Các dữ liệu, thông tin về tai nạn giao thông được thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác theo một hệ thống thống nhất, được lưu giữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.

Cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ góp phần đánh giá đúng thực trạng TNGT. Trong những năm gần đây, mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta được quan tâm đầu tư xây dựng mạnh mẽ, tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội và sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng này đã dẫn đến sự không tương thích giữa các yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động giao thông vận tải quốc gia (người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông). Kéo theo nó là tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…gây cản trở cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ một cách khách quan, khoa học giúp cho nhà nước, các cơ quan chức năng đánh giá đúng thực trạng tình hình TNGT đường bộ của quốc gia, chẳng hạn như: tình hình phát triển phương tiện giao thông, tình hình người tham gia giao thông, những vấn đề cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, có những định hướng, chính sách điều chỉnh hợp lý, góp phần đảm bảo TTATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, nâng cao năng lực vận tải, góp phần phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Qua khai thác, phân tích cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ góp phần làm rõ nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mất TTATGT, TNGT đường bộ tập trung vào sự không tương thích của các yếu tố cấu thành hoạt động giao thông là người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể là: phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh chóng, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của phương tiện tham gia giao thông, ý thức tự giác một bộ phận không nhỏ của người tham gia giao thông và tinh thần trách nhiệm người thực thi công vụ còn yếu kém. Xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ còn góp phần làm rõ ảnh hưởng của điều kiện môi trường đến tình trạng mất TTATGT, TNGT đường bộ. Cụ thể là: các yếu tố thiên nhiên, môi trường giao thông vận tải là tổng hợp các vật, các hiện tượng xung quanh có ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông, bao gồm: cảnh quan xung quanh đường, điều kiện thời tiết, khí hậu, ánh sáng…ảnh hưởng lớn đến khả năng quan sát, phán đoán xử lý tình huống của người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng TNGT đường bộ.

Cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ góp phần phục vụ cho yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an trong từng giai đoạn. Cũng như Cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, Cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ giúp cho việc tra cứu các thông tin về phương tiện và người điều khiển; góp phần quan trọng vào việc quản lý xã hội của nhà nước trên lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo Quốc phòng – An ninh, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu giao dịch, vận chuyển hành khách, hàng hóa, đi lại của nhân dân. Công tác xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ với hệ thống các thông tin về số vụ xảy ra, dạng tai nạn, cặp phương tiện tai nạn, tình trạng vận tải của phương tiện, tuyến đường, thời gian thường xảy ra tai nạn, điều kiện thời tiết…góp phần quan trọng trong việc làm rõ nguyên nhân, điều kiện của tình trạng TNGT đường bộ phục vụ cho công tác phòng ngừa, làm giảm tai nạn, đảm bảo TTATGT.

Công tác thu thập CSDL TNGT đường bộ đã được các cấp, ngành quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên để nâng cao tính hiệu quả trong việc thu thập, quản lý và khai thác cần phải có cơ chế phối hợp để thống nhất các dữ liệu cần thiết, phù hợp với tất cả các ngành có liên quan trên phạm vi toàn quốc. Một trong những vấn đề của thực trạng công tác phân tích CSDL TNGT đường bộ hiện nay là việc thu thập thông tin không đủ, phần lớn chỉ đáp ứng công tác thống kê báo cáo do đó khả năng tham mưu về lĩnh vực này còn hạn chế. Ngoài ngành Công an còn có các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế cũng đã và đang tiến hành xây dựng, thu thập, quản lý và khai thác hệ CSDL TNGT đường bộ. Hiện có nhiều cơ quan phát ngôn, công bố CSDL theo chuyên ngành của mình nhưng chủ yếu phục vụ công tác nghiên cứu mà chưa có cơ quan chịu trách nhiệm công bố chính thức.

 Quan hệ phối hợp của các chủ thể ngoài ngành Công an trong việc hoàn thiện hệ thống CSDL TNGT đường bộ được xác định trên cơ sở Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT ngày 03 tháng 03 năm 2010, trong đó quy định như sau: Cục CSGT đường bộ - đường sắt cung cấp cho Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cục đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng thường trực UBATGTQG, đồng thời báo cáo lên Tổng cục Cảnh sát để đảm bảo an ninh xã hội về các số liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dữ liệu về cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên trong quá trình phối hợp, chia sẻ DL TNGT đường bộ cần phải đảm bảo tính bí mật nghiệp vụ của ngành đối với một số khía cạnh như: các thông tin về vụ TNGT đang trong giai đoạn điều tra; các dữ liệu về người vi phạm.

Để công tác khai thác, phân tích dữ liệu tai nạn giao thông được thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần đề xuất những chủ trương, chính sánh, giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông hiện nay, xin nêu ra một số vấn đề cần giải quyết như sau:

Một là: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ chiến sĩ CSGT về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu TNGT trong đảm bảo TTATGT. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thu thập, thống kê đầy đủ chi tiết vụ TNGT làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu TNGT một cách chính xác, khách quan và khoa học.

Hai là: Ngày càng hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu TNGT trên toàn quốc theo hướng thân thiện với cán bộ, chiến sĩ nhập cơ sở dữ liệu, tránh những chi tiết lặp lại trong một bản ghi dữ liệu nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được đầy đủ các thông tin về vụ TNGT. Kết nối các máy tính chủ của các đơn vị, địa phương và Cục CSGT ổn định và thông suốt đường truyền đảm bảo kịp thời cập nhật tình hình TNGT trên toàn quốc.

Ba là: Nghiên cứu việc xây dựng chương trình và đưa vào giảng dạy môn học cơ sở dữ liệu TNGT cho chuyên ngành CSGT trong các trường Công an nhân dân để mỗi sinh viên được tiếp cận và nắm vững kiến thức về cơ sở dữ liệu TNGT nhằm phục vụ tốt công tác sau khi ra trường, có kế hoạch mở các lớp tập huấn về cơ sở dữ liệu TNGT cho các cán bộ CSGT đương chức. Bên cạnh đó, do việc xây dựng, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu TNGT rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tận tụy và tâm huyết với công việc mới đạt hiệu quả cao, nên cần có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác này.

Bốn là: Những tổ chức, cá nhân theo qui định của ngành Công an và pháp luật có quyền sử dụng thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông phải bảo đảm bí mật số liệu thống kê theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiêm cấm hành vi sử dụng thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông làm phương hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Năm là: Việc xây dựng quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng CSGT và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, kết quả điều tra về vụ tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông cùng cấp để thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.

Theo TTNTCATGT.  Mộng Tuyết st