Phát biểu tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Việt Nam, trong những năm qua, xu hướng cơ giới hóa phương tiện đi lại đang diễn ra nhanh chóng. Lưu lượng xe ô tô tăng với tốc độ 15%/năm.

“Trong các trụ cột về ATGT do Liên hợp quốc khuyến cáo, nội dung an toàn kỹ thuật phương tiện luôn được xếp là một trụ cột riêng. Thời gian tới, với sự bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng ô tô, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam sẽ rất sôi động, trong đó có cả những ô tô “Made in Vietnam". Trước diễn biến đó, cơ quan liên quan phải thực hiện các nội dung quản lý để bảo đảm các phương tiện khi lưu hành đáp ứng được đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô tô tại Việt Nam”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, từ góc độ người tiêu dùng, người dân rất cần những thông tin về các tính năng an toàn mà từng loại xe đạt được để có thể lựa chọn chiếc xe phù hợp nhất.

“Việc cung cấp đầy đủ thông tin một cách chính xác, khách quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ an toàn của xe ô tô”, ông Hùng nói và cho rằng, cách thức đánh giá mà Chương trình Asean Ncap đưa đến Việt Nam sẽ là cơ sở quan trọng giúp cơ quan chức năng ở Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng kỹ thuật của xe ô tô, giúp những đơn vị sản xuất ô tô thương hiệu Việt có thể thử nghiệm chất lượng ngay tại Việt Nam mà không phải đưa mẫu xe của mình đi thử nghiệm ở các trung tâm nước ngoài. Đồng thời, cung cấp cho người tham gia giao thông thông tin về những chiếc xe có độ an toàn cao nhất.

Đại diện Chương trình Asean Ncap cho biết, mỗi loại xe sẽ được Asean Ncap đánh giá mức độ bảo vệ an toàn người ngồi xe ở mức từ 0 - 5 sao. Trong đó, thử nghiệm va chạm hông (UN R95) là điều kiện cần để đạt được cấp độ 4 sao. Bảo vệ an toàn chỗ ngồi cho trẻ em cũng được áp dụng cho mỗi cấp độ ngôi sao. Mỗi xe chỉ cần thực hiện một lần đánh giá an toàn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe ô tô được nâng cao sẽ giúp người dân có thông tin lựa chọn được những chiếc xe có mức độ an toàn cao hơn - Ảnh minh họa

Ông Vũ Thành Niêm, Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, tính riêng năm 2018, tại Việt Nam có hơn 360.000 xe đã được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Số phương tiện lưu hành là hơn 3 triệu xe, trong đó, ô tô con là hơn 1,7 triệu, ô tô tải là hơn 1,2 triệu xe.

Theo ông Niêm, trong công tác quản lý đối với chất lượng an toàn kỹ thuật của xe ô tô, hiện Cục đăng kiểm VN đã trực tiếp biên soạn một số quy chuẩn kỹ thuật, phân làm 3 nhóm chính về: phương tiện và ô tô, linh kiện và về an toàn về môi trường.

“Đối với ô tô có 4 quy chuẩn chính: quy chuẩn 09 về ô tô nói chung, quy chuẩn 10 về ô tô khách thành phố, quy chuẩn 11 về xe sơ mi rơ mooc, quy chuẩn 82 về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận", ông Niêm nói.

Với linh kiện có 7 đối tượng bắt buộc thử nghiệm và chứng nhận, bao gồm: đèn chiếu sáng phía trước, gương chiếu hậu ô tô, kính an toàn, lốp, nội thất, thùng nguyên liệu,… Đối với khí thải, Cục đăng kiểm VN đã đề xuất Bộ GTVT ban hành quy chuẩn 86 về khí thải Euro 4. Tất cả các quy chuẩn kỹ thuật này được biên soạn hài hòa với quy chuẩn quốc tế.

Cũng theo ông Niêm, Cục Đăng kiểm VN sẽ nghiên cứu xây dựng khu đường thử với nhiều đường thử: đường lòng chảo, bùn lầy, trơn trượt, sỏi đá,.. cùng nhiều phép thử như: thử khí động học, thử va chạm để nâng cao chất lượng đánh giá và thử nghiệm chất lượng an toàn kỹ thuật với xe ô tô.

Theo NTSC