Thu dọn lại đáy lú, hộ bà Phạm Thị Diền, ấp Tân Hùng, xã Ngọc Chánh đã chính thức bỏ nghề đóng đáy trên sông. Làm được hơn 2 năm, nghề đặt lú thu nhập bấp bênh lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gia đình quyết định lên bờ tìm nghề khác an toàn hơn.
Bà Phạm Thị Diền chia sẻ: “Trước đây khó khăn, không có vuông thấy người ta làm thì làm, giờ thì được tuyên truyền vận động nên không làm nữa, đi làm nghề khác để trả lại lòng sông thông thoáng cho phương tiện đi lại thuận lợi hơn”.
Tương tự như hộ bà Diền, ông Nguyễn Sỹ Nguyên cũng có thâm niên nhiều năm trong đặt lú trên sông. Được địa phương vận động, ông đã thôi công việc tạm bợ đó. Ông Nguyên cũng chủ động tìm công việc khác và sắm phương tiện chạy xe ôm. Thu nhập như nhau nhưng những nghề hiện tại không gây nguy hiểm cho những phương tiện qua lại đặc biệt trong ban đêm, lí lẽ đó đủ thuyết phục nên khi được địa phương vận động, các hộ trên tuyến sông tại ấp Tân Hùng đã thôi nghề đáy, lú.
Ông Nguyễn Sỹ Nguyên cho biết: “Làm mướn với đặt lú như nhau, đi làm mướn tránh được phiền phức đường thủy cho người dân đi lại thấy hiệu quả hơn nên giờ sẽ cố gắng đi làm không đặt lú dưới sông nữa”.
Ông Nguyễn Sỹ Nguyên ấp Tân Hùng, xã Ngọc Chánh mua được chiếc xe máy để chạy xe ôm sau khi không còn đặt lú
Ông Tô Thành Mun, Trưởng ấp Tân Hùng cho biết thêm: “Đa phần bà con đều có hoàn cảnh khó khăn nên mới đặt lú dưới sông, nhưng qua tuyên truyền vận động thì các hộ đã có ý thức chấp hành chuyển ngành nghề khác”.
Để thực hiện công tác trên xã Ngọc Chánh đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp. Trong đó có thành lập các tổ kiểm tra tận ấp, đồng thời đưa việc đánh giá, bình xét gia đình văn hóa gắn với đảm bảo an toàn giao thông. Kết quả là đến cuối năm 2018, 98% lú, đáy, chướng ngại vật trên sông đã được thanh thải. Còn lại 2% là những hàng đáy lớn, nằm trong chương trình giải tỏa giai đoạn 2020 – 2021, địa phương tiếp tục vận động các hộ ký cam kết, tháo dở trong thời gian tới.
Ông Phạm Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh cho biết: “Bàn giao các ấp giữ địa bàn, trong quá trình đó họp dân thông báo đưa vào nội quy ấp, cuối năm nếu vi phạm không xét văn hóa,tái phạm đưa ra họp dân như vậy đến thời gian này người dân trên địa bàn xã thực hiện rất tốt”.
Trả lại dòng sông thông thoáng, không chướng ngại vật, giảm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy đối với phương tiện qua lại là điều ghi nhận được từ công tác xóa lú, đáy tại xã Ngọc Chánh. Tuy nhiên, để tránh trường hợp tái vi phạm, chính quyền sở tại vẫn phải cần thường xuyên kiểm tra. Đặc biệt có những định hướng phù hợp để những hộ khó khăn tìm nghề mới nuôi sống gia đình.
Thành Quốc