Những nguyên nhân khiến ô tô mất phanh
Khoảng 16h07 ngày 5/4, tại khu vực ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ), xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa xe ô tô BKS 29A-083.12 do tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển với 17 xe máy. Hậu quả đến nay chưa có người tử vong, có 18 người bị thương được đưa đi cấp cứu kịp thời và đang điều trị tại bệnh viện.
Nhân chứng tại hiện trường cho biết tài xế nói nguyên nhân gây tai nạn do xe mất phanh
Theo lời kể của một nhân chứng tại hiện trường, tài xế điều khiển xe gây tai nạn nói với nhân chứng này rằng ô tô bị mất phanh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện garage ô tô Quang Minh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới việc mất phanh ô tô, cần phải kiểm tra, xem xét mới có thể kết luận.
Tuy nhiên, một số nguyên nhân được dự đoán nếu xảy ra mất phanh thật có thể kể tới như bị bục tuy ô phanh dẫn đến mất áp suất dầu phanh. Hay trong một số trường hợp hy hữu, khi hệ thống chống bó cứng phanh ABS bị lỗi cũng có thể dẫn tới mất phanh. Còn thông thường nếu ABS bị lỗi, có báo lỗi thì cũng không ảnh hưởng đến tác dụng phanh.
Ông Lê Đức Nguyên, đại diện garage Việt Đức Autospa tỏ ra rất bất ngờ và khẳng định việc một chiếc ô tô du lịch đang di chuyển trong phố mà mất phanh rất hiếm gặp. Thông thường, trường hợp xe mất phanh hay gặp nhất chỉ thấy khi đổ đèo, tài xế chưa có kỹ năng lái xe tốt, rà phanh liên tục mới dẫn tới mất phanh.
“Còn giả sử trường hợp ô tô con đi trong phố bị mất phanh thật, chỉ có thể phanh bị mất áp suất dầu phanh. Tuy nhiên sẽ có đèn cảnh báo lỗi xuất hiện trên bảng táp-lô để tài xế có thể biết”, ông Nguyên nói thêm.
Xử lý sao khi ô tô mất phanh khi đi trong phố?
Cũng theo ông Nguyên, trong trường hợp ô tô bị mất phanh khi di chuyển trong phố, nếu đạp phanh thấy không “ăn” thì hầu hết các tài xế sẽ có rất ít thời gian để xử lý cho xe dừng một cách an toàn.
Tuy nhiên, tài xế có thể sử dụng phanh tay để hỗ trợ, đồng thời dồn về số thấp để giảm tốc độ xe.
“Bên cạnh đó có thể thấy nhiều vụ ô tô mất phanh khi đổ đèo, tài xế thường chọn đưa xe tì vào vách núi để giảm tốc độ cho xe dừng lại, đồng thời giảm thiệt hại tối đa cho người và các phương tiện xung quanh.
Vậy nên theo quan điểm cá nhân, nếu xe mất phanh khi đi trong phố, bên cạnh các thao tác như đã nói ở trên để giúp xe giảm tốc độ, chủ xe có thể chọn cách chủ động đưa xe tì vào các vật cản trên đường để có thể đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện xung quanh, giảm thiệt hại xuống mức thấp”, ông Nguyên chia sẻ quan điểm cá nhân.
Cập nhất mới nhất sáng 6/4, theo nguồn tin của Báo Giao thông, nguyên nhân của vụ ô tô tông hàng loạt xe máy ở đường Võ Chí Công - Xuân La là do tài xế đạp nhầm chân ga. Qua kiểm tra thì lái xe không có nồng độ cồn, hay chất kích thích
Theo Báo Giao thông