãi. Chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị giám sát chưa được thường xuyên dẫn đến hỏng hóc, đường truyền bị gián đoạn ảnh hưởng tới quá trình giám sát. Cơ chế khai thác, xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát giao thông hiện nay chưa rõ ràng và triệt để dẫn đến việc nhiều hành vi vi phạm được hệ thống phát hiện và ghi nhận nhưng kết quả xử lý thực tế chưa cao.

Ngày 09/11/2015, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Khoản 6, Điều 4 Thông tư này quy định không kiểm định phương tiện khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. Như vậy, việc phạt nguội được thuận lợi hơn, vì nếu chủ phương tiện có phương tiện vi phạm TTATGT đường bộ, bị phạt nguội mà không chấp hành quyết định xử phạt sẽ không được kiểm định. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều tranh luận, chưa thống nhất và mới chỉ tác động đối với vi phạm liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải kiểm định lại (ô tô).

Camera giám sát giao thông để phạt nguội phương tiện vi phạm. Giải pháp tháo gỡ

Để nâng cao hiệu quả cũng như triển khai áp dụng rộng rãi việc phạt nguội trên phạm vi toàn quốc, theo chúng tôi cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phạt nguội. Có chế tài mạnh với các quy định cụ thể bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt như về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mức phạt lũy tiến và phương tiện vi phạm không được đăng kiểm; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; yêu cầu chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển chủ khi mua bán phương tiện. Luật hóa quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi vi phạm hành chính về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để làm cơ sở xử phạt; phương thức thông báo quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua trang web, tin nhắn, facebook... Nghiên cứu, quy định việc công dân khi đi đăng ký phương tiện phải có kèm theo tài khoản ngân hàng; khi vi phạm giao thông, bị rơi vào trường hợp phạt nguội mà người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị trừ tài khoản ngân hàng.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, ủng hộ chủ trương phạt nguội và chấp hành nộp phạt nếu vi phạm, tính toán những đợt cao điểm xử lý kết hợp tuyên truyền ở những tuyến đường trọng điểm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Tăng cường các biện pháp xử lý đối với những phương tiện tự chế, không đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật và an toàn lưu thông trên đường. Bảo đảm mọi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đều được quản lý theo quy định của pháp luật.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong sản xuất, lắp ráp, chuyển giao công nghệ; đầu tư lắp đặt đồng bộ hệ thống camera giám sát, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại; tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng cho cán bộ, chiến sĩ CSGT, đồng thời làm tốt công tác vận hành, bảo trì và bảo vệ thiết bị để khai thác tối đa hiệu quả mà các phương tiện, thiết bị kỹ thuật mang lại.

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSGT với các lực lượng trong và ngoài ngành trong sử dụng hệ thống giám sát đường bộ nói chung và camera giám sát nói riêng để nâng cao hiệu quả xử phạt nguội.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm ở nhiều nước, chỉ cần gõ mã số là xác định ngay được thông tin về phương tiện, vị trí vi phạm, địa chỉ người điều khiển phương tiện, đây là nền tảng hỗ trợ cho phạt nguội. Do đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện đại, thống nhất trên cả nước và kết nối cơ sở dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đã được xây dựng hoàn chỉnh để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý./.

Theo Cục CSGT